25/7/2023 Thị trường cà phê qua bước ngoặt mới?

(KTSG) – Các quỹ đầu tư trong một thời gian khá dài, từ đầu năm đến nay đã chọn sàn robusta London làm một trong những nơi trú ẩn vốn. Liệu vai trò “chốn ẩn nấp” của sàn giao dịch này còn kéo dài khi mà giá sàn này đang yếu dần. Phải chăng các quỹ tài chính đã bớt mặn mà với sàn này?

Giá phái sinh robusta London chạm đỉnh kỷ lục trong tháng 6-2023.

Giá cà phê nguyên liệu trong nước lập đỉnh cao kỷ lục quanh 70 triệu đồng/tấn trong tháng 6-2023. Cùng lúc ấy, sàn cà phê robusta London kỳ hạn tháng 9-2023 cũng tạo đỉnh cao nhất tính từ đầu thiên niên kỷ ở mức 2.797 đô la Mỹ/tấn. Sàn robusta London – một trong những nơi trú ẩn vốn của các quỹ đầu tư – đang yếu dần.

Cái lý để sàn robusta được chọn làm nơi trú ẩn vốn

Thoạt đầu là những thông tin hết sức thuận lợi cho giới đầu tư đua nhau mua khống trên sàn robusta London này khi đoán thấy hàng thực (physicals) sẽ hiếm ra thị trường. Đúng vậy! Ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và hai nước xuất khẩu robusta hàng đầu của thế giới là Việt Nam và Brazil siết chặt tín dụng, nâng lãi suất để chặn đà lạm phát, khiến lượng hàng robusta ra không đủ cho tiêu thụ.

Trong khi đó, các nhà rang xay cũng buộc “ăn theo thuở, ở theo thời”, mua và sử dụng robusta, vốn rẻ hơn arabica. Ngân hàng nông nghiệp Rabobank (Hà Lan) tổng hợp số liệu hải quan cho biết khu vực EU và Vương quốc Anh tăng nhập khẩu robusta lên 36,3% trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 3-2023, so với cùng kỳ một năm trước, chỉ 31,5%. Thị trường Nhật Bản cũng tăng mua robusta trong cùng kỳ xem xét, lên 36,3% từ 29,5%.

Dù các thị trường nhập khẩu robusta lớn trên thế giới tăng mua, nhưng xuất khẩu cà phê Việt Nam năm tháng đầu năm 2023 vẫn giảm 2,2% chỉ đạt 882.000 tấn, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp cho biết.

Khối lượng xuất khẩu cà phê Brazil niên vụ 2022-2023 giảm 10%, Hiệp hội xuất khẩu cà phê nước này (Cecafé) cho hay. Theo đó, Brazil đã xuất khẩu 35,626 triệu bao trong năm thu hoạch kết thúc vào tháng 6 hàng năm. Xuất khẩu cà phê hột giảm 19% – trong đó xuất khẩu cà phê arabica giảm 23,3% và xuất khẩu cà phê robusta tăng 60,5%. Tồn kho cà phê khả dụng nhiều vùng tiêu thụ chính cũng giảm so với năm ngoái như châu Âu còn 11,19 triệu bao, giảm gần 2,5 triệu bao, Nhật Bản giảm gần 0,85 triệu bao còn 2,38 triệu bao.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn robusta, là cà phê được công nhận đạt chất lượng đấu giá trên sàn London, cũng giảm sâu. Đến 12-7, sàn này chỉ còn một số lượng nhỏ là 54.720 tấn so với 106.900 tấn vào ngày 11-7-2022. Dẫn số liệu trên để cho thấy thị trường cà phê robusta tạo điều kiện rất tốt để cho các quỹ đầu tư tài chính chọn mặt gửi vàng làm nơi trú ẩn vốn trong thời gian qua.

Thị trường robusta chuyển sang bước ngoặt mới?

Nếu như tính từ đỉnh 2.797, thì đến cuối tháng 6-2023, giá London lọt xuống đáy 2.478 đô la/tấn, giảm 320 đô la để chấp nhận đứng tại mức đóng cửa ngày 14-7 tại 2.540 đô la/tấn. Thật ra, tại nửa đầu tháng 7, có lúc cứ tưởng giá London dâng lên lại để tìm đỉnh cũ, nhưng cũng chỉ rướn đến mức cao nhất là 2.643 đô la rồi dừng (7-7-2023).

Hàng robusta từ Brazil quá sẵn sàng với sản lượng trên 20 triệu bao đã thu hái từ đầu quí 2-2023. Đối với nhà vườn Brazil, mức từ 2.300-2.400 đô la/tấn là quá tốt. Với mức này, các nhà kinh doanh tính chuyện nên bán xuất khẩu robusta thì xem ra có lợi hơn vì mức chênh lệch giữa hai loại arabica và robusta quá thấp, chừng 800 đô la/tấn. Các nhà rang xay Brazil cũng đồng lòng để thay công thức pha trộn trong các mẻ rang, sử dụng nhiều hơn lượng arabica chất lượng thấp, Gil Barabach, nhà phân tích cà phê tại công ty tư vấn Safras & Mercado nói vậy. Còn robusta đưa đi đâu? Giá tốt thì dành để xuất khẩu chứ đi đâu nữa! Đó là lý do tại sao hàng robusta xuất khẩu từ Brazil tăng 60,5% như đã nói ở trên.

Lạm phát tại Mỹ và nhiều nước đã dịu lại, kể cả tại hai nước sản xuất cà phê hàng đầu Brazil và Việt Nam. Giới đầu tư tài chính và kinh doanh hàng hóa tin Fed sẽ ngưng tăng lãi suất một thời gian để chờ thêm tình hình mới. Thị trường đã nhận thông tin Việt Nam đang chuyển chính sách tiền tệ từ “thắt chặt”, rồi “chắc chắn” qua “nới lỏng” để kích thích tăng trưởng(1). Brazil đang áp dụng mức lãi suất cơ bản rất cao với 13,75%/năm, nhưng cũng sẽ mau chóng nới lỏng để tăng cường xuất khẩu.

Chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ DXY mới đây giảm xuống mức thấp nhất tính từ 15 tháng khi chạm 99,26 điểm. Một số nhà kinh doanh tiền tệ hàng ngày dựa trên kỹ thuật đoán rằng giá trị DXY có dấu hiệu còn chuyển biến xấu, phải mất thêm từ 3-5% nữa.

Những gì xảy ra trên hợp đồng DXY là có lợi cho giá hàng hóa nói chung, vì khi đô la Mỹ mất giá, các nhà kinh doanh có nhiều tiền mặt hơn để mua hàng, và lãi suất ngừng tăng giúp họ tính đến việc tích trữ.

Trường hợp của sàn robusta

Về mặt nào đó, DXY giảm là cơ hội tốt cho các sàn hàng hóa. Sàn cà phê arabica và sàn vàng tỏ ra tiên phong khi đô la Mỹ trở nên yếu: arabica từ 155 cts/lb nay “lúp xúp” đứng tại 160,3 cts/lb (tăng 117 đô la đạt 3.340 đô la/tấn), vàng từ 1.900 nay có giá đóng cửa cơ sở giao dịch tháng 8-2023 lên 1.964,4 đô la/ounce. Riêng sàn robusta chưa tỏ ra hăm hở mấy mà đang đấu vật tại 2.540 đô la/tấn, dưới mức đỉnh đến gần 260 đô la. Tại sao vậy?

Trên thị trường tài chính, một danh mục đầu tư chứng khoán được cho là hoạt động tốt vượt trội (overperformance) khi tỷ suất sinh lợi của nó cao hơn so với tỷ suất sinh lợi của chỉ số chuẩn hoặc danh mục đầu tư khác được đem ra so sánh trong cùng thời kỳ. Nếu một danh mục đầu tư tạo ra lợi nhuận 10% trong một năm và chỉ số chuẩn đạt +8%, thì danh mục đầu tư đó được cho là đã vượt trội so với chỉ số chuẩn 2%.

Xét trên bình diện này, sàn robusta thực sự vượt trội so với rất nhiều sàn khác như arabica và dầu thô WTI (Mỹ). Tính từ 52 tuần trở lại, sàn robusta sinh lợi 32,09% nhưng arabica giảm 13,47% và WTI giảm 22,87%. Nếu tính từ đầu năm, giá robusta tăng 45,31% nhưng arabica giảm 3,38% và dầu thô Mỹ giảm 6,46%(2).

Cần lưu ý rằng hiệu suất vượt trội trong một khoảng thời gian nhất định không nhất thiết đảm bảo hiệu suất vượt trội trong tương lai.

Hiện tượng chỉnh danh mục đầu tư robusta đã xuất hiện từ vài tuần nay mà cụ thể là các quỹ đầu tư tài chính đang bán dần lượng cà phê đã mua khống từ ba tuần nay, từ 483.800 tấn nay còn 399.280 tấn (giảm 84.520 tấn).

Nếu như các quỹ đầu tư và giới kinh doanh không chặn đà bán thanh lý và quay về mua mạnh lại như thuở ban đầu, giá robusta khó bề tìm lại đỉnh cao cũ nếu không muốn nói còn phải hạ nữa vì sáu tháng đầu năm đã tạo ra lợi nhuận quá mức. Cộng thêm sức bán từ các nước sản xuất mạnh dần lên, từ nguồn cung đến chính sách tiền tệ “nới lỏng”, giá cà phê robusta còn giữ được mức này là rất khó.

Hơn thế, không bao lâu nữa, thị trường hàng thực sẽ chuyển sang giao dịch dựa trên tháng 11-2023 và 1-2024. Giá tháng 9 nay cao hơn tháng 11-2023 là 135 đô la và cao hơn tháng 1-2024 là 200 đô la/tấn. Mức giá cà phê nguyên liệu tại thị trường trong nước giao hàng từ tháng 10-2023 trở đi được trả từ 52-57 triệu đồng/tấn chứ không còn như giá thời điểm hiện nay quanh 65 triệu đồng/tấn.

Bán trước hay mua trước, vì vậy, vẫn là một vấn đề cân não đối với nhà xuất khẩu cà phê trong nước.

(1) https://tuoitrethudo.com.vn/thuc-hien-chinh-sach-tien-te-chu-dong-linh-hoat-noi-long-kip-thoi-hi eu-qua-229236.html

(2) Số liệu của investing.com và barchart.com

NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn 25/7/23

Hits: 34