Báo cáo từ Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, sản lượng cà phê thế giới trong năm mùa vụ 2017 – 2018 ước đạt 159,66 triệu bao, tăng 1,2% so với năm ngoái.
Trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến sẽ giảm 4,6% xuống 97,43 triệu bao trong khi sản lượng cà phê Robusta được dự báo tăng 12,1% lên 62,24 triệu bao.
Sản lượng dự kiến sẽ tăng ở tất cả các khu vực ngoại trừ Nam Mỹ, với ước tính giảm 6,1% xuống 70,59 triệu bao. Sản lượng cà phê từ châu Phi được ước tính tăng 3,2% lên 17,66 triệu bao; từ châu Á và châu Đại Dương tăng 10% lên 49,49 triệu bao; từ Mexico và Trung Mỹ, tăng 7,1% lên 21,92 triệu bao.
Theo ICO, sản lượng cà phê dự kiến sẽ tăng tại 18 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất.
Mặc dù xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica Colombia tăng trong tháng 4, tổng khối lượng xuất khẩu từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018 giảm 8,7% xuống còn 8,37 triệu bao. Xuất khẩu cà phê Arabica Brazil đạt 20,83 triệu túi, giảm 1% so với giai đoạn tháng 10/2016 đến tháng 4/2017. Tuy nhiên, xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica từ quốc gia khác và nhóm Robusta tăng lần lượt là 6,8% và 3,6% trong bảy tháng đầu năm 2017 – 2018.Báo cáo cũng chỉ ra, tổng khối lượng xuất khẩu trong tháng 4 tăng 7,1% lên 10,18 triệu bao so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê Robusta tăng 14,1%, trong khi xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica Colombia tăng 6,8%. Tổng xuất khẩu trong giai đoạn tháng 10/2017 đến tháng 4/2018 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, xuất khẩu từ 3 trong 10 nhà sản xuất cà phê lớn nhất đã giảm trong 7 tháng đầu năm mùa vụ cà phê so với một năm trước.
Brazil, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, tăng khối lượng cà phê xuất khẩu thêm 4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù, xuất khẩu của quốc gia này trong 7 tháng đầu năm cà phê 2017 – 2018 giảm 5,7% so với một năm trước, vì đó là một năm năng suất thấp của chu kỳ sản xuất hai năm một lần của cà phê Arabica.
Điều này là do sản lượng cà phê trong năm 2017 – 2018 ước tính giảm 7,3% so với năm 2016 – 2017 xuống 51 triệu bao. Tiêu thụ nội địa tăng cũng có thể góp phần khiến khối lượng xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, ICO cho biết vụ mùa năm 2018 – 2019 đang trong đà ghi nhận sản lượng lớn khi sản xuất cà phê Arabica đang ở trong năm cho vụ mùa bội thu và thời tiết nói chung là có lợi đối với cây trồng.
Cụ thể, sau khi giảm 11,1% xuống 25,54 triệu bao trong năm mùa vụ 2016 – 2017, sản lượng của cà phê của Việt Nam ước đạt 29,5 triệu bao, phục hồi 15,5% trong năm 2017 – 2018. Nguyên nhân là nhờ lượng mưa đúng thời điểm, cũng như những cây cà phê mới bắt đầu cho sản lượng.Về khối lượng, xuất khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn tháng 10/2017 – tháng 4/2017 tăng đủ để bù đắp lượng sụt giảm trong xuất khẩu của Brazil trong cùng thời kỳ. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt nam ước tăng 17,3% lên 17 triệu bao so với một năm trước, và là mức cao nhất từng được ghi nhận cho cùng giai đoạn.
Tại Colombia, xuất khẩu cà phê tăng 3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2017, trong khi tổng khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm mùa vụ 2017 – 2018 giảm 9,2% xuống 7,62 triệu bao. Sản lượng cà phê của quốc gia này trong năm mùa vụ hiện tại dự báo giảm 4,3% xuống 14 triệu bao vì mưa lớn và nhiều mây. Sản lượng giảm và sự phục hồi của đồng peso Colombia so với USD đã khiến khối lượng xuất khẩu giảm trong năm nay.
Còn tại Indonesia, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đã giảm 23,4% xuống 454.328 bao, đưa tổng khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm mùa vụ 2017 – 2018 giảm 23,7% xuống 3,54 triệu bao. Indonesia hiện có lượng cà phê giới hạn để xuất khẩu vì chỉ mới bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới và tiêu dùng nội địa tăng đều đặn trong vài mùa qua. Sản lượng của quốc gia Đông Nam Á được dự báo phục hồi 4,4% lên 12 triệu bao trong năm 2017 – 2018 sau khi giảm 6,7% trong năm 2016 – 2017.
Nguồn: Vietnambiz.vn
Hits: 118