Vậy là cả 2 thị trường kỳ hạn cà phê quyết định quay sang phía bán, London bán thanh lý lượng dư mua trước đây và New York bán mới. Đến ngày 2-5, London giảm dư mua từ 28.311 lô còn lại 24.264 lô (-4.047 lô), New York tăng thêm dư bán để lên 12.645 lô (+3.909 lô), đối với New York, đấy là mức dư bán cao nhất tính từ 14 tháng nay.
Không chỉ trên các sàn cà phê mà nhiều sàn khác như ca cao, đường ăn…các quỹ đầu cơ đều tung một lượt hàng giấy ra bán vào tuần trước tính đến ngày khóa sổ 2-5 như đã nói.
Như vậy, vấn đề ở đây là nghiên cứu cung-cầu không còn quan trọng khi các quỹ đầu cơ dùng lực tiền, đưa vốn vào rút vốn ra, được xem là nguyên nhân chính cho giá tăng giảm trên sàn. Để hấp dẫn người chơi, các sàn này thường thay đổi giá mạnh vào cuối phiên, mấy phiên gần đây đều tăng gấp tăng nhanh. Chưa biết dụng ý của họ là gì nhưng chắc chắn người bán giá “trừ lùi cộng tới” (differentials) với hợp đồng xuất khẩu theo hợp đồng giao sau (forwards) sẽ rất khó phán đoán giá để đặt và chốt giá. Rủi ro chính là ở đó.
Hôm qua, họ lại mua bù khống mạnh trên sàn ca cao, cà phê và đường ăn giúp cả 4 sàn này đều tăng tốt.
Xuất khẩu cà phê arabica tháng 4-2017 của Colombia đạt 936.000 bao, tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, 7 tháng đầu niên vụ 2016/17, Colombia, nước xuất khẩu arabica chế biến ướt lớn nhất thế giới, xuất khẩu được 8.369.000 bao, tăng 8,21% so với cùng kỳ năm 2016.
Giao dịch cuối cùng của sàn kỳ hạn London ở mức 2027+25$/tấn. New York cuối phiên chốt mức 136.90+1.20 cts/lb.
Dự kiến mở cửa tháng 7-2017 sàn robusta London ngày 5-5 từ không đổi đến tăng nhẹ.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 48