Dù giá kỳ hạn robusta có kết quả cả tuần giảm, nhưng giao dịch từng ngày trong tuần trước đã nhiều lần dâng cao trên vùng 1.450-1.470 Usd/tấn. Chính nhờ thế, một khi giá kỳ hạn giảm sâu bất ngờ, giá cà phê trên thị trường nội địa vẫn đủ sức ‘’kháng cự’’.
Giá cách biệt tăng dần (xem hình 1 – bên trái) chứng tỏ sức mua nhập khẩu có điều kiện cải thiện và giúp thị trường hàng thực thêm lực thanh khoản. Vả lại, thị trường cà phê nội địa đang vào quý cuối cùng của niên vụ 2018/19 (tháng 07-09/19), lượng hàng tồn không còn nhiều. Cũng cần nói rằng do giá thấp trong một thời gian khá dài, nhiều gia đình nông dân đã giảm diện tích cà phê để trồng những cây khác có lợi tức tốt hơn như chanh dây, sầu riêng, bơ, mít…
Nên giả sử giá kỳ hạn cà phê có giảm, đó không phải vì áp lực từ hàng bán xuất khẩu mà nhờ các yếu tố kháng giá như đã nói trên.
Đấy là chuyện trong nước. Ảnh hưởng thị trường thế giới từ bên ngoài có thể làm giá cà phê nội địa yếu đi, nhất là khi các nước xuất khẩu arabica vùng Nam Mỹ bắt đầu vào mùa kinh doanh.
Báo cáo mới nhất trong tháng 06/19 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước rằng tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 đạt mức 167,75 triệu bao (1 bao =60 kg), so với tổng lượng nhu cầu tiêu thụ là 164,64 triệu bao. Dù nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới được dự đoán +2% trong năm 2019, cung vẫn còn cao hơn cầu 3,11 triệu bao. Chính vì thế, tuy giá các sàn kỳ hạn đã có cải thiện, cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Bức tranh chung cung-cầu cà phê đã cân đối dần, nhưng số liệu thống kê xuất khẩu ở một số nước, đặc biệt nước xuất khẩu arabica tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp lên tâm lý thị trường và giá cả trên các sàn kỳ hạn.
Tình hình xuất khẩu cà phê của 4 nước hàng đầu thế giới tháng 06/19 như sau: Brazil đạt 168.050 tấn +29,83%, Colombia 68.100 tấn +25,28%, Brazil và Colombia là các nước có sản lượng cà phê arabica lớn nhất nhì thế giới; Việt Nam đạt 150.000 tấn trong khi Indonesia 3.923 tấn -52,54%. Indonesia là nước có sản lượng robusta lớn thứ ba thế giới sau Việt Nam và Brazil.
ICO cho biết trong 8 tháng đầu niên vụ 2018/19, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 86,57 triệu bao (1 bao =60 kg)+7.5% trong đó arabica đạt 55,91 triệu bao +10,2% và robusta 30,65 triệu bao +3%.
Từ góc độ thị trường robusta, khó có lý do để giá cà phê trong nước xuống sâu như trước (30-32 triệu đồng) mà có thể được giữ vững quanh mức 33,5-35 triệu đồng mỗi tấn.
Nguyễn Quang Bình
Hits: 297