Cước ai tung, nông dân đều hứng

Đợt tổng kiểm tra xe quá tải, quá khổ từ ngày 1-4 đến nay do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiến hành được phần đông dư luận đồng tình và hoan nghênh. Cứ tưởng người trong ngành chuyên chở lo lắng vì chi phí xăng dầu nhiều, lượng hàng chở ít đi …nhưng hóa ra nông dân cũng lo không kém.

Hầu hết mặt hàng nông sản của vùng nhiệt đới gió mùa như tại nước ta không những nhạy cảm với chất lượng do thời tiết, mà còn rất bấp bênh với giá cả thị trường. Hàng làm ra không kịp “khiêng” đi, có khi phải đổ bỏ vì hư thối do chất lượng xuống cấp; hay chỉ cần trễ vài ngày xuống cảng, xuống tàu, nhiều lúc phải bán hạ giá đến đổ nợ.

Khổ nỗi, hàng nông sản làm ra, đến mùa giá thấp giá cao đều phải bán, để còn có cái cho con ăn học, tiêu pha gia đình hàng ngày. Ngoài ra mong còn giữ lại vốn để đầu tư cho vụ sau. Thế mà, do sợ bị phạt chở quá tải, nhiều nhà xe phải nâng cước mới mong đủ sở hụi trong khi giá nhiều loại nông sản đang trong chu kỳ xuống. Nông dân làm ra hạt gạo, cân cà, kí tiêu đen, bao sắn, bịch cá, thùng cua…đều phải cõng hết chi phí tăng thêm ấy.

Nếu nói rằng chủ trương siết chặt xe quá tải là đúng, cước đi hàng tăng chẳng cần thắc mắc. Nhưng ngoài chi phí xăng dầu, bảo dưỡng, khấu hao, phí qua các loại trạm “cố định”, lương bổng tài xế, quản lý…có thể tính ra dễ dàng thì còn có một loại chi phí “vô định” mà bất kỳ tài xế xe tải nào khi cầm tay lái cũng biết đi thế nào cũng gặp: đó là tiền lót đường cho các trạm “bay”, trạm “di động” mọc lên dọc đường. Suy cho cùng, nông dân tuy ở nhà, nhưng vẫn phải trả những khoản phí ấy! Khi rủi, đi một chặng chừng vài ba trăm cây số, gặp bốn năm lần “chắn di động” bất ngờ là chuyện thường.

Cho nên, mộ mặt siết lại việc xe chở vượt tải trọng, vì đó là một chủ trương mà xã hội đồng tình, nhưng đồng thời Bộ GTVT  và các bộ ngành liên quan cũng cần có biện pháp xử lý tình trạng chung chi lót đường thì mới mong cước vận tải không tăng bất hợp lý và nông dân vì thế mà được nhờ.

Theo Phạm Kỳ Anh

Đã đăng trên SGTT bộ mới số 21 ngày 21-4-2014

Hits: 87