Nhận định giá cà phê thế giới từ 18-23/04/2022: Thị trường hàng thực trầm lắng nhưng giá phái sinh chưa chắc phải theo

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Giá robusta tách khỏi ảnh hưởng của một đồng USD mạnh.

Giá xăng dầu tăng trên thị trường thế giới đã tạo thêm lửa cho nạn lạm phát. Nay giới hoạch định chính sách nhiều nước không thể ngồi yên. Lạm phát trở thành một vấn nạn cần ưu tiên giải quyết. Đối với các vùng tiêu thụ cà phê, mức độ lạm phát đến hết tháng 03/22 có thể thấy Anh Quốc 7%, mức cao nhất tính từ 1992,, Mỹ với 8,5% và cả vùng sử dụng đồng Euro (eurozone) 7,5%.

Ngân hàng trung ương EU (ECB) không thể ngồi yên. Tại phiên họp ban lãnh đạo tuần qua, ECB đã lên lịch chấm dứt chương trình mua trái phiếu hỗ trợ nền kinh tế vì đại dịch Covid-19 vào quý 3/22. Thị trường tin sau khi hạn chế và thu hẹp chương trình cung ứng tiền sẽ đến phiên tăng lãi suất đồng Euro.

Chỉ số giá trị USD/DXY tăng qua khỏi mức tâm lý 100 để đóng cửa tại mức cao 100,31 điểm. Trong tuần, có lúc chạm 100,7 điểm, mức cao nhất tính từ 04/2020. Điều thú vị cần theo dõi tiếp là DXY tăng nhưng không chèn ép chỉ số rỗ 19 loại hàng hóa thương phẩm CRB. Giá hàng hóa được cấy thêm yếu tố lạm phát nên tạm thời 2 chỉ số CRB và DXY đi song hành (hình 1 – bên trái).

Trong khi đó, từ ngày chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, giá hầu hết các sàn phái sinh hàng hóa thương phẩm tăng, nhất là nhóm ngũ cốc. Các chủ sàn đều nâng tiền ký quỹ ban đầu (initial margin) nhưng tại nhiều sàn giá vẫn tăng nhanh và mạnh. Giá lên mạnh đến nỗi tiền ký quỹ của người tham gia thị trường nộp vào mấy cũng chưa đủ. Chỉ báo hàng hóa giao ngay Bloomberg (Bloomberg Commodity Spot Index) dến hết tháng 03/22 tăng 32%. Người của Fed lo rằng nếu như giá tiếp tục leo cao như thế, nhiều nhà đầu tư trên các sàn tưởng giá đã quá cao và bán khống, thì nay họ phải tìm tiền nộp ký quỹ bổ sung (margin call). Tình hình cụ thể hiện nay cần một khối lượng tiền mặt rất lớn mới thỏa mãn yêu cầu của các hợp đồng kỳ hạn. Nếu như không, các hợp đồng “bất ưng ý” bị chặn lỗ. Giá tăng nhanh như thế, giữa một thị trường khan tiền, các sàn cắt lỗ tự động gây nên hỗn loạn về mặt kinh tế-xã hội dẫn tới rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn

Tính đến ngày 13/04, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 93.700 tấn, giảm từ 93.860 tấn, arabica New York đạt 64.645 giảm so với 64.810 tấn. Như vậy, tồn kho đạt chuẩn hai sàn giảm nhẹ nhưng một lượng arabica chừng 2.236 tấn đang chờ kiểm định.

Xuất khẩu và tiêu thụ cà phê Brazil tăng dần

Xuất khẩu cà phê tháng 03/2022 của Brazil đạt 3,62 triệu bao (bao=60 kg), tăng 1,5% so với tháng trước đó nhưng giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nếu nhìn lịch sử tháng, xuất khẩu cà phê tăng dần như tháng 01/22 đạt 3,4 triệu, 02/22 đạt 3,57 triệu bao, Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết.

Hiệp hội Rang xay cà phê Brazil cũng nói tiêu thụ cà phê nội địa năm 2021 nước này tăng 1,7% đạt 21,5 triệu bao. Như vậy trong hơn chục năm qua, tiêu thụ cà phê nội địa Brazil ghi nhận tăng hơn 1 triệu bao.

Tiêu thụ cà phê tại Đức tăng

Hiệp hội cà phê Đức báo tiêu thụ cà phê tại Đức tăng thêm chừng 500 triệu tách (ly) trong năm 2021. Đơn vị này cũng ước năm vừa qua, tiêu thụ cà phê tính trên mỗi đầu người Đức lên đến 169 lít, động lực tăng chủ yếu nhờ bán cà phê rang nguyên hạt.

Lavazza dự kiến 2022 là năm kinh doanh khó khăn

Tập đoàn rang xay Italia Lavazza, một khách hàng mua cà phê robusta chất lượng cao của Việt Nam, thấy trước rằng 2022 sẽ là năm kinh doanh cà phê khó khăn. Họ cho biết không chỉ giá cà phê nguyên liệu tăng cao, các chi phí khác như đóng gói, năng lượng, logistics…cũng bị nâng giá mạnh, lại gặp phải cuộc đụng độ tại Đông Âu. Năm 2021, Lavazza tuyên bố lãi trước thuế chừng 338 triệu Usd, tăng 23,3% so với 2020, tổng doanh thu tăng 11% đạt 2,3 tỷ euros (1 Euro=0,9233 Usd).

Giá phân bón tăng cao kỷ lục và còn tăng trong năm 2022

Giá phân bón tăng càng lúc càng cao ngay trong tuần đầu tháng 04/2022. Dẫn đầu là phân urea, so với tháng 03/22 tăng 14% lên 1.031 Usd/tấn, cao kỷ lục lịch sử. Phân DAP tăng 13% đạt 1.040 Usd/tấn và MAP tăng 11% đạt 1.056 Usd/tấn so với tháng trước. Potash tăng 6% lên 875 Usd/tấn. Các loại phân nói sau này chỉ còn cách đỉnh năm 2008 vài chục Usd như Potash có đỉnh cũ là 896 Usd/tấn và MAP là 1.079 Usd/tấn. Nhiều người cho rằng nếu cuộc chiến Nga-Ukraine còn kéo dài, giá tất cả các loại phân bón tìm cách phá kỷ lục cũ. Do vậy, sẽ không có gì bất ngờ khi giá nông sản đồng loạt tăng do chi phí đầu vào lên mạnh.

Tập đoàn Amazon tăng 5% phụ phí xăng dầu và lạm phát.

Hãng phân phối hàng tiêu dùng Amazon, đại gia thương mại điện tử, báo rằng họ sẽ thu phụ phí xăng dầu và lạm phát 5% bắt đầu từ 28/04/22. Đây là lần đầu tiên Amazon phải áp dụng phụ phí này. Họ còn báo chưa biết lạm phát kéo dài đến bao lâu, nên phụ phí lạm phát sẽ được áp dụng dài dài.

Giá cả

Giá arabica lại quay xuống mức thấp nhất tính từ 2 tuần trở lại. Chỉ số DXY tăng mạnh hỗ trợ nền giá hàng hóa nói chung nhưng không tiếp sức cho giá cà phê mấy.

Tính cả tuần đến 15/04, diễn biến và kết quả giá cà phê trên 2 sàn như sau:

-Giá robusta tăng nhẹ chốt tại 2.099 so với 2.096 với biên độ cao/thấp nhất là 2.135/2.067.

-Giá arabica biến động mạnh theo hướng giảm. Hết tuần mất 7.80 cts/lb 172 Usd, sàn arabica biến động rất mạnh giữa đỉnh và đáy là 237.70/220.95 cts/lb.

Như vậy, cả tuần giá arabica rớt gấp 57 lần so với robusta làm giá chênh lệch giữa 2 sàn xuống từ 136.48 còn 128.54 cts/lb hay arabica cao hơn robusta 2.834 Usd/tấn.

Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao dịch trong khung 41,5-42,5 triệu đồng/tấn, cuối tuần nằm trên 42 triệu quanh mức 42,2 triệu đồng/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 18-22/04/2022: Chốt 2.151 cực kỳ quan trọng trong tuần này.

Nếu như lấy điểm xuất phát theo phương pháp Fibonacci từ 0,00% là 1.950, sàn robusta chỉ chạm 1.990 sau khi có tin Fed tăng lãi suất và từ đó chỉnh lên lại và thúc thủ tại 2.168.

Giá trong tuần qua, nếu nhìn theo kỹ thuật kết hợp với chính sách tiền tệ mới của Fed, hướng tăng đang bị hạn chế và áp lực giảm giá mạnh hơn.

Sắp tới, chỉ khi vượt qua khỏi tỷ lệ vàng 38,2% tại 2.151 thì mới dám bàn đến các mức cao hơn vì như đã thấy, đỉnh tuần trước cũng chỉ nằm tại 2.135 rồi phải quay đầu, đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Nghĩa cho thấy như thế.

Riêng tuần này, nếu như chạm 2.151, London sẽ được kích mua mạnh để tiến lên thêm nếu như từ mức đóng cửa hiện nay vượt qua được 2.105/2.106 (MA10&5), 2.126 (MA20).

Hướng xuống sẽ được khẳng định rõ hơn khi giá sàn robusta để mất 2.081/2.078. Nếu như để mất thêm vùng sâu hơn như 2.068/2.061, đó là lúc phải tính giá muốn tìm về 2.030.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Biến động trên các sàn kỳ hạn tách khỏi hoạt động mua bán hàng thực.

Hãng tàu biển lớn nhất thế giới Maersk cuối tuần qua cho biết ngưng bán cước đối với hàng đông lạnh nhập khẩu vào cảng Thượng Hải cho tới khi có thông báo mới do biện pháp phong tỏa gắt gao chặn Covid-19 của chính quyền thành phố này. “Khối lượng containers bị ùn ứ tại cảng Thượng Hải ngày một nhiều,” hãng Ocean Network Express tham vấn với khách có hàng xuất và nhập tại cảng lớn nhất thế giới này. Ngay cả hàng đông lạnh nhập vào trong cảng rồi, vẫn không đủ xe tải giải phóng hàng.

Soái hạm Moskva của hạm đội Nga chìm tại Biển Đen. Thị trường đang lo chiến tranh Đông Âu tiếp tục leo thang và kéo dài, gây nên khó khăn cho vận tải hàng hóa đến vùng này. Rủi ro Nga vỡ nợ do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây trong khi tài sản của người Nga đang bị khóa lại với ước tính lên đến 600 tỷ Usd. Giới đầu tư và kinh doanh đang hoang mang và lo ngại hỗn loạn sẽ xảy ra trên thị trường tài chính thế giới, tạo thêm rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh tại các nước liên quan và lây lan ra toàn cầu.

Thị trường cà phê xuất khẩu ắt phải còn chờ một thời gian nữa mới lấy lại nhịp để đi đến ổn định. Giá các sàn kỳ hạn không nhất thiết phản ánh tình hình thị trường hàng thực, mà có thể có biến động mạnh, tăng đó rồi giảm đó.

Trong khi thị trường cà phê xuất khẩu dưới dạng thương mại (commodity) đang khá trầm lắng do các nguyên nhân trên, thì một số cơ sở chế biến hàng robusta chất lượng cao (differentiated) đang tranh thủ xuất khẩu từng hợp đồng nhỏ cho các nhà rang xay cỡ trung và nhỏ với giá “rất tốt”. Thay vì giá thị trường hiện nay là 42-43 triệu đồng (giao đến cảng) , thì giá loại cà phê chất lượng cao này bán với giá gấp đôi gấp ba.

Dựa theo tình hình trên, có thể giá cà phê nội địa tiêu chuẩn xuất khẩu trung bình tuần này dao động trong mức 41-42,3 triệu đồng/tấn.

—————————————————–

Bài này có sử dụng tài liệu tham khảo từ các trang “tradingeconomics.com”, “bartchart.com” và “investing.com”

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 50