Xin được chơi chữ một chút. Nói đến vùng “mua quá mắc” chứ không phải vùng mua quá mức như bạn thường gặp trên trang này. Vùng “mua quá mắc” không có nghĩa rằng giá đã quá cao mà giá cách biệt giữa hai sàn, hai loại arabica với robusta.
Giá arabica tăng mạnh đã tạo cho giá cách biệt giữa 2 sàn cà phê giãn ra xa có lợi cho thị phần robusta vì arabica đã vào vùng “mua quá mắc”.
Nếu như những năm gần đây, nhiều nhà chế biến không quan tâm mấy đến cà phê robusta chất lượng cao như kích cỡ hạt lớn, không tạp chất không khuyết tật tức sạch 100% do lượng arabica ra thị trường nhiều và rẻ, thì nay độ giãn xa (141-145 cts/lb tức bình quân 3.150 Usd/tấn) có thể làm cho họ suy nghĩ lại để quay về sử dụng robusta loại tốt.
Điều này được chứng mình bằng giá cà phê nội địa tại Brazil cũng cao. Vào ngày 16/11 arabica tại Brazil đạt mức tốt nhất từ khi chỉ số CEPEA tính cho giá cà phê được thành lập năm 1996. Giá bình quân các chủng loại arabica đạt 240.73 cts/lb tức 5.307 Usd/tấn. Mức giá này có thể khuyến khích Brazil bán mạnh arabica để giữ lại robusta cho tiêu thụ nội địa. Hàng năm, Brazil tiêu thụ chừng 23 triệu bao cà phê.
Mặt khác, các nước sản xuất và tiêu thụ cà phê không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, không chỉ từ bản thân hạt cà phê mà còn các phụ phế phẩm của nó, trong khi Việt Nam còn phải phấn đầu nhiều ở lĩnh vực này.
Bà Anne Zulfia Syahrial, giáo sư đại học tại Depok (Indonesia) tuần qua công bố đã tìm ra cách xử lý bã cà phê thành than chì, một loại carbon, để biến chúng thành vật liệu chế phần cực dương trong pin xe điện. Giáo sư cho biết “pin lithium graphite sử dụng trong các xe điện hiện nay nặng khoảng 500kg, trong khi pin LTO chỉ khoảng 300kg. Pin LTO chỉ cần 30 phút để sạc đầy, trong khi đa số các pin xe điện hiện nay cần đến 2 giờ” (1).
Trước đây, bã cà phê cũng được chế biến tổng hợp để sản xuất một số phụ tùng xe ô tô, than sưởi xả stress tại Mỹ và EU. Tại Anh, người ta đã dùng bã cà phê để sản xuất nấm. Ở Việt Nam, một số nhà chế biến thực phẩm cũng đã sản xuất loại chè (trà) làm từ vỏ quả cà phê có tên gọi chung là “cascara” có giá trị dinh dưỡng tốt và bán được giá cao.
Thiết nghĩ, trong thời “bình thường mới”, giữa lúc dịch Covid-19 vẫn còn gây khó khăn cho thị trường cà phê trước mắt và lâu dài, khả năng chế độ phong tỏa nghiêm ngặt tại nhiều nước sẽ quay lại và được lặp lại nhiều lần, việc khai thác giá trị gia tăng của hạt cà phê nên được xem là một hướng thoát tối ưu cho nông dân. Muốn vậy, nông dân rất cần sự quan tâm của các cơ sở đào tạo nông nghiệp nhất là các trường đại học. Thay vì tập trung vào các đề tài nâng cao sản lượng, nên chăng ưu tiên tăng cường các đề tài nghiên cứu ứng dụng cây, hạt cà phê trong các ngành hóa thực phẩm và hóa công nghiệp để sản phẩm cà phê không chỉ là hạt cà phê chỉ dùng để uống.
Tuần qua, giá cà phê tăng mạnh nhưng giá cà phê nội địa không tăng, thậm chí giật lùi chỉ chung quanh mức như đã nói trong phần giá cả. Lên 43 triệu đồng/tấn hiện nay là một thách thức do nhiều yếu tố như giá cước vận tải đường bộ và đường biển cao, nhưng chính hạt cà phê phải gánh chịu.
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 498