Vừa qua, Trung Quốc cấm không được nói các điều tiêu cực, “tô đen” tình hình kinh tế hiện nay. Nghe rằng nhiều bài báo trong nước đã được gỡ xuống. Tuy nhiên, nói về tiêu cực là một chuyện, nói và đánh giá cho đúng sự thực là một chuyện khác.
Rất nhiều nước, nhà kinh doanh và đầu tư quốc tế đang phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc. Thiết nghĩ cần soi lại đôi chút tình hình kinh tế tại Trung Quốc để kiếm cách làm ăn giữa những khó khăn chung hiện nay.
Năm 2023 là năm mà nền kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi kết thúc chính sách zero-COVID. Lo thay, tất cả các chỉ số đều đang chỉ ra hướng ngược lại. Dữ liệu cho thấy tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao, đồng thời có nhiều dấu hiệu vạch ra giảm phát có thể là một vấn đề lớn hơn so với suy nghĩ trước đây. Dữ liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc bị sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong khi chỉ số CPI của nước này không thay đổi trong tháng 6/23 và giá sản xuất đi xuống.
Điều gì đang xảy ra vậy? Trung Quốc đã kết thúc chính sách zero-COVID khi lạm phát toàn cầu gia tăng đã làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này và so với các nước công nghiệp hóa, không có nhiều khoản tiết kiệm dư thừa để chi tiêu sau khi mở cửa trở lại. Ngân hàng Nhà nước TQ thậm chí đã cắt giảm lãi suất để khuyến khích tiêu dùng, nhưng việc kích thích hơn nữa có thể là thách thức do vấn đề nợ lớn của Trung Quốc và sự yếu kém của đồng nhân dân tệ. Bong bóng trên thị trường bất động sản cũng khiến nhiều người đánh giá lại giá trị tài sản ròng của họ. Trong khi đó, giữa cuộc chiến thương mại leo thang, thị trường chứng kiến hoạt động sản xuất của các công ty đa quốc gia phương Tây đóng tại TQ bị dời đi nơi khác như chuyển qua Ấn Độ và Việt Nam.
Trong khi đó, các cuộc “chỉnh đốn kinh tế” trong những năm gần đây đã khiến khu vực tư nhân lao đao. Việc đình chỉ IPO của Ant Group và sự thất bại của DiDi Global đã khiến đầu tư trở nên tồi tệ, trong khi Bắc Kinh đã tiến hành các chiến dịch nhắm mục tiêu chống lại các ngành như truyền thông, giáo dục và thậm chí cả giao đồ ăn, làm mất niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng khắc phục một số thiệt hại bằng cách lôi kéo những nhà đầu tư lớn trong ngành công nghiệp Hoa Kỳ – như Jamie Dimon của JPMorgan và Elon Musk của Tesla – nhưng những hạn chế đối với hoạt động kinh tế đã khiến nhiều công dân và công ty Trung Quốc tiết kiệm tiền mặt hơn là chi tiêu hoặc đầu tư.
Thấy gì? Giảm phát có thể dẫn đến kỳ vọng giảm phát lớn hơn, điều này khiến nhu cầu bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng không mua nhiều hàng hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ kiếm được ít doanh thu hơn nếu họ giảm giá, nghĩa là ít việc làm hơn và tiền lương giảm, và cuối cùng là mức tiêu thụ thấp hơn. “Số liệu thống kê có vấn đề của Trung Quốc kéo dài từ số liệu thống kê vĩ mô như GDP và tỷ lệ thất nghiệp đến thu nhập,” nhà phân tích Logan Kane của SA lưu ý trong bài nghiên cứu “Suy thoái kinh tế của Trung Quốc: Lời cảnh tỉnh cho nền kinh tế Hoa Kỳ”. Bài viết nói: “Đây là những gì thị trường thấy: Đầu tư vào Trung Quốc đã giảm mạnh… ngoài ra còn một gánh nặng nợ khổng lồ… và dân số Trung Quốc hiện đang giảm.”
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài viết này hoàn toàn miễn phí với tâm niệm người viết nỗ lực chuyển tải những tin tức mới nhất về thị trường và những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong thời gian gần cũng như xa. Nên nó hoàn toàn không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 145
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.