Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Tăng/giảm rất thất thường
Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London và New York tháng 09/2022)
Các nước tiêu thụ cà phê – chủ yếu là những quốc gia phát triển ở châu Âu và Mỹ – đang quay cuồng trong vòng xoáy lạm phát. Kỳ vọng bùng nổ tiêu thụ thời kỳ hậu phong tỏa đang dần mất hy vọng. Khả năng châu Âu rơi vào suy thoái kinh tế mỗi lúc một lớn nhất là khi Nga ngưng dần cung ứng khí đốt thiên nhiên, lại gặp đợt nắng nóng chưa từng thấy. Làn sóng nắng nóng “như địa ngục” đã làm hàng nghìn người chết do sốc nhiệt tại châu Âu trong những ngày gần đây.
Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết Nga đang cắt dần hay toàn bộ lượng cung ứng khí đốt đối với 12 nước thành viên. Về chuyện này, riêng Đức có thể thiệt 225 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.
Chính vì vậy, đợt tăng lãi suất điều hành đồng Euro lần đầu tiên tính từ 11 năm là điểm nhấn của thị trường trong tuần qua. Ngân hàng trung ương EU (ECB) đã quyết định tăng lãi suất với 0,50% chứ không phải 0,25% như đã nói. Người ta tin đấy không phải là lần duy nhất mà là lần đầu tiên tính từ thời điểm này.
Giới phân tích thị trường cho rằng ECB phản ứng quá chậm đối với tình hình lạm phát so với ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) và nhiều nước khác. Mới đây, lãi suất cơ bản tại EU còn âm thì nay lên bình là 0% và có lẽ nay mai sẽ sang dương mà dương mạnh. Chính sách tiền tệ mới làm tình hình kinh tế khác đi. Lãi suất cơ bản tại EU dừng tại 0% hay còn lên 2%-3%? Trả lời câu hỏi này chính là đoán trước tăng trưởng hay suy thoái kinh tế tại vùng phát triển bậc nhất thế giới. Liệu lạm phát hiện nay ở mức 8%-9%, giới hoạch định chính sách kinh tế chọn hướng tăng thêm lãi suất và thêm bao nhiêu phần trăm? Nhìn theo cách ấy, có thể nói rằng thị trường hàng hóa và cà phê cần được nghiên cứu cẩn trọng để phản ứng phù hợp và kịp thời.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tính đến ngày 20/07, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 106.470 tấn từ 107.500 tấn so với tuần trước, arabica New York tiếp tục giảm mạnh xuống 718.617 bao (bao=60 kg) hay 43.117 tấn so với tuần trước 750.042 bao hay 45.003 tấn.
Giá arabica Brazil đạt mức cao nhất tính từ niên vụ 1997-1998
Nguồn tin từ Brazil cho hay giá cà phê arabica tại thị trường nội địa Brazil đạt mức 1.325,65 BRL/bao tương đương với 4.018 Usd/tấn trong niên vụ hiện hành. Mức này cao hơn giá niên vụ trước là 65% và đây cũng là mức cao nhất tính từ 1997.
Giá cả
Sau khi chạm đáy 194.60 cts/lb, giá arabica bung ngược trở lại ngay phiên đầu tuần qua để tăng trên 15 cts/lb và kéo giá robusta theo để cũng ngày ấy tăng gần 70 Usd/tấn khi đóng cửa. Như vậy, trên sàn New York, ta thấy giá dao động rất dữ. Từ đỉnh gần nhất 236.05 cts/lb lập ngày 01/07/22, giá đã bị hớt mất trên 30 cts/lb rồi từ đáy 194.60 cts/lb, phục hồi mạnh nhưng cũng chỉ dừng tại đỉnh 218.60 cts/lb rồi sau đó để mất đỉnh mới tuần qua và bằng lòng với mức đóng cửa hiện nay. Cả tuần sàn arabica tăng 6.90 cts/lb hay 152 Usd/tấn.
Giá robusta có kết quả chung cuộc tăng 39 Usd/tấn chốt tại 1.962 với biên độ dao động khá mạnh giữa 2.007-1.914.
Tồn kho đạt chuẩn arabica được giới kinh doanh kéo mạnh sang bán tại Mỹ do các nhà rang xay Mỹ chấp nhận mua giá cao vì cước vận tải tăng, cao hơn cả giá niêm yết của sàn New York. Tuy nhiên, giá trị đồng nội tệ Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá UsdBrl giảm mạnh so với đồng Usd, xuống mức thấp nhất tính từ 23 tuần trở lại, khiến nông dân Brazil chốt bán mạnh nên giá hai sàn quay đầu giảm mạnh về cuối tuần. Mặt khác, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản nên giá hàng hóa nói chung, cà phê nói riêng không có lý do để nằm tại các mức cao như đã nói.
Thị trường cà phê trong nước không mấy sôi nổi dù giá có lúc chạm gần 45 triệu đồng/tấn. Nhiều nhà kho của các công ty nước ngoài bán trở lại thị trường nội địa vì chưa có hợp đồng xuất khẩu lớn. Giá nội địa tăng còn nhờ đồng tiền Việt Nam trượt giá so với Usd. Trên thị trường tự do, tỷ giá UsdVnd có lúc cận 24.000 Vnd/1 Usd.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 25-29/07/2022: Phá được vùng tích lũy, giá London sẽ có hướng mới.
Kết sổ vị thế kinh doanh của sàn robusta London tuần qua, các quỹ quản lý vốn (Money Management) bơm phình lượng hợp đồng bán khống thêm 516 lô. Như vậy, đến 19/07, lượng hợp đồng dư bán của các quỹ này đạt 1.556 lô. Qua hai tuần liên tiếp, nhóm quỹ vốn tăng dần lượng hợp đồng dư bán. Có thể xem đây là xu hướng chính trong thời gian sắp tới một khi cà phê Brazil mùa bội thu ra mạnh và “lưỡi hái” đến từ các quyết định tăng lãi suất cơ bản của các ngân hàng trung ương Mỹ và các nước khác. Nếu đồng nội tệ Brazil rớt giá thêm, thì có thể thấy giá cà phê khó có cơ hội tăng như nhiều người từng kỳ vọng ác mức 2.100-2.200 Usd/tấn.
Hình 2: Đồ thị giá robusta London cơ sở tháng 09/22 (nguồn: barchart.com)
Từ đáy 1.914, nhờ sức mua của giới rang xay và quỹ quản lý vốn mà ta thường nói là sức mua dựa trên các yếu tố kỹ thuật, giá robusta phái sinh bung lên tìm cách vượt đỉnh (đỉnh cũ trước đây là 2.066 lập ngày 29/06) nhưng thất bại, chỉ dừng tại 2.007 rồi quay đầu. Liên tiếp những ngày trong tuần sau ngày tăng mạnh, London chỉ giao dịch tích lũy.
Khung tích lũy mới cho những ngày tới nằm trong biên độ 2.007 (cao) và 1.914 (thấp). Chỉ khi ra khỏi khung này với lượng hợp đồng giao dịch lớn, giá sẽ có hướng mới mà trước mắt đi thêm 50-60 Usd nữa.
Nhưng nếu nằm trên 1.984, giá trở nên tích cực hơn và mở ra cơ hội tăng. Còn từ mức đóng cửa hiện nay mà đi xuống, London trở nên tiêu cực và về tim lại đáy tuần trước nếu không trụ được trên vùng 1.947-1.948 vì sẽ hạ dần về 1.930 và rồi sẽ mất hút.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá nguyên liệu nội địa tăng nhờ yếu tố tỷ giá chứ không phải do nhu cầu.
Thời gian gần đây, giá các sàn hàng hóa thương phẩm dao động rất mạnh như sàn kim loại vàng trong một phiên rớt vài chục Usd. Các sàn cà phê cũng thế, như trên sàn cà phê arabica, phiên đầu tuần trước, khi đóng cửa tăng 15,40 cts/lb tương đương với 340 Usd/tấn là chuyện hiếm thấy. Còn sàn robusta tăng 69 Usd/tấn cũng trong ngày ấy.
Tại sao như thế? Tác động từ tâm lý bồn chồn của giới kinh doanh trên hai sàn trước những quyết định tăng lãi suất cơ bản của các ngân hàng trung ương EU (ECB) và Mỹ (Fed) đã làm cho họ phải bán tháo các hợp đồng đã mua trước đó đến độ cả hai sàn về quanh vùng bán quá mức, nên cần cân đối vị thế mua bán trước khi định hướng lại sức mua của mình và lượng tiền cần bỏ ra. Nhất là khi nghe tin rằng một số thành viên trong ban lãnh đạo Fed nói họ không ủng hộ việc tăng cao thêm mức tăng lãi suất đồng Usd cho các đợt tới (có lẽ do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế).
Về yếu tố cung-cầu, các nhà rang xay rất lo vì tồn kho đạt chuẩn bên sàn arabica giảm liên hồi và mạnh. Dù cà phê không thiếu, nhưng giới rang xay lo ngại cho một đợt siết giá gây bất lợi từ nhóm đầu tư tài chính. Trong quá khứ, sàn robusta đã từng xuất hiện cảnh mỗi phiên nhảy vài ba trăm Usd và sau đó siết mạnh, bắt người giữ vị thế bán phải mua lại giá cao gây thua lỗ trầm trọng. Dịp ấy, có nhà rang xay đã phải bán công ty, thương hiệu, nhiều người muốn công bố phá sản…Cho nên, giới rang xay không còn cách nào khác là phải mua lại, mua hờ hay chốt giá mua các hợp đồng hàng thực để khỏi lặp lại cảnh cũ. Một khi các nhà rang xay mua đủ và cảm thấy an toàn, thì bấy giờ họ sẽ cân đối lại vị thế mua bán để tránh thua lỗ do bị siết giá, bán giá thấp mua lại giá cao trên thị trường hàng giấy.
Thường hết một đợt mua, các nhà rang xay lại đợi cho đến khi các nhà đầu tư tài chính đẩy xuống mức sâu hơn, bấy giờ họ mới tính chuyện mua lại. Như vậy, có thể thấy rằng giá cà phê sắp tới sẽ có đỉnh và đáy lập phía sau thấp hơn phía trước.
Thị trường cà phê xuất khẩu Việt Nam khá yên ắng. Số liệu hải quan cho biết nửa đầu tháng 7 nước ta chỉ xuất khẩu được 58.365 tấn, giảm từ cùng kỳ tháng 6 là 67.580 tấn.
Giá cà phê nội địa không theo giá phái sinh nhất là từ nay lượng tồn trong dân còn ít. Dự đoán dù giá London có xuống sâu, giá cà phê nguyên liệu trong nước vẫn chung quanh 44-45 triệu đồng/tấn, giá nội địa càng cứng nếu tiền đồng VND còn trượt giá so với đồng USD.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 73