(8-1-2018) Thị trường cà phê: Nhìn lại tuần cũ, nói về tuần mới

Hoạt động cầm chừng do lễ tết

Tuần đầu tiên năm 2018 bắt đầu khá thận trọng trên sàn kỳ hạn robusta London nhưng khá sôi nổi tại sàn arabica New York.

Sau một tuần tính từ ngày giao dịch cuối năm 2017 (29/12), giá kỳ hạn London tăng được 6 Usd / tấn trong khi giá New York thêm được 2.25 cts/lb tương đương với gần 50 Usd/ tấn (xem hình 1). Dao động không mạnh biểu thị hoạt động mua bán trên sàn chưa lấy lại nhịp bình thường sau thời gian ăn Tết Dương lịch, nhất là tại New York đang gặp phải đợt rét kinh hoàng chưa từng thấy từ cả 100 năm nay.

Trên thị trường nội địa, do hoạt động phụ thuộc vào sức mua của các nhà nhập khẩu, giá cà phê robusta nhiều nơi tại Tây nguyên, thủ phủ cà phê của cả nước quanh mức 36,5 – 37,2 triệu đồng mỗi tấn. Hàng cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2 tối đa 5% đen vỡ giao về các kho quanh TP. Hồ Chí Minh có mức cao nhất 37,7 triệu đồng nhưng sau đó giảm nhẹ về cuối tuần.

Giá kỳ hạn arabica tuần qua được cho là tăng mạnh hơn do lượng hợp đồng bán khống trên sàn kỳ hạn New York trước đó còn cao kỷ lục, ước gần 59 ngàn lô hay chạm mức 1 triệu tấn, ở mức ấy các quỹ đầu cơ tài chính cần mua thanh lý. Mặt khác, đợt giá lạnh đang hoành hành tại Bắc Mỹ có thể tạo điều kiện cho tồn kho tại khu vực này giảm nhanh nhờ tiêu thụ nhiều. Báo cáo của Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ (GCA) cho biết tính đến hết tháng 11/2017, tồn kho cà phê vùng này còn gần 405 ngàn tấn, tương đương với từ 13-15 tuần tiêu thụ.

Trong khi đó, thống kê mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho thấy cán cân cung cầu cà phê thế giới khá thăng bằng, dù sản lượng robusta có tăng mạnh hơn nhưng đủ để bù cho lượng arabica thiếu hụt và nhu cầu tiêu thụ tăng trong năm 2017 (xem hình 1).

Thị trường cà phê trong nước: Kỳ vọng giá nội địa không cao dù giá kỳ hạn tăng.

Tuần qua, nhìn chung giá cà phê nguyên liệu tại Tây nguyên quanh mức 36,5-37 triệu đồng mỗi tấn và giá cà phê xuất khẩu giao về các kho cảng quanh TP. Hồ Chí Minh chừng 37-37,5 triệu đồng mỗi tấn.

Mua bán trong kỳ không mạnh, chủ yếu hàng tay trao tay với nhau trong nước, trong khi bán xuất khẩu chưa mạnh.

Do bán xuất khẩu chưa nhiều, hàng cà phê vụ mới chủ yếu được đem đi gởi kho tại các nhà xuất khẩu trong nước kể cả các kho của các doanh nghiệp FDI.

Nếu như không cân đối được lượng cà phê gởi kho (để đầu cơ giá lên) và lượng chốt giá bán, thì rủi ro trước mắt đang mở ra cho người bán cà phê nội địa. Vì một khi có đợt giá tăng và họ muốn chốt giá bán với chủ kho giữ hàng mình, nhiều người rủ nhau chốt giá bán cùng một lúc, cách làm này sẽ làm mất cơ hội cho giá lên cao hơn. Như thế chỉ có lợi cho chủ kho và người mua hàng gởi kho, nhất lại là khi người bán đang cần tiền mặt để tiêu pha trong dịp lễ tết truyền thống, đang tới gần.

Đứng ở vị trí này mà nhìn, xem ra các nghiên cứu cung-cầu, dù có thuận lợi cho giá tăng đến đâu, đều không đủ mạnh để chặn được sức mạnh tâm lý bán ra từ người gởi hàng.

Nếu có cơ hội tăng mạnh (+40/+50 Usd/tấn chẳng hạn) trong tuần tới trên sàn kỳ hạn, mức kỳ vọng trên thị trường nội địa liệu có đạt 38 triệu đồng mỗi tấn?

NGUYỄN QUANG BÌNH, trích NCIF

Hits: 33