Phố núi xưa, vẫn là…

nguyễn quang bình/thitruongcaphe.net

Cứ mươi ngày trước hoặc sau Tết, năm nào tôi cũng tìm cách quay lại cái thành phố bé bằng bàn tay nằm trũng giữa núi rừng Tây nguyên như một món nợ đời dùng dằng chưa trả được. Mấy ông bạn cùng thời, cùng lên công tác chỉ vài ba năm sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nay hầu hết đã chuyển về chốn thị thành đô hội, hóa ra họ cũng như tôi, nhiều ông vẫn còn ray rứt với con người, cỏ cây của phố núi xinh xắn ấy, Buôn Ma Thuột.

Cái tên Buôn Ma Thuột nay không còn xa lạ gì với thế giới. Xưa, chỉ là một bản làng nhỏ do bố một ông tên Thuột lập nên, chung quanh là rừng núi đại ngàn và thú dữ, thì nay đã là một thành phố khang trang, gọn gàng. Vẫn còn đó những con dốc nhỏ đổ về các buôn làng xa gần chung quanh. Nay, thêm một đại lộ điểm xuyết giữa trung tâm với hàng cột điện được trang trí bằng những ché rượu cần hiếu khách.

Song, cái vương vấn chưa phải là vẻ tươi tắn thành thị kia, đôi khi có hơi nhuốm màu “đồng bằng” ấy. Quyến rũ nhất vẫn là những vườn cà phê nho nhỏ to to bao vây “cái buôn” xinh xắn này.

Đẹp thật, hết vườn này nối vườn khác tạo nên những cánh rừng màu xanh kỳ lạ. Nằm tại khúc giữa của miền Trung và miền Nam, mùa mưa Buôn Ma Thuột thật khéo nịnh! Hầu như năm nào cũng thế, Buôn Ma Thuột chỉ có chừng bảy đến mươi ngày mưa dầm, nhưng không quá rả rích, ỉ ôi như Huế. Thời gian còn lại, hầu hết đều là những cơn mưa vụt qua, “mưa rồi lại nắng” giống hệt đất Sài thành, như Trịnh Công Sơn tả nhanh những cơn mưa bất chợt Sài gòn trong một bài hát nọ. Một ngẫu nhiên thú vị là xã Lạc Giao, trung tâm của Buôn Ma Thuột xưa, chính là nơi cậu bé nhạc sĩ tài hoa ra đời. Lẽ nào những nốt nhạc, phím đàn, lời thơ, những nét vẽ của anh Sơn đều đượm màu phố núi ấy? Không biết đến nay thành phố đã để ý đặt tên Trịnh Công Sơn cho một con đường nào đó chưa, dù nho nhỏ thôi, để như nhắc với cư dân và du khách có một chàng “hát rong” đã sinh thành tại đó?

Tôi mê cái màu xanh lá rờm rợp muôn điệu của vườn cà phê sau cơn mưa. Cả rừng, như có một bàn tay họa sĩ dùng nét cọ vẽ những hàng cây thẳng tắp nhưng vẫn còn để lơi đâu đó vài đường ẻo lả. Là là mặt đất, một màu xanh um, thẩm đậm, chắc nịch bó lấy nhau bằng những cành lá dài. Có nơi tán lá của hai hàng cây kết thành đôi bàn tay như muốn với tới nhau, rồi lại có chỗ thả ra một cách lẳng lơ như ghẹo tình. Nắng đôi khi cố len qua mấy kẽ lá, cố kiếm đường chạm đất, nhưng mấy khi xuống được. Rồi cả một vùng ánh sáng bị vây giữa vùng thân cây, bùng lên một màu xanh hòa với nắng vàng tươi phản chiếu với nước mưa còn đọng. Tất cả tập hợp năng lượng thành một tốp từ dưới, rủ nhau hòa với ánh sáng chói lòa của mặt trời phía trên, vỡ òa hết lên trên muôn vàn chóp cây: một màu xanh lá non, xanh trộn với sắc lục tinh khôi của gam màu ánh sáng, ngay lập tức thoát nhanh lên trời cả màu xanh biêng biếc quyện với hơi nước do sức nóng của ánh nắng, tạo nên những vệt xanh sắc như dao, tỏa nhanh cả khí xanh xanh tim tím ấy trên các đỉnh cây, cả màu xanh, cả hơi nước, cả ánh sáng tan ra dịu dàng, nhịp nhàng như điệu múa một ngày hội buôn làng.

Bây giờ vẫn còn nhớ da diết cái đêm trăng cận Tết trong vườn cà phê mới nở hoa. Ông bạn cùng cơ quan, người dân tộc, kéo vài anh em và tôi về nhà chơi. Khu vườn rộng chừng hai héc-ta nằm bên bờ suối. Trời trong vắt. Trăng lắt lẻo. Càng về khuya càng lạnh. Chỉ sau đợt tưới đầu tiên chừng chưa đến mươi ngày, những chùm hoa cà phê đã nở, phủ trắng như tuyết. Cành ở đâu, hoa tràn ra đấy, “tuyết” đầy ở đấy. Trăng càng sáng, hoa càng trắng, một màu trắng sắc sảo quyện với hương từa tựa hoa lài. Từng đợt gió, khi nhặt khi khoan, chan bớt hương thơm đi nơi khác, chỉ còn dìu dịu, chứ không người yếu phổi dễ ngợp giữa vùng hương hoa trĩu trịu ấy.

Tác giả với anh Lê Đức Thống (nguyên TGD Simexco Daklak) tại London năm 1997.

Hớp hồn, tôi chẳng thể ngồi yên. Rảo quanh vườn. Hít thở đều. Vợ chồng ông bạn chủ nhà có thằng con trai đến tuổi “cập kê”. Hôm ấy, chúng tôi đến nhằm lúc một “sơn nữ” trẻ từ buôn khác đến “cưa” và muốn lấy cháu ấy làm chồng. Cậu con trai ấp úng, e thẹn hệt như cô gái người kinh khi gặp người “để ý” mình, đứng núp trong cái chòi nhỏ góc vườn. Thôi hỏng rồi,  mình đã sai rồi, sai ngay trong nếp nghĩ. Chính người nữ trong gia đình là người chủ động, quyết định “vận mệnh” gia đình. Hèn chi nhiều khi, thăm các buôn khác, thấy không ít “anh”chỉ quanh quẩn với con cái trong vai trò người vợ, trong khi “chủ gia sơn nữ” bận lên rẫy lên nương. Vậy mà trong đầu tôi cứ tưởng đã “tu mi nam tử” thì đâu cũng thế. Ở đây khác! Đừng tưởng cái gì mình nghĩ thì thiên hạ ắt phải đúng như thế. Chính vì vậy mà khi có cô ca sĩ người dân tộc làm giám khảo một cuộc thi nghệ thuật, nhiều bài báo đã phê bình cô ấy do có lúc hành xử khá “mạnh bạo” theo con mắt của người viết. Riêng tôi, ấy là bình thường, vì họ quen thế, cô ấy phải thế!

Phải đợi đúng chu kỳ gần cả năm, hoa mới cho ra trái, cây còn qua thêm ba bốn đợt được tưới đẫm nữa mới đến mùa thu hoạch. Đến khoảng cuối năm, cả rừng trái xanh, chuyển dần sang màu vàng. Tới vụ, được nắng, có nhiều vùng đỏ rực với những chùm trái chi chít, cơ man nào là trái nhỏ trái to. Để có hạt cà phê, còn phải qua lắm công đoạn, phơi khô, tách vỏ…bảo quản kỹ nơi khô ráo. Tại nhiều nước tiêu thụ, có khi hạt cà phê mua về được bỏ vào kho có máy điều hòa không khí để giữ chất lượng hạt cà phê ổn định.

Lần đầu tiên trong đời cũng là lần duy nhất, tôi được tận hưởng cả cái công đoạn rang xay cà phê giữa rừng rú. Trong khi các bạn và tôi còn rôm rả quanh ché rượu cần ủ bằng nếp từ nương rẫy, đủ ngất ngưỡng vì vui vì say, vì hương Tết cận kề…mùi thơm cà phê được rang ngậy bốc lên từ cái xoong khá lớn. Một ít mỡ gà, một tí rượu gạo, phả vào cho dịu mớ hạt cà phê đang nồng khói, “bà chủ” bỏ hết mẻ rang vào cối. Rồi cùng với cô con gái đầu dùng chày nhịp đều. Những hạt cà phê được cất lại từ vụ cũ đã chuyển sang màu nâu cánh gián, được giã vỡ ra, thành bột, thơm ngọt ngào thơm ngây ngất đúng của hạt cà phê chính hiệu. Cuối cùng, cả gần mươi người chia nhau cái ấm cà phê lớn chừng gần bình trà, được lọc bằng miếng vải lọc. Những tách cà phê, nước màu nâu cánh gián được chắt hết đến từng phân tử cuối cùng, đến cái hương, cái vị và cái tình thâm với con người, với núi rừng, và với vườn cà phê. Ngào ngạt.

Có những lúc đi đây đi kia vào dịp Tết chưa về kịp thăm phố núi, lúc thành công khi thất bại, có khi phải một mình co ro giữa phố lạnh Seoul hay Geneva tuyết phủ vì lỡ vận vào người cái nghiệp mua bán cà phê lắm chua cay…chợt nhớ về khu vườn phố núi, với đám bạn bè mộc mạc, đôi khi cũng đỡ chạnh lòng.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Bài đã được xuất bản trên TBKTSG số 3-2013 ra ngày 17-1-2013 (bản in – trang 41-42) 

Hits: 170