(KTSG Online) – Ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách ở TPHCM, 1-10-2021, cũng là ngày trọng đại của người sản xuất và kinh doanh cà phê thế giới và Việt Nam, ngày bắt đầu niên vụ cà phê mới 2021-2022.
“Nới lỏng giãn cách”, tâm lý con người có vẻ dễ thở hơn. Nhưng chuyện kinh doanh cà phê sắp tới? Chưa thể đoán được gì khi mà lưu thông giữa vùng sản xuất và các trung tâm logistics như kho bãi, bến cảng vẫn còn chưa rõ ràng, đặc biệt với 1,8 triệu tấn cà phê quy ra nhân đang vào mùa mới. Đó đây cà phê đang chín dần cần lao động thu hái, đang chờ thương nhân cũng như chuyên gia đánh giá chất lượng hương vị nếm trước khi đặt tay ký các hợp đồng lớn.
Hú hồn… nhìn lại năm cũ
Niên vụ cà phê thế giới và cả Việt Nam được quy ước bắt đầu từ ngày 1-10 năm này cho đến 30-9 năm sau. Như thế, có thể thấy rằng cả năm kinh doanh vừa qua, ngành cà phê lao đao trong đại dịch: hết giãn cách đến phong tỏa không tại nước sản xuất thì ở nước tiêu thụ, không địa phương này thì ở chỗ khác… Suốt cả mùa mười hai tháng, đôi bên mua bán chỉ nhìn nhau ở hai đầu “Tương giang”, thương nhau nhưng cũng chỉ biết “hôn môi xa” chứ không thể gặp mặt.
Tuy vậy, kết quả sau một niên vụ rất đáng khích lệ.
Cả vụ 12 tháng, tính trên đóng cửa, giá trên sàn phái sinh robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, tăng 788 đô la Mỹ/tấn (1.331-2.119), giá arabica New York tăng 83,05 cts/lb hay 1.831 đô la/tấn (110,95-194).
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ biến động trong vùng 30-42 triệu đồng/tấn, càng về cuối vụ, giá càng tốt hơn nhờ thị trường càng về sau càng cao. Cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2 tính trên mức chênh lệch giữa giá niêm yết sàn robusta London với giá giao hàng qua lan can tàu (FOB) giảm mạnh từ +50 USD cao hơn giá niêm yết thì mới đây trừ 250 đô la/tấn dưới giá London.
Với 120.000 tấn cà phê bán ra trong tháng 9-2021, ước Việt Nam xuất khẩu chừng 1,4 triệu tấn cà phê trong niên vụ 2020-2021, giảm chừng 100.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020, trị giá chừng 2,5 tỉ đô la Mỹ.
Người trên thị trường cho rằng trong số 1,4 triệu tấn, còn ít nhất vài ba trăm ngàn tấn đang còn ở tại các kho nội, ngoại quan Việt Nam chưa đi được do tình trạng phong tỏa từ bốn tháng vừa qua và nhất là vì cước tàu tăng mạnh.
Mỹ thường là một trong vài nước nhập khẩu cà phê hàng đầu từ Việt Nam. Tình trạng thiếu container rỗng và giá cước cao trên các tuyến đường đi Mỹ, thị phần cà phê Việt Nam ở Mỹ giảm khá mạnh. Số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế cho biết trong 7 tháng đầu 2021, Mỹ chỉ nhập khẩu từ Việt Nam 76,74 ngàn tấn cà phê, trị giá 147,36 triệu đô la, giảm 28,4% về lượng và 27,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Còn Bộ Công Thương cho biết thị phần cà phê Việt Nam tại Mỹ trong 7 tháng đầu 2021 cũng giảm từ 11,31% (2020) xuống còn 8,17%. Điều này cho thấy tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu phản ánh trên tình trạng thiếu container rỗng, khó mua chỗ trên tàu và lưu thông cà phê trong nước không mấy thông suốt trong thời gian qua…đang làm mất dần thị phần cà phê quan trọng bậc nhất thế giới.
Viễn cảnh niên vụ mới…
Một số đánh giá sơ bộ trên thị trường cho rằng sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ mới 2021-2022 quanh mức 1,6 triệu tấn, cá biệt có Bộ Nông nghiệp Mỹ ước trên 1,8 triệu tấn.
Nếu như gộp cả hai nước có lượng cà phê robusta lớn chỉ sau Việt Nam là Brazil chừng 1,2 triệu tấn và Indonesia chừng 0,6 triệu tấn, sản lượng 3 nước robusta đứng đầu quanh mức 3,5 triệu tấn, thừa sức để cung ứng robusta cho thế giới trong 12 tháng tới.
Nhiều ý kiến e ngại rằng sản lượng robusta lớn sẽ ảnh hưởng đến giá thị trường phái sinh trong mấy tháng đầu vụ. Tuy nhiên, các động thái của thị trường hàng hóa thời gian mới đây cho thấy dù sản lượng cao, giá cà phê khó có thể quay đầu giảm trong những những ngày tháng tới khi mà tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê vẫn còn kéo dài.
Quan chức của hãng tàu biển Maersk vừa qua cho rằng tình trạng thiếu container rỗng và giá cước cao còn có thể kéo dài đến tận cuối năm 2021, thậm chí đến đầu năm 2022 do hàng hóa ùn ứ từ gần hai năm nay tính từ ngày đại dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc). Mặt khác, giá khí đốt thiên nhiên và dầu thô tăng mạnh kích giá thành sản xuất một số mặt hàng đầu vào sản xuất tăng.
Một số nông dân phản ánh rằng nhiều loại phân bón tăng từ 50%-80% so với trước đại dịch, giá chuyên chở hàng hóa đường bộ tăng, lương lao động tăng…nông dân sẽ không thể nào chấp nhận bán giá thấp. “Lần này, giá cà phê tăng, nhưng nông dân không hưởng hết được như trước đại dịch vì phải chi cho những khoản dịch vụ và chi phí nguyên liệu đầu vào cao,” một nhà xuất khẩu tại tỉnh Đắc Lắc nói.
Giá cà phê phái sinh đang đà tăng. Nếu lấy mức niêm yết hiện nay để phiên ra, ước trị giá cà phê đang nằm trên cây năm nay không dưới 4 tỉ đô la Mỹ cho cà phê niên vụ mới của Việt Nam.
Xu hướng giá tăng xem ra chưa dừng. Vấn đề còn lại là với các biện pháp phòng chống dịch mỗi nơi một khác, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa nơi trồng cà phê đại trà, liệu nhà vườn có thuê được lao động từ các vùng miền khác lên giúp thu hái cà phê hay phải để cà phê chín rục, hư thối…gây hao hụt sau thu hoạch lớn, nhất là ảnh hưởng đến chất lượng đại trà của cả niên vụ cà phê? Rất có thể đó là lý do làm khách mua trả giá thấp, so với hiện nay vốn đã thấp khi họ trả trừ 250 đô la/tấn dưới giá niêm yết khi thấy giá phái sinh tăng.
Bốn tỉ đô la cho một vụ mùa cà phê trong kỳ đại dịch và hậu nới lỏng giãn cách! Con số ấy không phải là dự báo, khuếch đại mà rất hiện thực. Vấn đề các địa phương tại vùng sản xuất có thấy đó là một trong những mục tiêu cần thiết cho phục hồi kinh tế, để tìm mọi biện pháp y tế tốt nhất để khoanh vùng an toàn lao động để đạt hiệu quả cao hay là vẫn tìm cách đuổi theo con virus corona để mất đi khối tiền vì quá sợ mất thành tích vì dịch bệnh lây lan?
NGUYỄN QUANG BÌNH đăng trên KTSG 1/10/21
Hits: 217