Chẳng biết giới công chức thế nào chứ dân lao động đợt Tết qua bất ngờ “bị” nghỉ dài, nay đã ngán tận cổ. “Thuốc thử” dịch Covid-19 cho thấy không mấy ai muốn nằm ở nhà ăn chơi như câu ca dao: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”…
Mỗi sáng, cưỡi xe đạp chừng vài mươi cây số trên cùng một cung đường, cứ từng chặp lại thấy trạm bán giải cứu dưa hấu, thanh long của tỉnh này tỉnh kia, nông sản ối lại do không qua được biên giới…Nhà nông vắt chân đến tận cổ để “chạy hàng” mong giảm lỗ. Không chừng ngay giờ này ở quê lại chia người ra ruộng trồng đậu trồng cà…đầu tắt mặt tối.
Quán cháo lòng ở mặt tiền đường thường mở cửa rất sớm. Trước Tết còn vặn loa kẹo kéo oang oang với những bài boléro lôi kéo thực khách, nay tám chín giờ sáng chưa thấy bắt đầu. Chị hàng xóm bán đồ ăn vặt trước một trường tiểu học phải ở nhà chăm sóc mẹ già vì các cháu chưa tựu học sau Tết…Chú em mới về hưu, tuổi già con mọn…đang mong các trường mở lại để chú còn kiếm thêm chút tiền từ mấy giờ thỉnh giảng đặng trả tiền học phí cho con nhỏ…nhưng các trường đại học cứ cho nghỉ miết.
Nghe nói dịch lan nhanh bên Trung Quốc. Người ta đã đi làm lại. Nhưng ngày 13-2-2020, do sợ lây lan dịch bệnh, chính quyền tỉnh Quảng Châu ra lệnh cấm dân chúng đi ăn quán sợ bệnh lây lan…nên nghề dịch vụ ăn uống ở vùng dịch chẳng biết lúc nào mới “hồi sinh”*. Như vậy, đứng ngoài nhìn vào, nên hiểu rằng cái con virus Covid-19 này không diệt nó tận gốc thì kinh tế nhiều nước, nhiều người còn điêu đứng.
Bà con xốp phổi không chỉ vì sợ dịch Covid-19 không thôi. Cú nảy số thống kê khi không lên trên 70 ngàn người nhiễm bệnh, do có 13 ngàn ca mắc phải vào ngày 12-2 ở tâm dịch Hồ Bắc (TQ), rồi con số người chết vì bệnh đang nhỏ thành to, to thành nhỏ nay đến gần 1.800 (17-2-20)…Dù có giải thích này kia, cũng không khỏi làm người tính toán chuyện làm ăn kinh tế nghi ngờ độ chính xác và trung thực của nó.
Một khi cung cấp thông tin dịch bệnh không rõ ràng, thì chỉ còn cách nhìn vào các hoạt động của vài ngành để còn đoán đặng làm ăn chứ không mang tiếng…”tháng Giêng là tháng ăn chơi”…Như tin tỉnh Quảng Châu cấm đi ăn tại các quán xá là một ví dụ mà các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống cần nghiên cứu.
Từ khi Trung Quốc công bố dịch bệnh trước Tết Canh Tý, nay đã ngót nghét 1 tháng. Bất kỳ ai trên Trái Đất này cũng cầu mong sao tìm ra được cách dập dịch nhanh và hiệu quả nhất, phát minh ra thuốc chủng ngừa và nhất là những dự đoán khả thi để bà con yên tâm làm ăn. Tin ai? Rất nhiều nhà khoa học cho rằng để có thuốc chủng ngừa, thế giới phải còn đến 6 tháng nữa. Tuy nhiên, có nhà bác học ở viện Pasteur Paris cho rằng nên nhìn 6 tháng là thời gian kỳ vọng ngắn nhất. Thuốc chủng ngừa Covid-19 còn qua biết bao nhiêu khâu. Ông khuyên rằng tính trong vòng từ 6 đến 12 tháng mới khả dĩ hợp lý.
Chỉ mới nghỉ qua rằm tháng Giêng, học trò học bè đã thấy oải, huống chi các bậc cha mẹ phải kiếm tiền nuôi chúng! Thế nhưng, có lãnh đạo và một số nhà vị đầu ngành trên thế giới bảo rằng có lẽ phải đợi đến mùa hè, tháng Tư trở đi, mới hy vọng con virus Covid-19 bớt quậy phá.
Ngoài việc phải chạy đông chạy tây kiếm việc kiếm vàng, giành hợp đồng to nhỏ, “tái cấu trúc”, tiết kiệm nguồn lực…thì có vị ở một sở nông nghiệp nọ đề xuất nông dân đẽo cây dưỡng cành để chờ thời kỳ “hậu đại dịch” là quá có lý. Biết làm sao bây giờ?
Tuy nhiên, cũng đừng nên ngồi nhìn thống kê con số người lây nhiễm tăng mà thụt chí. Một chuyên gia kinh tế cho rằng đừng mòn công nghiên cứu con số người nhiễm bệnh mà hãy nhìn vào các hoạt động kinh tế-tài chính của một số ngành để ứng phó tình hình và nhất là hành xử thời “hậu đại dịch”.
Đương nhiên, một khi nghe tin dịch được khống chế bằng con số cụ thể, bấy giờ các thị trường sẽ lấy lại nhịp đập và cất cánh dần. Còn bây giờ, ngay tại Trung Quốc, nước chưa dứt danh là công xưởng thế giới, nhiều tỉnh thành vẫn còn bị giải tỏa toàn phần hay bán phần. Nên hãy xem các giải pháp hiện nay như thông quan hàng nông sản qua biên giới chỉ là một cách “giải cứu” mang tính giai đoạn. Hàng năm, TQ ước có 150 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, nhưng nay có chừng từ 60-80 triệu người trong vùng dịch đang bị giải tỏa. Nhiều hãng hàng không nội địa tại TQ và quốc tế xếp cánh. Nếu như đến tháng Tư đầu mùa hạ, giả sử nắng nóng có đốt cháy con virus Covid-19, thì tâm lý người đi xe tàu vẫn còn ái ngại, cả khách trong và ngoài nước có tâm dịch.
Nhiều hãng vận tải đường hàng không báo đến nay vẫn chưa thể tìm nguồn hàng từ đâu để bù đắp cho lượng hàng hóa ngừng xuất từ nội địa TQ từ trước Tết Nguyên đán. Hãng cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu (Official Aviation Guide of the Airways – OAG tại VQ Anh) cho biết chỉ trong một tuần tính đến hết ngày 5-2-2020, số chuyến bay vào/ra TQ giảm hơn 25.000 lượt so với 2 tuần trước đó và có dến 30 hãng hàng không ngưng bay. Vận tải hàng hóa đường hàng không cũng mất chân hàng không kém. Vì con virus Covid-19, nhiều hãng xưởng cho phép làm việc từ nhà, thì hàng đâu ra để chở! Dù ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không mỗi năm chỉ chiếm 1% của tổng tải trọng hàng hóa toàn cầu, nhưng giá trị lên tới 6 ngàn tỉ đô la Mỹ, dữ liệu của hãng Boeing (Mỹ), nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới cho biết **.
Vận tải biển cũng chịu cảnh ế ẩm. TQ là một trong những nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới nay vì kẹt với cái con virus Covid-19, nhiều hãng xưởng phải ngừng hoạt động. Nhu cầu xăng dầu giảm, cập cảng thì không có nhân công, tồn kho đầy ắp chỗ đâu mà chứa! Đến ngày 31-12-2019, biểu giá tàu chở dầu thô và hàng khô vẫn còn 14.000 Usd thì nay chỉ quanh 2.500 đô la/ngày, giảm 82%***. Chỉ số BDIY (Baltic Exchange Dry Index-Vận tải tàu biển hàng hóa khô) trong tháng 2-2020 xuống mức dưới 450 và nay nằm tại 421 điểm, là mức thấp nhất tính từ 3-2016, còn so với tháng 9-2019 bấy giờ chỉ số này là 2.530 điểm!
Điều này có nghĩa rằng công xưởng thế giới đang bị con virus Covid-19 hành và hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều ngành nằm trong trạng thái “chờ” không phải ngày một ngày hai.
Giả sử tại Mỹ có bất kỳ dấu hiệu nào tiêu cực trong tăng trưởng kinh tế, dù lớn dù nhỏ, giá hàng hóa và chứng khoán sẽ rất nhạy cảm và có thể tìm đường xuống. Nhất là giá hàng hóa thương phẩm nông sản, do Trung Quốc đang giảm mua để tập trung chống dịch.
Tuy nhiên, thị trường toàn cầu rất năng động và thay đổi nhanh chóng. Đây này là lúc các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu cần chuẩn bị đối phó với các biến động “cực đoan” của giá cả trên các thị trường.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đang chịu nhiều sóng gió và rủi ro. Nhưng thử thách lớn chừng nào cơ hội tốt chừng nấy cho người lượng định trước thời “hậu đại dịch”.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 98
3 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.