Nhận định giá cà phê thế giới từ 12-17/10/2020: Giá lùi một bước để tiến lên chăng?

Diễn biến thị trường cà phê tuần 05-09/10/2020: Giá robusta giảm nhưng arabica tăng.

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch tháng 11 trên sàn robusta và 03/2021 trên sàn arabica) 

Bối cảnh thị trường

Trước thêm hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ được tổ chức tại Ả-Rập Xê-Út vào tháng 11-2020, lãnh đạo các tập đoàn kinh doanh hàng đầu thế giới trong nhóm B20 (Business Twenty) đã đưa ra khuyến cáo nền kinh tế toàn cầu vẫn còn “rủi ro đi xuống rất cao”nếu như không các chương trình cải cách khẩn cấp của G-20.

Chủ tịch B20, Yousef Al-Benyan cho rằng “nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng tồi tệ nhất tính từ cả thế kỷ nay”. Do vậy, giới kinh doanh đang muốn tìm một tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp. Họ khẩn khoản giới lãnh đạo G-20 phải có hành động chính trị mạnh mẽ và sâu rộng để phục hồi kinh tế hậu đại dịch. B20 cho rằng căng thẳng thương mại, bất nhất về chính sách, căng thẳng địa chính trị và các lỗ hỗng tài chính ngày càng lớn là những rủi ro chính cho triển vọng khôi phục và phát triển kinh tế thế giới hậu đại dịch Covid-19.

Tin tức dồn dập về khả năng Mỹ tung gói tài chính cứu trợ lớn đã giúp giá cổ phiếu Mỹ có một tuần tăng tốt. Cả tuần, chỉ số S&P500 tăng 3,8%, Nasdaq tăng 4,6%, tỷ lệ tăng mạnh nhất tính từ tháng 07/2020 và DJ tăng 3,3%, tỷ lệ cao nhất tính từ tháng 08/2020. Gói hỗ trợ này được TT Trump dự định là 1,8 nghìn tỷ Usd nhưng phía đảng Dân chủ đối lập đề xuất đến 2,2 nghìn tỷ Usd.

Dù các nước đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh Covid-19, nhưng không để giao thương hàng hóa đứt đoạn như hồi đầu phát sinh dịch bệnh. Chỉ số vận tải biển (hàng khô) BDI tăng lên mức 2.097 điểm, là mức cao nhất tính từ hơn một năm nay dù cuối tuần có chỉnh giảm về dưới 2.000 điểm (xem hình 1- bên trái).

Chỉ số giá trị đồng Usd giảm ba ngày liên tiếp về cuối tuần, đóng cửa xuống dưới mức 93,10 điểm. Nhờ vậy, giá hàng hóa trên các sàn phái sinh có cơ hội phục hồi cộng với các yếu tố tích cực do gói hỗ trợ tài chính Mỹ mang lại.

Hai sàn cà phê những ngày cuối tuần tăng, ngoài việc nhờ một đồng Usd rẻ, còn được tác động bởi những lo ngại về thời tiết không thuận. Các bản tin thời tiết tại Brazil cho rằng các vùng trồng cà phê nước này đang chờ mưa vì lượng mưa trong thời gian này thấp so với bình quân nhiều năm. Trong khi đó, hãng môi giới Marex Spectron (Anh) đang lo sản lượng cà phê Brazil năm sau thiếu hụt mạnh do hạn hán “trầm trọng” có thể xảy ra. Đồng lúc đó, Trung tâm Dự báo thời tiết (Mỹ) cho rằng 85% khả năng xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina vào cuối năm này và đầu năm sau. Một khi có La Nina, các nước sản xuất cà phê như Colombia, Indonesia, Peru, Việt Nam sẽ có mưa nhiều, trong khi đó tại Brazil và các nước phía Đông châu Phi lại chịu hạn hán.

Tại Việt Nam, mưa lũ kéo dài tại miền Trung và Tây Nguyên có dấu hiệu chịu ảnh hưởng từ hiện tượng La Nina 2020-2021. Mây nhiều và mưa liên tục tại các tỉnh trọng điểm cà phê Việt Nam có thể làm hoãn lại thời gian thu hoạch. Nếu tình hình tiếp tục mưa nhiều như hiện nay, vụ mùa cà phê ở Tây Nguyên có thể chậm từ một đến một tháng rưỡi, tức phải đến cuối tháng 11/2020 hay sang đầu tháng 12/2020.

Cơn bão số 6 dự kiến đổ bộ vào các tỉnh giữa miền Trung Việt Nam và sau dó sẽ trở thành áp thấp nhiệt đới. Nhiều vùng cà phê tại Tây Nguyên nhiều ngày qua ít nắng, nhiều mây và mưa. Đầu tuần này tình hình thời tiết ẩm ướt còn tiếp tục. Trái cà phê trên cây thiếu nắng chưa chín dù đã bước vào niên vụ mới.

Thời tiết đang góp phần hỗ trợ giá cà phê phái sinh chỉnh tăng lại sau khi giá rớt xuống mức sâu nhất tính từ 10 tuần nay.

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

  • Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York đợt này được ghi nhận là 65.907 tấn so với tuần trước 65.773 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 108.420 tấn so với tuần trước là 109.340 tấn (1).

  •  Xuất khẩu cà phê arabica hai nước Nam Mỹ

Costa Rica và Colombia là hai nước xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt vùng Nam Mỹ. Niên vụ 2019-2020 Costa Rica đạt 1.135.522 bao (bao=60 kg), tăng 6,7% so với niên vụ trước đó, còn Colombia đạt 12.222.000 bao, giảm 7,75% do dịch Covid-19.

Giá cả (xem hình 1)

Đầu tuần trước, giá hai sàn cà phê giảm mạnh về mức sâu nhất tính từ cả chục tuần nay. Về cuối tuần, nhờ các yếu tố tiền tệ và dự báo thời tiết, giá đã tăng dần. So với tuần kết thúc ngày 02/10, giá New York có kết quả tăng tuy nhiên London lại giảm.

Ngày 09/10/2020, phiên cuối tuần, giá robusta chốt mức 1.260 Usd/tấn, giảm 30 Usd với biên độ dao động cao/thấp nhất 1.303/1.228. Sàn arabica đứng tại 113.80 cts/lb tăng 2.85 cts/lb hay 63 Usd/tấn trong biên độ 114.70/107.15.

Giá cà phê nội địa đầu tuần trước phiêu lưu xuống vùng 31,2 triệu đồng/tấn nhưng chỉnh dần vào cuối tuần quanh mức 32 triệu đồng/tấn (hình 2). Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ đang được chào mua quanh mức +100/+110 Usd/tấn Fob (giao hàng qua lan can tàu) cao hơn giá niêm yết tháng 01 và 03/2021.

Hình 2

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 12-16/10/2020: Nhiều tác động tích cực từ bên ngoài tăng cường sức mạnh cho yếu tố kỹ thuật.

Tin thời tiết không thuận lợi cho niên vụ cà phê chuẩn bị thu hái tại Việt Nam và Brazil có thể mất mùa lớn trong năm 2021 đã phần nào chặn đứng làn sóng thanh lý các hợp đồng dư mua trên hai sàn cà phê những ngày cuối tuần trước.

Thật vậy, vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư trên 2 sàn tính đến ngày báo cáo mới nhất (06/10/2020) cho biết lượng hợp đồng dư mua giảm mạnh. Trên sàn robusta London nay chỉ còn 3 nghìn so với báo cáo trước đó là 13,5 nghìn hợp đồng (giảm hơn 10 nghìn) và arabica New York chừng 28 nghìn so với trước là 34,8 nghìn (giảm gần 6 nghìn).

Hình 3 – Nguồn: Phan Trọng Anh

Nhìn từ vị trí giá đóng cửa sàn robusta ngày 09/10/2020 tại 1.260 trong biên độ 1.303/1.228, dựa trên đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có thể đưa ra nhận định như sau:

-Một mô hình tam giác xuất hiện với cạnh huyền được kẻ từ đỉnh 1.535 và cạnh đáy được kẻ từ vùng đáy xuất hiện tuần qua. Tam giác này tạo nên một góc nhọn tại điểm gặp nhau của 2 cạnh tam giác. Có thể đoán rằng sàn London đã lập đáy ở khu vực 1.230 khi chạm 1.228 tuần qua để nâng dần lên chạm 1.263 và đóng cửa ở 1.260.

Như vậy, hãy xem như London tạm thời có đáy cho đến khi nào đóng cửa dưới 1.228. Bao lâu giá London cố giữ đươc trên mức 1.256 (MA5) thì xu hướng tăng phục hồi vẫn còn mạnh. Vùng 1.307-1.310 (MA100) được kỳ vọng cho tuần này nếu như vượt khỏi tỷ lệ vàng 61,8% ở 1.300.

Như đã nói, một số yếu tố như tiền tệ và thời tiết đang ủng hộ giá cà phê. Cộng vào đó, chỉ báo RSI 14 của sàn này đang rơi vào vùng bán quá mức (29,41%) so với tỷ lệ tham chiếu 30%.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Mua bán sẽ khởi động khi giá về trên 32,5 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê nội địa trong tuần dao động trong khu vực 31,2-32 triệu đồng/tấn. Mức 32 triệu đồng đã được săn mua đầu tuần này.

Giao dịch mua bán trong nước trở nên yên ắng lạ thường do một mặt giá thấp, mặt khác các nhà xuất khẩu chưa muốn chào bán giao xa vì tình hình thời tiết khó đoán và chưa biết thời điểm thu hoạch cà phê niên vụ mới 2020-2021 sẽ bắt đầu hái rộ lúc nào.

Dự kiến sẽ còn ít nhất một tuần kinh doanh cà phê kém nhộn nhịp do nông dân đang chờ cơn bão số 6 và áp thấp nhiệt đới đi liền sau đó.

Giả sử giá London không tăng, mức thấp nhất tuần này cho cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ tại Tây Nguyên có thể nằm tại 31,5 triệu đồng tấn. Còn nếu bán ra cho hàng giao ngay hay giao xa, thị trường đang chờ mức 32,5 triệu đồng trở lên và 33 triệu đồng/tấn đang được nhiều người kỳ vọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 05-10/10/2020: Chuyển biến xấu ngay từ đầu niên vụ mới”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22208
  2. Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”,  “thitruongcaphe.net”.
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 38