Được mùa, được giá…mất ăn

 

 

Mỗi năm cà phê chỉ một mùa. Thế mà nhiều nơi nông dân không chắc đã hưởng  được thành quả của suốt một chu kỳ kinh tế dài mười hai tháng của mình. Ngay đầu mùa năm nay, bắt đầu từ tháng 1-10, giá cà phê trên thị trường trên 40 triệu đồng/kg, tuy được giá nhưng nhiều nhà vườn lo nhiều hơn vui vì nạn trộm cắp hoành hành càng lúc càng dữ dội.

Chính quyền địa phương nhiều nơi đã đưa ra nhiều chỉ thị, biện pháp chống trộm bằng cách tăng cường bảo vệ an ninh các khu vực sản xuất vào mùa thu hoạch, tình hình trộm cắp vẫn không thuyên giảm. Có nơi chúng lập thành đoàn, có bọn hung hãn, như tại tỉnh Lâm Đồng, khi chủ vườn phát hiện, chúng táo tợn gây thương tích cho hai vợ chồng kia đến phải nhập viện.

Phá hơn “giặc châu chấu”, bọn trộm sà vào vườn nào là chỗ ấy tan hoang, chặt cây, bẻ cành, tuốt trái…tận thu bất kể cà phê non già. Thiệt hại không chỉ là mất của ngay,  đến các năm sau cà phê sẽ không cho trái nếu bộ cành hư gãy.

Trái cà phê còn xanh non làm cho chất lượng ly cà phê giảm, hao hụt sau thu hoạch lớn, hạt thải loại sau chế biến nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín chất lượng cà phê của ta trên thị trường thế giới, còn làm giảm kim ngạch xuất khẩu gây thiệt hại chung cho nền kinh tế. Đến nỗi trong hội nghị chuyên ngành cà phê vào tuần đầu tháng 12-2014 tại TPHCM, giám đốc một công ty xuất khẩu lớn tại Đắc Lắc lên tiếng đề nghị các cấp chính quyền địa phương phải có biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng “phá hoại nền kinh tế” kiểu thế này.

Cũng thế, cách nay mấy tháng, tại Tiền giang, nhiều người nghe theo bọn tham rủ nhau đi ăn cắp nghêu, nghe đâu có lúc lên đến cả vài ngàn “nghêu tặc”. Có thể có người kiếm được vài ngàn, vài chục ngàn tiền vặt, nhưng thiệt hại của hợp tác xã nuôi nghêu liệt kê lên đến 3 tỉ đồng, vì kẻ cắp cào sạch cả nghêu thịt lẫn nghêu giống.

Nói cho công bằng, với nền sản xuất nhỏ, manh mún, chủ yếu làm kinh tế gia đình, nên khó mà liệt kê hết các thiệt hại cá nhân và của cả nền kinh tế nói chung do trộm cắp. Lực lượng bảo vệ cũng không thể đủ để bao quát hết địa bàn. Chuỗi cung ứng lại nhỏ lẻ, rời rạc, chụp giựt nhiều bất cập. Nên khi xử lý, người mất dăm bảy tạ cà phê, người cắp nghêu được vài ba trăm ngàn…việc xử phạt cũng chỉ dừng ở mức răn đe, phạt hành chính. Cũng có nơi chính quyền yêu cầu không mua cà phê có tỉ lệ hái non nhiều vì đấy là của cắp…nhưng hệ thống thu mua bất cập, đặt lời nhỏ lên lợi ích lớn.

Sản xuất manh mún, hàng ra thị trường bị o ép đã đành. Từ nạn trộm cắp này, mới thấy vận động nông dân tập hợp vào trong các hợp tác xã hay một hình thức tổ chức nào đó đủ mạnh mới có những biện pháp bao quát hơn để hy vọng thay đổi tình hình. Hãy “tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Nguyễn Quang Bình, viết cho SGTT và đã được đăng

Hits: 84