11/06/2022 Phiên cuối tuần giá cà phê rớt do các yếu tố kinh tế vĩ mô

Đón nắng mai trên trang trại cà phê Pleiku by Ngoc Mori

Giá đóng cửa 2 sàn cà phê phái sinh 10/06/22

London tháng 07 và 09/22

2077-16(2102/2065)

2095-13(2118/2082)

New York tháng 07 và 09/22.

228.9-5.75(235.45/227.8)

228.8-6(235.15/227.7)

Dự kiến London mở cửa +2$.

Thông số ảnh hưởng giá cà phê

-Giá cách biệt 2 sàn arabica với robusta: 133,77 vs 139,18 cts/lb.

-Chỉ số DXY: 104,19 vs 103,30 điểm.

-Giá trị đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá UsdBrl: 5,01 vs 4,91. Mức thấp kỷ lục 5,99 Brl lập 8/5/2020!

Lời bàn về thị trường:

Các sàn tài chính đổ nhào do các yếu tố kinh tế vĩ mô: ECB quyết định tăng lãi suất, lạm phát Mỹ dâng cao đe dọa Fed tăng mạnh lãi suất Usd lần tới.

-Đồng USD tăng mạnh đã làm đồng Brl trong cặp tỷ giá mất giá, đẩy nông dân Brazil bán mạnh.

-Safras&Mercado, hãng môi giới kinh doanh ước mùa cà phê Brazil 2022-2023 đã thu hái chừng 24% so với 27% tính cùng thời điểm năm ngoái. Nay hái chậm do năm nay được mùa so với năm ngoái.

-Tồn kho cà phê khả dụng tại Liên minh Châu Âu (EU) tính đến hết tháng 04/22 đạt 12,45 triệu bao (bao=60 kg) tương đương với 12 tuần sử dụng. Khối lượng này so với tháng 03/33 tăng 4,35% nhưng so với cùng kỳ 2021 giảm 14% (ECF/ECS)

-ICO ước xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 78,012 triệu bao, tăng 0,68% trong 8 tháng đầu niên vụ 2021/22.

-Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 5/22 đạt 142.329 tấn+9,3%, cả 5 tháng đầu năm 2022 đạt 881.565 tấn+23,2% (TCHQ).

-Giá cà phê nội địa loại 2 tối đa 5% đen vỡ hôm nay ước quanh mức 43 triệu đồng tại Tây Nguyên, 43,5 triệu đồng/tấn giao về kho quanh TPHCM. Giá tiêu đen tại vùng nguyên liệu ở mức 70-75 triệu đồng/tấn.

Bối cảnh địa chính trị và kinh tế vĩ mô

-Thị trường hàng hóa phái sinh phiên cuối tuần hầu hết giảm như vàng, dầu thô đến nông sản là do tỷ lệ lạm phát Mỹ cao hơn mức dự kiến.  Chỉ s61 giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tăng 8,6%, cao hơn tháng 4/22 là 8,3%. Như vậy, lạm phát Mỹ vượt khỏi kỳ vọng là 8,3%. Thị trường tài chính và hàng hóa phản ứng bằng cách thiên về bán do lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất điều hàng đồng USD mạnh hơn do lạm phát tăng.

-Tại thành phố Amsterdam (Hà Lan), lãnh đạo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy mức lạm phát trung bình trong tháng 5/2022 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng kỷ lục lên 8,1%, cao hơn gấp 4 lần so với con số mà tổ chức đặt ra. 14/19 nền kinh tế thuộc khu vực Eurozone ghi nhận mức lạm phát vượt 8,1%, trong đó có Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha.

ECB dự báo mức lạm phát cả năm 2022 của eurozone là 6,8%, quay về 3,5% trong năm 2023 và 2,1% trong năm 2024. Theo ECB, vì thế, biện pháp hỗ trợ tiền tệ không còn cần thiết và quyết định chấm dứt chương trình “nới lỏng định lượng” mua ròng tài sản kể từ ngày 01/07.

Quy mô gói hỗ trợ lên tới 5.000 tỷ Euro để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Eurozone sau cuộc khủng hoảng nợ công. ECB cũng đã duy trì mức lãi suất tiền gửi ở mức âm 0,5% kể từ năm 2014 để chống giảm phát.

-“Nếu như giá dầu tiếp tục leo thang, khả năng Fed khó ‘hạ cánh mềm’. Dầu mỏ chính là cơn ác mộng đối với Fed. Giá dầu cao đang tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế và chưa có dấu hiệu chững lại”, Jim Cramer của CNBC nhận định. “Mỗi khi giá dầu tăng, xác suất xảy ra một cuộc suy thoái cũng cao hơn”, ông nói.

-Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5/22 của Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ 2021 nhưng giảm so với tháng 4/22 là 8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/22 tăng 2,1% so với cùng kỳ 2021, bằng tháng 4 nhưng thấp hơn dự báo tăng 2,2% của Reuters.

-Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 16,9% trong tháng 5/22 so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 3,9% ghi nhận trong tháng 4 và dự báo tăng 8% của các chuyên gia phân tích. Kim ngạch nhập khẩu tăng 4,1% sau khi không tăng trưởng trong tháng trước.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 214