Những chuyển động của thị trường các đồng tiền mã hóa trong vòng chưa đầy sáu tháng nay đã tạo nhiều sóng gió và làm cho chính quyền nhiều nước không khỏi lo lắng, thậm chí nhiều nơi bắt đầu thấy choáng váng.
Thật vậy, nếu như lấy khởi điểm quanh mức 1 bitcoin ăn 2.500 đô la Mỹ vào đầu tháng 8-2017, thì qua chưa đầy nửa năm, giá trị đồng bitcoin đã tăng gấp 8 lần nếu so sánh dựa trên giá trị đồng đô la Mỹ.
Cũng cần lưu ý rằng từ khi xuất hiện tính đến giữa tháng 3-2017, giá trị đồng bitcoin lận đận dưới mức 1.000 đô la ăn 1 bitcoin. Nhưng từ khi có tin đồng tiền mã hóa sẽ được đưa vào giao dịch trên các sàn tài chính phái sinh, giá trị của chúng càng lúc càng tăng. Còn nhớ chỉ một tuần sau khi chính thức giao dịch trên sàn kỳ hạn ở Mỹ bắt đầu từ ngày 10-12-2017, bitcoin như được “tháo xích” bung lên và đạt đỉnh quanh mức 1 bitcoin ăn 20.000 đô la Mỹ.
Thế nhưng cũng từ đấy, giá trị bitcoin tăng giảm thất thường như “con ngựa bất kham”, có lúc đã mất trên 50% so với đỉnh để có thời điểm vào giữa tháng 1-2018 chạm 9.189 đô la Mỹ ăn 1 bitcoin.
Qua “những điều trông thấy” ấy, dư luận thị trường đang chia thành hai phe: những người ủng hộ đồng tiền mã hóa thì cho rằng tương lai của thị trường tiền tệ thế giới chính là ở đấy; những người phản đối thì cho đó chỉ là giá trị ảo, là chiêu trò của các nhà đầu cơ tài chính “câu” những người ham tiền và thích đỏ đen.
Thật ra, người quen giao dịch trên các sàn tài chính phái sinh không lạ với hiện tượng tăng giảm một cách cực đoan nhất là khi một sàn kỳ hạn nào đó quyết định đưa bất kỳ loại hàng hóa hay dịch vụ mới nào lên sàn. “Kinh nghiệm này đã từng xảy ra với giới kinh doanh cà phê Việt Nam khi sàn kỳ hạn cà phê London chuyển khối lượng giao dịch mỗi hợp đồng cũ từ 5 tấn lên 10 tấn và thay cấu trúc chất lượng cà phê được đấu giá trên sàn. Nhớ thời điểm trước và sau ngày giao dịch theo hợp đồng mới trong năm 2010, giá kỳ hạn cà phê robusta dao động dữ dội, có lúc trong một ngày từ 250-300 đô la Mỹ mỗi tấn”, một chuyên gia kinh doanh tài chính phái sinh nhớ lại.
Liên hệ với thị trường các đồng tiền mã hóa, ông cho rằng không có gì lạ với hiện tượng tăng giảm bất thường của một hợp đồng tài chính phái sinh khi đang trong thời gian chuẩn bị và phát hành lên sàn giao dịch kỳ hạn. Chính trong thời gian này, các tay đầu cơ tung các tin như tầm quan trọng của đồng bitcoin, tạo nhu cầu mua vào cho bản thân đồng tiền mã hóa mới được phép “đấu giá”, phát hành nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ tương tự để tạo thêm dư luận thuận lợi cho “mã sản phảm” mới… nhằm thu hút và lôi kéo nhiều người đầu tư và đầu cơ sản phẩm mới ấy.
Mặt khác, cũng như các hợp đồng kỳ hạn khác, để tạo khả năng thanh khoản cho sản phẩm giao dịch, một số quỹ đầu tư tài chính đứng ra mua khống hay đặt cược (long position) một lượng tiền rất lớn để “bôi trơn” các giao dịch ban đầu và cả về sau. Chính vì vậy, giá trị bitcoin trong thời gian qua tăng chóng mặt, nhất là khi đồng tiền mã hóa chỉ được “bảo chứng” bằng đồng đô la Mỹ chứ không phải một thứ hàng hóa thực tế nào khác như trên các sàn bông vải, ca cao, đậu nành… chẳng hạn.
Trong trào lưu hướng về một thị trường không sử dụng tiền mặt (cashless), đồng tiền mã hóa lại có cơ hội thuận lợi để được tâng bốc và không ít người nghĩ vai trò bitcoin na ná như một loại tiền tệ giao dịch thanh toán theo yêu cầu của tương lai.
Thật ra, chức năng quan trọng nhất của một đồng tiền là để làm phương tiện trao đổi.
Nhìn từ phía đồng tiền mã hóa, công nghệ “chuỗi khối” (blockchain) giúp bitcoin có được hai đặc điểm quan trọng, đó là người ta có thể sử dụng nó để trao đổi ngang hàng mà không cần một trung gian đáng tin cậy; mặt khác, giao dịch qua nó có thể được thực hiện kín đáo và ẩn danh. Như vậy, bitcoin có khác chi các đồng tiền giấy và tiền đúc (bằng bạc hay nickel hiện đang còn lưu thông tại nhiều nước như Vương quốc Anh, Singapore…). Cái khác nhau giữa hai loại tiền trên là đồng tiền “thực” (cả tiền mặt và không tiền mặt) được một chính phủ bảo đảm, có ngân hàng trung ương kiểm soát giá trị của nó, còn bitcoin chẳng thuộc trách nhiệm của ai.
Theo một bình luận mới đây của Bloomberg, đấy chính là “lỗ hổng chết người” của các đồng tiền mã hóa khi chúng có tham vọng thay thế đồng tiền “thực”. Không ai kiểm soát được giá trị của đồng tiền mã hóa thì không ngạc nhiên khi giá trị của chúng có khi lên tận trời xanh mà cũng có khi rớt xuống bằng 0.
NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG 27/1/18
Hits: 50