Mấy hôm rày, máy tính của tôi bị trục trặc với ổ đĩa mềm, nên cứ loay hoay sửa miết vẫn chưa ổn. Bài “Câu chuyện cuối tuần” bị gác lại đến sáng nay. Mong bạn đọc thứ lỗi.
Bây giờ xin vào chuyện. Có người điện thoại hỏi giá còn lên nữa không anh sau mấy ngày giá cà phê trên 2 sàn phái sinh làm dữ. Đố các bạn tôi trả lời thế nào? -“Còn chứ! Nghĩ sao mà tính đường xuống? Nhưng khi nào? Tùy duyên, tức đến khi có điều kiện.” Câu trả lời có vẻ trớt quớt nhưng thưa quý bạn không hề như thế đâu.
Không cần bàn đến sương giá tại Brazil, hãy bỏ qua sương giá vì đó chỉ là chuyện nhỏ. Cây cà phê ở đâu cũng thế…như ở Việt Nam, khi vùng này mất do hạn hán (hạn hán có khi còn gây thiệt hại đến sản lượng gấp ba gấp bốn lần sương giá!), vùng khác lại được, bù qua sớt lại thành huề. Còn tin sương giá chỉ là phát pháo lệnh cho giá về sau tăng cao hơn.
Khi bạn chơi cà phê giấy, thì các thiên tài thường bàn đến “kỳ vọng” giá lên hoặc xuống. “Kỳ vọng” nằm trong ước đoán và nhất là ước muốn của các người dẫn đường hàng giấy. Đôi khi họ đúng, đôi khi họ sai…nhưng phải nói rằng họ thường là những thiên tài. Mà thiên tài thường hay đổ lệ…và giúp người khác đổ lệ và nhiều khi đổ bể sự nghiệp.
Còn nói đường lên của giá cà phê còn không? Sao lại không còn (nhưng không phải cho hôm nay, tuần này hay một thời hạn có giới hạn bất kỳ như một số anh em đoán đúng ngay chóc giá tăng rồi tăng mấy rồi thế này thế kia nữa kia để tự sướng với nhau).
Hướng tăng của giá cà phê có cơ sở của nó. Trong rất nhiều bài phân tích trước, khi bàn đến “siêu chu kỳ kinh tế”, dòng tiền tăng, tồn kho giảm…thì nay nhắc lại sợ quá nhàm.
Có các dấu hiệu như sau:
Một là sàn London tăng tiền ký quỹ ban đầu (initial margin), giá trị cà phê được sớm ngầm ý tăng và rủi ro trên sàn sẽ nhiều hơn nên chủ sàn muốn nắm tiền của người chơi hàng giấy nhiều hơn. Nhưng chung quy chủ sàn thấy giá có thể tăng nên đòi tiền ký quỹ nhiều hơn.
Hai nữa, bối cảnh kinh tế thế giới cũng sẽ đưa đẩy cho giá hàng hóa tăng. Mấy bữa rày các bạn nghe nói về lạm phát đến nhàm tai. Nhưng lạm phát Mỹ 2 tháng qua tăng trên 5%, chi phí doanh nghiệp vì thế cũng tăng theo. Trong hoàn cảnh lượng tiền nhiều hơn hàng hóa, thì chỉ nói về giá, giá hàng hóa phải tăng, cà phê không tăng không được.
Ba là giá cước tàu tăng 100% thậm chí còn cao hơn vậy nữa…Lấy đâu ra tiền để choàng chi phí ấy? Nên giá sàn phái sinh cà phê thương phẩm không tăng thì chỉ ép các nước sản xuất đổ cà phê đi hay làm “than” đốt chạy xe lửa như một thời tại Brazil.
Thế nào các hãng rang xay lớn nhỏ cũng phải tăng giá bán lẻ cà phê tại các hệ thống siêu thị nhà hàng. Họ không làm công không cho người tiêu thụ ngồi uống và chỉ khen chê cà phê ngon dở. Họ cũng kiếm tiền và tăng giá là cách hợp lý nhất. Khi các hãng rang xay tăng giá, đố giá cà phê thương phẩm trên hai sàn không tăng.
Nói tăng là tăng so với mức hiện nay…còn tăng bao nhiêu thì xin để cho các “thiên tài” của chúng ta nói. Nhưng giá sẽ xuống khi thấy giá cao, bà con tăng diện tích, tăng sản lượng dẫn đến mất cân đối cán cân cung cầu bấy giờ thiên về cung nhiều hơn. Càng mở rộng diện tích, càng tăng sản lượng, bỏ phân hóa học càng nhiều để kích trái bao nhiêu, thì lợi một năm nhưng hại cho giá nhiều năm như cả chục năm qua.
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 609
2 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.