Quê tôi ở Huế. Có thời gian được phân công công tác tại một phố núi. Có những chiều buồn lạ. Bấy giờ, còn trẻ, tôi không ưa mấy cổ nhạc. Thế mà, khi có loa phóng thanh trên phố nhỏ chừng 3, 4 giờ chiều phát đi một câu hò Huế, cả người tôi như “rêm” lên vì các giai điệu ấy. Điệu ru, điệu hò đó như đã chực sẵn trong máu tôi, chỉ chờ cơ hội là tràn ra.
Tôi có thằng cháu, từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên chỉ ở thành phố. Bên bố nó xưa nay nhiều đời đi biển. Thế mà, có hôm tôi cùng cháu về quê nó chơi. Bứt rứt vì tiếng sóng rầm rì, nó tâm sự với tôi: “Cậu à, không biết thế nào mà một khi nghe sóng biển vỗ là lòng cháu cứ nao nao, cháu có cảm giác thế nào ấy, tuy cháu cả đời chưa biết bơi là gì…”. Tôi trả lời rằng muối biển của cha anh cháu vẫn chưa tan đi hết trong máu cháu.
Cái máu “nể sợ” Tây có thể cũng có nguồn gốc tương tự. Cả trăm năm bị Pháp thống trị, dọa nạt, không ít bậc thuộc đời trên mình bị chúng bắt “ngồi chiếu dưới”, cũng có nhiều người đã trở thành “Việt gian” hay “me tây”…Đã có một thời, chúng bắt dân mình phải học thuộc lòng…”tổ tiên chúng ta là người Gô-loa” cơ mà! Dĩ nhiên, chúng ta đã không bị bọn thực dân khuất phục. Nhưng “đêm dài nô lệ” cũng tạo nên không ít những vệt đen trong tâm thức chúng ta, mà nào dễ nhận ra!
Thực ra, có khi muốn cười ra nước mắt vì ông sếp dân ta lại bị chính người của ta dạt vào loại “lính” để cởi mở bắt tay trước với “ông lính tây” được đưa lên hàng sếp một cách sai lầm mê muội.
Qua báo chí, tôi còn nhớ cách đây dễ gần cả năm, một nhóm thanh niên “tây đen” đến toàn soạn Báo Phụ Nữ Việt Nam tại TP HCM để đòi bồi thường do “dám” đăng bức ảnh chiếc xe cà tàng của họ lên báo. Thực ra, bọn họ làm reo do biết mình “cả nể”. Các chị cũng quá hiền để chúng làm reo được!
Cái yếu và cái thiếu của mình là không biết ngoại ngữ, nhưng không vì thế để tự ti!
Lại mới tuần trước trên VTV tại Kiên Giang, khi một chiến sĩ công an giao thông tuýt còi chặn hỏi một cậu lái xe mô tô, cậu trẻ cự nự bằng cách nói bì bõm mấy chữ tiếng Anh hình như là…”No, no…I speak English…” gì gì đấy để hù ngược…trong khi mặt mũi và phát âm của cậu rặt quê “qua”. Rất tiếc, tôi bấy giờ không ở đấy! Với những bạn trẻ như thế, họ cần một cái bạt tai để tỉnh lại, để kéo họ ra khỏi “đêm dài nô lệ”.
Ở đây, tôi không muốn nói rằng học ngoại ngữ và thực hành chúng là không quan trọng. Nhưng, cách xử sự của bạn nhỏ kia phải đáng hổ thẹn khi “xài của” không đúng chỗ.
Cũng có chị thích tây, nếu không có con lai cho đẹp thì chí ít cũng đặt tên con mình bằng tên “Giâu” tên “Bóp” (Joe / Bob).
Hãy nhìn thẳng, “nặn” cho hết “mủ” vong nô, vì mình đã mấy mươi năm độc lập rồi. Mình có mắm ruốc đối với các bạn tây là thối nhưng có loại phô mai của họ cũng thối đâu kém mắm ruốc làng tôi!
Nguyễn Quang Bình, đã đăng trên mục Bạn đọc, báo Sài Gòn Tiếp thị Online ngày 22/9/2011, bài tham gia diễn đàn “Hội chứng nể sợ người nước ngoài”.
Hits: 49