Công nghệ blockchain đang làm thay đổi nhanh ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng cà phê. Nhưng dường như tại Việt Nam, phần đông người trồng cũng như người kinh doanh cà phê chưa nhanh nhạy để bắt kịp với sự thay đổi này.
Ảnh: Thành Hoa |
Bán giá thấp vẫn mất thị trường
Một bài báo phát hành trước Tết Canh Tý(1) dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngành cà phê Việt Nam đang mất dần thị trường nhập khẩu Thái Lan. Dù 11 tháng đầu năm 2019 Thái Lan vẫn mua gần 39.000 tấn cà phê từ Việt Nam trị giá gần 69,5 triệu đô la Mỹ, nhưng so với cùng kỳ năm 2018, các con số này giảm một cách đáng ngại – giảm 35% về lượng và 41,5% về giá trị. Bài báo còn cho hay “Thái Lan đang có sự dịch chuyển nhập khẩu cà phê từ các thị trường như Indonesia, Malaysia, Mỹ, Brazil…”.
Chuyện khó hiểu là giá xuất khẩu bình quân của cà phê Việt Nam vào Thái Lan chỉ 1.790 đô la nhưng giá cà phê của Indonesia chẳng hạn là 1.991 đô la/tấn.
Giải thích về việc mất thị trường xuất khẩu, có ý kiến cho rằng vì chất lượng cà phê Việt Nam chưa đạt yêu cầu dù giá bán rẻ nhất. Tuy nhiên, theo người viết, đừng quên rằng hoạt động mua bán cà phê hiện nay đang chuyển sang một bước ngoặt khác. Người tiêu thụ và chuỗi quán đang muốn biết tường tận họ đang uống ly cà phê do ai sản xuất, chế biến ra sao, đường đi thế nào để đến tay người tiêu dùng, tức yêu cầu “từ vườn đến ly” (from farm to cup) phải rõ ràng minh bạch.
Theo Wikipedia, “Blockchain (chuỗi khối), tên ban đầu block chain, là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó”(2). |
Trước đây thường có quan niệm cứ ai có sản lượng lớn người đó sẽ làm chủ thị trường và giá cả. Tuy nhiên, quyền lực của người mua không dễ gì bị khống chế, nhất là từ khi các loại hàng hóa thương phẩm được giao dịch qua các sàn phái sinh như dầu thô, vàng, đậu nành, bắp, bông vải, ca cao… và không loại trừ cà phê.
Người bán là nông dân và nước xuất khẩu hầu hết đều ngồi “chiếu dưới” do người mua và các nước tiêu thụ đã sắp sẵn. Bằng nguồn vốn khổng lồ, các thị trường tiêu thụ đã mua trữ một lượng hàng tồn kho lớn khi giá thấp để phòng khi mất mùa và giá tăng cao. Hoạt động mua bán theo “chuỗi cung ứng” này nay vẫn tồn tại. Điệp khúc được mùa mất giá thường lặp lại đã đành, nhưng tình trạng “mất mùa mất giá” càng về sau này càng xuất hiện nhiều hơn.
Tìm cách để thoát khỏi tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, nhiều người trong ngành cà phê đang tìm cách chia sẻ quyền lực kể từ khi công nghệ “chuỗi-khối” (blockchain) ra đời.
Nhanh chóng ứng dụng blockchain
Ứng dụng blockchain trong chuỗi cung ứng cà phê đã được khởi xướng và bắt đầu thịnh hành tại những tập đoàn, những quốc gia trước đây đã từng làm quen, thực hành với các chuỗi cung ứng.
Chậm chân nhập vào dòng “blockchain” cũng có nghĩa rằng nhà vườn và nhà xuất khẩu cà phê hiện nay tự ý xin khai trừ khỏi chuỗi cung ứng và chính xác hơn là tự lìa xa thị trường cà phê thế giới. |
Sử dụng công nghệ blockchain trong kinh doanh cà phê giúp cho người mua (nhà rang xay/chủ quán) quán xuyến chuỗi cung ứng của mình và nhất là tiếp cận được tất cả các dữ liệu có liên hệ đến hột cà phê, từ khâu sản xuất đến giao nhận. Blockchain cơ bản được dùng để lưu tồn thông tin về chuỗi cung ứng cà phê. Có nghĩa rằng hạt cà phê họ đang sử dụng do ai trồng, trồng ở đâu, giá bao nhiêu, ai là người mua, các công đoạn từ vườn đến ly cà phê mất bao lâu. Một khi đã nhập vào dòng của chuỗi cung ứng áp dụng blockchain, hàng bán trôi nổi như lâu nay sẽ không còn chỗ chen như cách thức mua bán thường thấy trước đây mà đến nay vẫn còn tồn tại.
Chỉ cần một máy điện thoại thông minh có kết nối với mạng 3G, 4G, một chương trình nhập liệu được cài đặt phù hợp với hệ thống của chuỗi cung ứng do nhà nông chọn, dù ở cách bao xa nhà vườn cà phê cũng có thể tiếp xúc và được quyền chia sẻ thông tin và nhận thông tin từ người mua cuối cùng, không chỉ về giá cả mà còn nhận được các góp ý của người tiêu dùng cuối cùng là người thưởng thức ly cà phê do mình làm ra.
Cũng đừng nghĩ rằng blockchain chỉ sử dụng cho cà phê đặc sản, là một nhánh kinh doanh “ngách” rất nhỏ của ngành hàng có thị trường lên đến 100 tỉ đô la Mỹ này, được giao dịch lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau dầu thô.
Một vài hãng rang xay tầm cỡ hàng năm mua lượng hàng rất lớn tại các nước sản xuất đã bắt tay với các nhà cung cấp công nghệ blockchain để chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh mới trong thời gian chừng trong vòng vài ba năm tới.
Như vậy, chậm chân nhập vào dòng “blockchain” cũng có nghĩa rằng nhà vườn và nhà xuất khẩu cà phê hiện nay tự ý xin khai trừ khỏi chuỗi cung ứng và chính xác hơn là tự lìa xa thị trường cà phê thế giới.
NGUYỄN QUANG BÌNH trên TBKTSG 6-2-20
(1) “Cà phê Việt, đứng top 2 thế giới nhưng vẫn ôm nỗi buồn giá thấp” (Dân Việt Online 18-1-2020)
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Blockchain
Hits: 50