Chắc khó có nơi nào kiếm được bữa ăn sáng thân tình như ở Việt Nam. Chẳng biết xui khiến thế nào mà một bữa thứ Bảy tôi lại rớt vào tiệm phở. Lúc ấy đã khá trưa, chừng chín rưỡi mười giờ gì đấy. Một quán phở bình dân ở đất Sài Gòn.
Ngày thường, thi thoảng, tôi cũng hay ghé vào quán ấy trước khi đến sở làm. Lúc nào cũng chật như nêm. Bữa nay, gặp ngày cuối tuần, hóa ra khách vẫn khá đông. Song, không tụ tập một lần như những ngày thường. Khách kiếm chỗ ngồi dễ dàng hơn, thông thoáng hơn.
Thân tình là vì thực khách muốn chọn chỗ nào ngồi cũng được, ngồi chung ngồi chạ chẳng ai dám trách. Sướng cái nữa, cùng bàn, ngoài việc được thưởng thức những tô phở phả khói nghi ngút, thiên hạ còn cho xơi biết bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất mà chẳng phải ai trách ai nghe lén.
Chỗ càng sang thì ẩn tình cá nhân càng nhiều, cái riêng tư càng lớn, đời nay thường vậy. Đã dăm bảy lần vào ăn sáng tại mấy khách sạn năm sao, ra khỏi ghế rồi, cứ nghĩ mình dại. Ăn sáng gì mà người nào lo chúi mũi vào đĩa người đó, không buồn hé môi, chẳng dám gây ồn ào vì sợ bị trách bất lịch sự. Khi vui, muốn cười xòa một tiếng cho thoải mái cũng thấy khó vì chung quanh đều tỏ ra nghiêm trọng. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, đúng thật, càng thứ trật bao nhiêu, càng dễ mất tự nhiên bấy nhiêu. Quán càng sang, thức ăn càng ê hề, thì mình càng bị lúng túng bấy nhiêu. Cho nên, như thằng bờm ngày xưa mà khỏe, chỉ cần đơn giản đổi cái quạt lấy cục xôi rồi ngồi bệt đâu đó ăn là khoái tỉ tê rồi, chẳng cần suy nghĩ sâu xa.
Nói chuyện nghe lén, mới tiếc cho cái tay tỉ phú Rupert Murdoch. Ham tổ chức nghe chuyện riêng tư của người khác làm chi để thân bại danh liệt, tiền mất quán bán mà léng phéng còn phải tù tội. Nếu anh ta qua nước mình, chỉ cần đi ăn phở sáng, thì chẳng có gì để phải cài lén cài lút nghe chuyện thiên hạ. Đôi khi, trong cả tỉ chuyện, chỉ mới có một chút dính đến mình. Để ý làm chi cho thêm căng thẳng. Trên bàn phở sáng, tỉ chuyện bên tai, không nghe không được, nên chẳng ai dám ghép mình vào cái tội nghe lén!
À mà sao lại phải nghe lén nhỉ? Có lẽ chỉ do mình muốn bó chặt thông tin, chẳng muốn chia sẻ với ai. Rồi phải sinh tội khi sử dụng thông tin ấy để móc túi, dọa tình người ta, chắc vậy thôi! Nghe đâu, báo chí nước mình mới phát hiện vụ tự do mua bán thiết bị nghe lén lớn lắm nhưng chỉ ít người phản ứng mạnh. Vợ ghen chồng, cha mẹ giữ con từ xa, sếp ngại lính… nay chỉ cần cái “chíp” là có thể biết từng li từng tí người ta nói mình cái gì. Mà làm chi vậy cho mệt. Mình cứ mở lòng, yêu nói yêu, ghét nói ghét cho gọn vì… hơi đâu!
Ngồi cùng bàn với tôi là hai mẹ con. Con đi học, mẹ đón về, mẹ đưa con gái chừng lớp năm lớp sáu gì đó vào bồi dưỡng tô phở sau hai giờ học thêm từ sáng sớm. Lòng mẹ bao la thật, chị không tiếc gì với con. Tô phở tái nước huyết đầy, thêm chén hột gà thơm ngậy. Tiếc thay, cháu đã quá no chữ, chẳng muốn ăn gì, dù người mẹ biết cách đi từng bước như một nhà sư phạm kiên nhẫn: từ dụ dỗ vui tươi, đến năn nỉ rồi la mắng… Cháu chỉ thò muỗng húp mấy miếng nước…ôi trông quá nản lòng. Tuy mới mười giờ sáng, trông cháu mệt rõ.
“Con ăn… với điều kiện mẹ cho con chiều này nghỉ học đi!”, cô bé mảnh khảnh muốn thuyết phục mẹ nó – “Con mệt quá hà!”. Hóa ra, ba giờ tiếng Anh buổi chiều đang đợi nó đâu đó ở trường hay ở trung tâm ngoại ngữ. “Mẹ không hơi sức nào xin phép nghỉ hoài đâu nhé!”, mẹ cháu bé trả lời dứt khoát.
Tô phở vẫn còn đầy. Nước mắt cháu bé trào ra vì không được thỏa mãn yêu cầu. Mặt mẹ nó buồn và giận.
Tôi thấy người mẹ có lý do để giận. Đứa con có lý do để khóc. Tô phở có lý do để vẫn đầy.
Trên chiếc xe cà tàng… tôi lan man nghĩ kiến thức thực sự cần đối với một cháu bé mười, mười hai tuổi đến như vậy sao? Có nên nhồi nhét kiến thức đến thế để rồi cháu có thể mất hết thời gian để thở, để sống cuộc sống của nó, để còn sức học làm người?
NGUYỄN QUANG BÌNH, tháng 11-2011 với TBKTSG online
Hits: 722