Diễn biến thị trường tuần trước: Sau đợt đảo hướng là tích lũy.
Thị trường cổ phiếu Âu Mỹ sống trong bầu khí lạc quan. Giá chỉ số chứng khoán hai bên bờ Đại Tây Dương đều lên mức cao hay chí ít cao gần mức kỷ lục, trước tiên là nhờ các số liệu kính tế vĩ mô tích cực được công bố trong tuần. Lượng công ăn việc làm tại Mỹ tăng, qua đó thị trường kỳ vọng một sự phục hồi có vẻ như trong tầm tay. Nhưng liệu niềm lạc quan lại đưa các nhà đầu tư đến một nỗi lo khác là khả năng thu hẹp chương trình mua nợ 120 tỷ Usd/tháng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)?
Ngược lại, tại nhiều nước châu Á nhất là Đông Nam Á, biến chủng Delta vẫn còn gây nhiều khó khăn sau gần hai năm lăn lộn trong đại dịch Covid-19. Thị trường chứng khoán Philippines nằm trong nhóm tệ nhất thế giới, giá trị đồng nội tệ Baht của Thái Lan xuống mức thấp nhất tính từ 2018, dịch hạ nhiệt tại Ấn Độ nhưng chính quyền và người dân vẫn ngay ngáy lo khả năng bùng phát trở lại…
Lượng ca nhiễm virus corona tại các nước sản xuất cà phê chưa chịu giảm, thậm chi còn tăng cao. Tính đến sáng 07/08/2021, trang “worldometer.info” cho biết ngoài Mỹ là nước đang giữ vị trí quán quân, Ấn Độ và Brazil đang tiến dần lên với lượng ca lây nhiễm và tử vong cao nhất. Colombia đứng vị trí thứ 6. Indonesia và Mexico nằm ở vị trí 14 và 15 trên bảng tổng sắp. Ngay cả Trung Quốc, nước sản xuất cà phê mới nổi, biến chủng Delta đang làm ngưng trệ nhiều ngành sản xuất và hệ thống logistics.
Chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) tăng lên gần 93 điểm sau đợt giảm vế quanh 91,50 điểm cuối tháng trước (hình 1 – bên trái). Giá vàng và dầu thô phiên cuối tuần trước giảm mạnh, cà phê nằm chung phe rớt giá. Ngân hàng Trung ương Brazil quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 1%, là mức tăng nhiều nhất tính từ 2003 trở lại đây nhưng vẫn chưa giúp gì được giá cà phê do DXY tăng quá mạnh.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn tuần này như sau: sàn arabica New York xuống 129.554 tấn so với 130.452 tấn, sàn robusta London giảm còn 142.860 tấn so với tuần trước là 144.510 tấn.
Brazil:
Chỉ còn 15% diện tích arabica mùa năm nay là chưa thu hoạch. Như vậy, theo nhà môi giới Safras & Mercado, còn hái chừng nửa triệu tấn nữa là mùa 2021 Brazil hoàn thành. Ước đoán của công ty này nói sản lượng Brazil năm nay chừng 3,39 triệu tấn trong đó ó 1,23 triệu tấn robusta.
Thời tiết trong mươi ngày tới khô ráo, thuận lợi cho công tác thu hoạch, cộng với nền nhiệt độ ấm khô, thuận lợi cho cây cà phê dưỡng sức đợi đến khi có mưa bung hoa đại trà.
Giá cả
Thị trường cà phê tiếp tục đà giảm bắt nguồn từ tuần trước đó. Đến nay, cấu trúc vắt giá (nghịch đảo) đã nguội dần, theo chiều thuận, tức tháng giao dịch trước thấp hơn kỳ hạn sau tuy mức chênh lệch còn rất nhỏ.
Kể từ bài này, các nhận định dựa trên giá kỳ han London tháng 11/2021 và New York 12/2021.
Kết quả chung cuộc phiên 06/08 như sau:
-Giá arabica giảm 6.55 cts/lb tức 144 Usd/tấn chốt tại 179.05 cts/lb trong biên độ dao động 204.50-174.50 cts/lb tức đến 661 Usd/tấn giữa mức cao/thấp nhất.
-Giá robusta London giảm 47 Usd/tấn chốt tại 1.754 Usd/tấn với biên độ dao động 1.930-1.741.
Giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi tại thị trường trong nước lìa mức cao kỷ lục của niên vụ này là 38,7 triệu đồng/tấn để đến cuối tuần trước còn 37 triệu đồng/tấn, tuy nhiên sang đầu tuần tăng nhẹ lên 37,2 triệu đồng/tấn. Mua bán rất chậm, nhất là trong giai đoạn hàng hóa tại một số cửa khẩu ùn ứ ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc do áp dụng lệnh phong tỏa chống dịch.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 09-13/08/2021: Có dấu hiện dò đáy.
Giá cà phê tuần qua lập đáy mới tại 1.741 sau khi phá đáy tuần trước đó là 1.755. Sàn này cũng xa dần đỉnh 1.993 trong một trận đảo hướng ngày 30/07/21 (1).
Tiếp ngay sau ngày quay đầu nhắm đường xuống, giá London tạo đáy 1.741. Dù trong tuần, có lúc sàn này muốn xuống thử độ sâu nhưng cũng chỉ dừng tại 1.746. Không vội mà nói rằng rất đáng nghi đáy tạm thời ở khu vực đó, từ 1.741-1.745.
Nhìn theo Fibonacci, đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp cho thấy rằng từ điểm xuất phát 0,00% tại 2.002 (đỉnh lập 23/07), theo hướng xuống, London đang rất ngập ngừng trước tỷ lệ vàng 38,20% là 1.725. Dù tuần này có rơi dưới 1.741, mức 1.725 là một thử thách lớn cho hướng xuống.
Cũng cần thấy rằng sau 2 phiên thực hiện đảo hướng từ 1.993 xuống 1.741, sau đó sàn robusta đi vào những phiên giao dịch tích lũy với dao động khá hẹp. Mốc 1.754 từng được dự đoán trong bài nhận định trước: “Nếu như sàn dao động trong vùng 1.860 và 1.760 thì nên xem đó là khu vực giao dịch tích lũy, cho đến khi ra khỏi 1.754 và 1.890 mới chọn hướng tiếp xuống hay lên.” Như vậy, về kỹ thuật, giá đóng cửa phiên chuyển sang tuần mới ở khu vực “lấp lững”. Chỉ báo RSI 22 vẫn “hàng hai”, trung tính.
Như vậy, tuần này, London sẽ có hai chọn lựa, một là xuống tiếp nếu như vùng 1.745/1.741 bị rung nhưng không dễ thoát khỏi 1.725, hai là tiếp tục đi vào vùng tích lũy khi lên khỏi 1.760. Nếu như phiên đầu tuần London có giá đóng cửa tại 1.763/1.765, thì đó là dấu hiệu chỉnh giá để thêm một tuần giao dịch tích lũy, tức chủ yếu tích trữ lượng hợp đồng mua sau một kỳ bán tháo để giá giảm từ 2.002 xuống 1.741 tức 241 Usd/tấn mới đây.
Các mức kháng cự gần và xa trong tuần: 1763 / 1775 / 1802 / 1842.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Ngành cà phê đứng trước thời “bình thường mới”
Sóng gió trên sàn cà phê robusta London chưa thể kích được những đợt bán mạnh từ các nhà xuất khẩu trong nước như trước đây. Trong quá khứ, một khi sàn phái sinh cà phê đi thái quá dù theo hướng tăng hay giảm, hoạt động giao dịch hàng thực và hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể trở thành một lực cản hay lực đẩy. Nhưng dịch bệnh và tình trạng tàu bè bến cảng hiện nay không tạo điều kiện cho cà phê Việt Nam can thiệp thị trường.
Sáu tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt chừng 730 nghìn tấn trị giá 1,15 tỷ Usd, giảm 9,3% về lượng và 3,1% về giá trị. Theo nhận xét của Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương, xuất khẩu cà phê quý 2/2021 sang các thị trường đều giảm so với quý 1. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng dịch bệnh và logistics đang là một trở lực lớn cho ngành cà phê trong 6 tháng cuối năm.
Dù Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã khởi động và tạo dựng một chương trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê ngon – đặc sản chú trọng đến chất lượng tách cà phê uống trên thị trường nội địa và khuyến khích xuất khẩu cà phê sạch, giá trị cao, nhưng lệnh giãn cách xã hội đang làm chậm quá trình liên kết giữa nông dân và chuỗi quán vốn rất được chú trọng trong sản xuất cà phê bền vững. Với các hợp đồng giữa nông dân và chuỗi quán đã thiết lập trước thời giãn cách, hiện nay các chuỗi quán vẫn tiếp tục mua cà phê nguyên liệu robusta với mức cao, từ 50-60 triệu đồng/tấn thì so với thị trường thương mại hiện nay chỉ quanh 37-37,2 triệu đồng/tấn.
Thách thức của cà phê thương mại xuất khẩu đại trà ngày càng rõ, theo hướng tiêu cực, thì cách đi của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột càng tỏ ra đúng hướng. Nông dân sản xuất cà phê bền vững đang cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, không chỉ từ chính sách mà còn cần được kích hoạt bằng những gói hỗ trợ tài chính và tín dụng. Cần thấy rằng đại dịch còn kéo dài và không còn cách nào khác là phải sống chung với nhiều lần giãn cách dài ngày hay ngắt quãng, dù có vắc-xin hay không có vắc-xin. Nên chăng các cấp chính quyền xem đây là một cái nền mới, vững chắc hơn cho một ngành cà phê trong thời kỳ “bình thường mới”.
Giá cà phê thương mại trên thị trường nội địa tuần này có thể dao động trong vùng 36,5 triệu phía thấp và 37,7 triệu đồng phía cao.
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 105