21/10/2019 Thị trường cà phê tuần qua: Cả tuần nhờ có một ngày. Vì sao?

Giá kỳ hạn cà phê trên 2 sàn robusta và arabica đóng cửa phiên cuối tuần tăng mạnh. Nhưng kết quả cả tuần, London giảm 26 chốt tại 1.216 Usd/tấn và New York dương 2 cts/lb đạt 95.70. Thị trường cà phê trong nước giao dịch chung quanh 30,5-31,5 triệu đồng/tấn, nhịp độ mua bán chậm.

Hình 1

Giá trong nước

Một đợt phải bán chặn lỗ của các hợp đồng xuất khẩu khi giá sàn robusta rớt xuống mức 1.181 Usd/tấn. Đợt giảm mạnh này đã kéo mặt bằng giá nội địa xuống. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ đã mất nhanh mốc 33,5 triệu đồng của tuần kết thúc ngày 12/10/19. Giá bán chặn lỗ của một số hợp đồng chỉ còn quanh 25-26,5 triệu đồng/tấn.

Sau ba ngày giảm liên tiếp, giá kỳ hạn cuối tuần ngày 18/10 có phiên phục hồi với đóng cửa tăng 22 chốt tại 1.216 Usd/tấn. Nhờ vậy, giá cà phê nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên đến đầu tuần này quanh mức bình quân 31-31,5 triệu đồng/tấn. Hàng giao về các cảng quanh TP. HCM chừng 31,5-32 triệu đồng/tấn.

Đặc biệt, tuần qua thị trường xuất hiện một đợt bán chặn lỗ khi giá London chạm 1.181 Usd/tấn. Các hợp đồng bán chặn lỗ đợt này mất thêm 30 Usd/tấn so với đợt ngày thứ Sáu 11/10/19. Giá phải bán chặn chỉ quanh 25 triệu đồng/tấn. Chính vì vậy, mặt bằng giá cà phê nội địa không thể lên nổi.

Giá kỳ hạn

Thị trường robusta London tuần qua đã có lúc về mức 1.181 Usd/tấn, là mức thấp nhất tính từ gần 11 năm.

Phiên cuối tuần ngày 18/10 giá kỳ hạn có phục hồi nhưng chưa thể lấy lại những gì đã mất và còn giảm 26 Usd/tấn so với tuần trước đó. Biên độ dao động trong tuần khá mạnh với +/-86 Usd/tấn giữa 1.267-1.181.

Trên sàn arabica New York, nhờ phiên cuối tuần 18/10 tăng nên đã gỡ lại được những mất mác cho những ngày trước đó. Chung cuộc, giá New York tăng 2 cts/lb đạt 95.70 với biên độ dao động khá hẹp, chỉ 4 cts/lb giữa 94.20-92.20.

Tác động chính lên giá cà phê phái sinh

Hình 2 – Đồ thị chỉ báo giá tổng hợp ICO giảm 30% từ 2016 (nguồn ICO)

Thị trường cà phê thế giới cả hàng thực lẫn hàng giấy đang chịu áp lực bởi viễn cảnh nguồn cung ứng dồi dào. Tại “Báo cáo Phát triển Ngành hàng Cà phê 2019” (09/2019) của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), có đoạn nói rằng: “Giá cà phê hiện nay thấp chủ yếu là do sản lượng tăng quá mức…Hai niên vụ liên tiếp thị trường chứng kiến thặng dư cà phê. Cho đến niên vụ 2018/19 mức dư thừa cà phê lên đến 8 triệu bao (bao=60 kg), tương đương với 5% tổng sản lượng toàn cầu”. ICO nói thẳng rằng giá cà phê rớt chính là do nguồn cung quá lớn dù nhu cầu tiêu thụ vẫn tăng đều, nhưng vẫn sử dụng không hết kịp.

Dù không chỉ đích danh nước nào, ICO nhận định nhiều nước phá giá đồng nội tệ tạo thêm động lực xuất khẩu. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại, chỉ báo giá tổng hợp ICO giảm 30% tính từ 2016.

Thật vậy, trong vòng 2 thập kỷ trở lại, sản lượng cà phê thế giới tăng 50%, chủ yếu từ các hộ gia đình. Chính vì thế, “hướng lâu dài, giá cà phê còn tiêu cực cho nhiều nước sản xuất,” Báo cáo nhận định.

Vì vậy, giá các sàn phái sinh giảm đầu tuần. London xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm, có phần tác động tiêu cực của Báo cáo. Thêm vào đó, Ngân hàng Rabobank còn cho rằng sản lượng cà phê robusta Brazil sẽ tăng mạnh trong vài năm tới. Brazil có khả năng soán vị trí số 1 của Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu robusta (2). Sản lượng robusta của Brazil đang quanh mức 18 triệu bao/năm. Thị trường đoán trong niên vụ 2020/21, sản lượng robusta của Brazil có thể đạt từ 20-25 triệu bao.

Hình 3 – Diễn biến cặp tỷ giá Usd/Brl

Giá hai sàn kỳ hạn tăng mạnh vào ngày 18/10/19 được giải thích hai sàn đã vào vùng bán quá mức và đồng Reais Brazil (Brl) tăng mạnh (xem hình 3).

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283

Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

 

Hits: 525