17/10/2022 Nhận định giá cà phê thế giới từ 09-15/10/2022: Giá robusta tốt hơn arabica?

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Trong thế nghịch chiều, giá arabica giảm mạnh.

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London tháng 01/23 và New York tháng 03/23)

Chỉ số DXY biểu thị giá trị đồng USD trong rổ tiền tệ của 6 nước có nền kinh tế mạnh biến động dữ dội trong tuần qua. Không ít lần, biên độ dao động trên 100 điểm phần trăm. Các sàn hàng hóa thương phẩm sử dụng đồng USD làm phương tiện giao dịch và thanh toán vì thế mà như mất phương hướng, tăng giảm bất ngờ do bị hút theo áp lực của đồng USD.

Hình 2 Diễn biến giá arabica New York kỳ hạn tháng 03/23

Từ đỉnh 114,74 điểm, tuần qua có lúc chỉ số này hạ xuống 109,98 điểm rồi chạy băng lên 112,77 để đóng cửa 112,63 điểm ngày 07/10 với những phiên dao động cực mạnh vào ba ngày liên tiếp thứ ba, tư và năm.

Nhìn vào đồ thị diễn biến giá trên sàn arabica, có thể thấy rõ giá New York biến động mạnh không kém DXY, làm nhà kinh doanh cà phê có liên quan đến sàn này hết sức rủi ro vì khó đoán hướng tăng hay giảm khả dĩ bền vững để tính toán.

Thật ra, ai cũng đoán được xu hướng tăng lãi suất điều hành để hãm đà lạm phát tại các nước tiêu thụ. Nhưng thị trường đang tính từ nay đến cuối năm lãi suất đồng USD lên đến 3,75% khi đầu năm 2022 vẫn bằng 0. Nhưng DXY còn chịu tác động bởi nhiều đồn đoán, không chỉ từ miệng các tay đầu cơ mà còn từ lãnh đạo các ngân hàng trung ương kể cả Fed. Đơn cử như Charles Evans, thống đốc Fed Chicago cuối tuần qua cho rằng ông tin Fed sẽ tăng lãi suất đến 4,75% trước khi Fed nghĩ đến chuyện thả “vòng vây”.

Như vậy, rủi ro kinh doanh cà phê với tư cách thương phẩm không chỉ đối với mối quan hệ tiền-hàng tính trên cơ sở USD. Giá trị đồng USD nhảy nhót theo hướng lên, cộng với lãi suất tăng và tín dụng càng lúc càng hạn hẹp, hệ quả là giới kinh doanh trên sàn phải rút hàng tồn kho đạt chuẩn đi như đã từng thấy, tạo sóng gió trên sàn, nên không phải dễ để nghiên cứu cân bằng về cung cầu cho chính mặt hàng mình mua bán như đã từng làm.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 06/10/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 93.060 tấn so với 29/09 là 93.700 tấn; sàn arabica New York đạt 417.006 bao hay 25.020 tấn so với 25.571 tấn vào ngày 30/09/22.

Tồn kho khả dụng Châu Âu do Hiệp hội Cà phê Châu Âu (ECF) quản lý: Theo ECF, tính đến hết tháng 08/22, lớp tồn kho này đạt 3,98 triệu bao, tổng thể tăng 0,7% so với tháng trước đó nhưng lại giảm 1% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, xét mức giảm từng loại cà phê, robusta giảm 6,2% nhưng arabica chế biến khô (từ Brazil là chủ yếu) tăng 10% so với tháng 7/22.

Giá cả

Tuần đầu tiên của niên vụ mới, giá 2 sàn phái sinh nghịch chiều: London tăng nhưng New York giảm. Một nghịch lý cần thấy rõ là tồn kho đạt chuẩn arabica giảm liên tục, nhưng sàn này lại mất điểm nhiều hơn. Ngược lại, giá robusta mạnh hơn.

Như vậy, sau tuần đầu niên vụ mới, giá robusta tăng 8 Usd/tấn chốt ở 2.154 USD/tấn nhưng arabica giảm 4,30 cts/lb hay gần 95 USD/tấn chốt tại 208.25 cts/lb.

Đã vào đầu niên vụ mới. Thị trường trong nước bắt đầu “loạn giá”. Tuy nhiên, cần phân biệt với 2 loại giá: một là cho hàng giao ngay và hai là cho hàng giao xa.

Hàng giao ngay có thể là tồn kho vụ cũ mang sang hay cà phê hái sớm. Nhưng hiện nay, tồn kho mang sang từ vụ cũ hầu như cạn kiệt nên chênh lệch giữa giao xa với giao ngay khá rộng.

Nếu giá cà phê cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ cho hàng giao ngay tuần trước trong vùng 47-48 triệu đồng/tấn thì đến đầu tuần này 47,7 triệu đồng/tấn. Giá giao xa như trong tháng 11/22 chẳng hạn thấp hơn giá giao ngay chừng 2,5 triệu đồng/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 10-14/10/2022: Giá sàn arabica có gây khó cho robusta?

Đứng tại vị trí đóng cửa tuần trước là 2.154 cơ sở kỳ hạn tháng 01/23, theo đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Nghĩa cung cấp, có thể thấy như sau:

-Từ khi chạm đỉnh 2.344 vào cuối tháng 08/22, giá robusta xuống dần và chưa một lần ngoái lại.

-Khu vực 2.230-2.240 lập thành một lá chắn chưa thể vượt qua;

-Hướng xuống đang bị thả lỏng cho đến 2.135/2.133.

Hình 3 Đồ thị diễn biến giá robusta London cơ sở tháng 01/23 (nguồn: Phan Trọng Nghĩa)

Về kỹ thuật, mức đóng cửa cuối tuần trước là một cố gắng vượt khỏi khu vực 2.126 (Fibo -50% tính từ 2.344). Như vậy, nếu mất 2.133 thì rủi ro mất 2.126 là có thể, nhưng nếu mất chốt 2.110 thì đó là hướng mở về dưới 2.100 .

Hướng tăng chỉ hơi khó vì 2.175 chính là điểm gặp Fibo -61,8%, tỷ lệ vàng thường rất căng để vượt. Điểm hóa giải một phần tiêu cực của London nằm tại 2.186. Một khi qua được mức này, giá tìm lên 2.200.

Cũng cần nhìn qua vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn trên cả hai sàn ở thời điểm đầu niên vụ mới. Tính trên ngày khóa sổ 04/10 như sau:

-London 18.099 hợp đồng mua ròng so với tuần cuối niên vụ cũ giảm 3.852 lô nhưng so với đầu năm 2022 vẫn cao hơn, lúc ấy là 16.185 lô.

-New York 35.275 lô mua ròng giảm 2.657 lô cuối niên vụ và cũng chỉ giảm nhẹ so với cách nay 1 năm, bấy giờ là 38.433 hợp đồng.

Diễn biến của sàn arabica giảm trong những ngày cuối tuần, nên thực tế ước đến trước khi mở cửa 10/10/22 chừng 32.000 hợp đồng, và ước sàn robusta có thể quanh mức 17-18.000 lô mua ròng.

Giá cách biệt giữa 2 sàn đang 110 cts/lb+. Đây cũng là khu giá arabica muốn chuyển hướng mạnh hơn để cân bằng chênh lệch. Nếu giá arabica tăng lại, robusta có cơ hội thoát khu vực 2.130. Nhưng nếu arabica tiếp tục yếu, thì không chừa khả năng robusta rớt về vùng +/-2.100 USD/tấn.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Cẩn thận với sức ép bán ra từ các nước sản xuất cạnh tranh.

Nhìn chung quanh các nước xuất khẩu cạnh tranh, có thể thấy rằng dự trữ ngoại hối của một số nước giảm do khó khăn kinh tế hậu đại dịch.

Đơn cử như Indonesia. Dự trữ ngoại hối nước này giảm xuống mức thấp nhất tính từ 2 năm rưỡi nay chỉ còn 130,8 tỷ USD vào cuối tháng 09/22. Ngân hàng trung ương Indonesia đã phải can thiệp nhiều lần để ngăn chặn đồng Rupiah bị phá giá. Họ dự đoán đến cuối năm 2022, tỷ lệ lạm phát của Indonesia chừng 6%.

Colombia cũng trong tình trạng tương tự. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lạm phát là 11,44% và lãi suất điều hành đồng nội tệ Peso (COP) lên đến 10%.

Như thế, áp lực bán hàng xuất khẩu, trong đó có cà phê, để lấy ngoại tệ là một thôi thúc không chỉ từ chính phủ sở tại mà từ cả các doanh nghiệp. Nếu gộp chung 4 nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới gồm Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia, sức ép bán sẽ mạnh do các đồng tiền đều rớt giá so với USD. Ngoài ra còn tính tới chuyện nhiều người dân tại đó tiết giảm tiêu thụ để dành cà phê cho xuất khẩu.

Vả lại, cước tàu container nay đã giảm, tạo cơ hội cho hàng đi dễ hơn. Chính vì thế, một khi có điều kiện thu gom hàng, nhà nhập khẩu sẽ mua ào ạt theo từng đợt chứ không liên tục như trước, đẩy giá xuất khẩu tính trên chênh lệch với sàn giãn ra. Giá xuất khẩu robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ cơ sở giao dịch tháng 01 và 03/23 nay quanh mức trừ 130-150 USD/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu). Nếu như các ngân hàng trong nước không tạo điều kiện cho nhà xuất khẩu về tín dụng, mà mục đích là điều tiết lượng xuất khẩu, thì mức giá xuất khẩu có thể theo hướng rẻ hơn mức chào hiện nay.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 56