Diễn biến thị trường cà phê tuần trước: Giá phái sinh robusta đảo chiều tăng mạnh trước sự cố trên kênh đào Suez.
Tàu viễn dương siêu nặng Ever Given có chiều dài 400m đầu tuần đã ngáng đường thủy huyết mạnh – kênh Suez với chiều ngang 405m – giữa Châu Á và Châu Âu. Theo các chuyên gia hàng hải, chừng 30% hàng hóa gồm dầu thô, nguyên liệu sản xuất và hàng tiêu dùng toàn thế giới các loại đều phải qua kênh đào 150 tuổi này. Các nỗ lực như điều tàu kéo và máy xúc đất cát bên hai bên bờ kênh để giải phóng tàu chưa có kết quả đến cuối tuần qua, buộc phải chờ thủy triều lên để thử đẩy tàu ra khỏi khu vực mắc cạn.
Sự cố trên đã làm tồi tệ thêm các chuỗi cung ứng hàng hóa, vốn bị dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy từ đầu năm 2020 đến nay. Một số hãng tàu cho biết không chừng phải chọn lộ trình thay thế bằng cách đi vòng Ấn Độ Dương quanh Châu Phi trường hợp đợi quá lâu. Nếu vậy, hải trình sẽ dài thêm chừng 6 vạn dặm với chi phí chắc chắn cao hơn. Cước tàu có thể còn tăng nữa khi các nhà xuất khẩu đã vật vã do phải trả tiền tàu biển cao gấp bốn đến năm lần so với cách đây 6 tháng.
Nguồn cung ứng của các nước sản xuất nông sản kể cả cà phê từ Đông Nam Á chắc chắn sẽ giảm trong thời gian này do sự cố tại Suez, trong khi nguồn cung ứng cà phê từ Nam Mỹ và một số nước Châu Phi sẽ không chịu ảnh hưởng mấy.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva tuần qua cũng dự báo, nếu thông suốt, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới sẽ tăng 8,5% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người tại các nước giàu và nghèo không như nhau. Bà dự báo đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) giảm 22% và các nước phát triển chỉ giảm 13%.
Tại Mỹ, giới lãnh đạo tài chính phát tín hiệu Tổng thống Joe Biden có thể đề xuất gói đầu tư không lồ lên đến 3 nghìn tỷ Usd, đồng thời tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28%. Thời cựu TT Trump, mức này là 21%. Nhưng giới tài chính đang tính đến con số dung hòa 25% mới khả dĩ thuyết phục phe đối lập.
Trong khi đó, ở Châu Âu, vùng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, đã áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn dịch Covid-19 đang quay lại hoành hành các nước Bỉ, Pháp, Đức và Italy.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tồn kho cà phê châu Âu
Hiệp hội Cà phê Châu Âu (ECF) báo tính đến hết năm 2020, tồn kho cà phê khả dụng toàn châu lục đạt 909.723 tấn, so với 900.413 tấn của tháng 11/2021, trong đó arabica tăng 5,8% đạt 559.000 tấn gồm 299.095 tấn arabica chế biến ướt và 260.081 tấn arabica chế biến khô, robusta giảm 2,6% đạt 350.548 tấn.
Arabica chế biến khô thường có giá rẻ, cạnh tranh với robusta. Châu Âu nhập khẩu nhiều loại này có thể để thay thế cho robusta từ các nguồn khác như Việt Nam.
Trong năm 2020, tồn kho ECF có lúc xuống mức sâu chỉ 776.219 tấn vào tháng Ba nhưng đến tháng Tám lên mức 926.651 tấn.
Tồn kho cà phê Nhật Bản
Tính đến hết tháng 01/2021, tồn kho cà phê tại các cảng Nhật Bản đạt 168.524 tấn, tăng 3,2% so với 12/2020.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này: sàn arabica New York là 110.130 tấn so với tuần trước là 110.453 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 148.390 tấn so với tuần trước là 145.500 tấn.
Xuất khẩu cà phê Uganda tăng
Cục Phát triển cà phê Uganda cho biết trong 5 tháng đầu niên vụ 2020-2021 tính đến tháng 02/2021, Uganda xuất khẩu 2,3 triệu bao cà phê, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cả
Lo ngại sự cố nghẽn đường tại kênh đào Suez (Ai Cập) làm chuỗi cung ứng cà phê robusta thiếu hàng từ Việt Nam, giá cà phê phái sinh London tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước , lấy lại những gì đã mất các ngày trước đó.
Đóng cửa ngày 26/03/2021, diễn biến và kết quả giá 2 sàn cà phê phái sinh của cả tuần như sau:
-Sàn robusta London tăng 19 chốt tại 1.399 Usd/tấn sau khi chạm mức thấp nhất tính từ 2 tuần trở lại với biên độ dao động cao/thấp nhất là 1.404/1.354 Usd/tấn.
-Từ mức thấp nhất tính từ 5 tuần nay, giá arabica New York lên lại và cả tuần chỉ giảm 0.50 hay âm 11 Usd/tấn xuống mức 128.50 cts/lb trong biên độ dao động 131.40/125.20 cts/lb.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ dao động từ 32,2 đến 33,1 triệu đồng/tấn, giảm nhẹ so với tuần kết thúc ngày 20/03. Đến đầu tuần này, giá cà phê loại này quanh mức 33,1-33,2 triệu đồng/tấn.
Giá chào xuất khẩu cùng loại bên mua +70/+80 Usd/tấn FOB (bao đay), không đổi và mua bán chậm.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 29/03-03/04/2021: Có hướng tích cực.
Cuối tuần trước, giá phái sinh robusta tăng 34 lên chốt tại 1.399 Usd/tấn. Trong kỳ, chuyện xảy ra đáng lưu ý là khi mất 1.371, London đã không ngại tìm về mức thấp (1.354). Tuy nhiên, cũng từ đó, giá lại có trận đảo hướng thú vị: vượt nhanh khỏi vùng kháng cự thấp 1.394-1.397 (1) để lập một vùng khác cao hơn là 1.403-1.406.
Trong những ngày tới, giá London chỉ tích cực với điều kiện qua khỏi và đóng cửa trên 1.406 để tìm vùng cao 1.425. Giá sẽ tích cực hơn nữa khi qua khỏi mức cao này vì bấy giờ lực mua rất sẵn sàng.
Hướng tích cực sẽ bị hóa giải khi sàn London mất và đóng cửa dưới 1.380.
Với tình hình khó khăn của chuỗi cung ứng cà phê hiện nay, mất 19 Usd (từ 1.399 xuống 1.380) là không phải dễ.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Hoạt động chốt giá hàng đã giao vào kho sẽ mạnh?
Lượng tồn kho cà phê khả dụng tại các vùng tiêu thụ lớn trên thế giới nay đạt trên 1,4 triệu tấn. Thật ra, đấy là con số không nhỏ vì trước đây thường nằm quanh mức 1,3 triệu tấn. Hàng cà phê vụ được mùa 2020 của Brazil quá nhiều cộng với đồng nội tệ Brazil mất giá, đã làm đầy các kho cảng tại các nước tiêu thụ. Vả lại, tình trạng thiếu containers rỗng ở Brazil không nặng nề bằng vùng Đông Nam Á vì ở đây bị sức hút mạnh của nguồn hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường tuần qua đang lo ngại hàng tồn kho giảm nhanh khi một khi đứt mạch cung ứng robusta từ Việt Nam. Biết rằng thị trường Châu Âu còn có sẵn một lượng arabica chế biến khô khá lớn nếu thiếu hụt robusta, nhưng trường hợp kênh Suez không thông nhanh, trễ một ngày là tồn kho tại châu Âu lại giảm, gây thêm lo lắng cho các nhà rang xay.
Vả lại, vụ kẹt đường này có thể làm cho giới rang xay quay về lại với cách trữ hàng cũ: bao giờ cũng có sẵn một lượng hàng để hoạt động sản xuất và chế biến trong vòng từ chừng một tháng. Hiện nay, có nhiều nhà máy chủ quan, chỉ trữ một lượng hàng rất nhỏ đủ cho một hay hai tuần.
Dù vậy, hoạt động mua bán hàng thực trên thị trường cà phê nội địa tuần này có thể vẫn trầm lắng vì mua để đưa hàng đi đâu khi giao thông tắc nghẽn và cà phê đầy kho trên lãnh thổ Việt Nam?
Có lẽ cơ hội nhất cho tuần này là người còn hàng ký gởi (chưa bán) nằm trong các kho người mua sẽ được chốt bán. Tuy nhiên, cơ hội sẽ qua nhanh nếu như người bán đua nhau chốt giá. Chốt bán càng tập trung, giá phái sinh càng khó đạt các đỉnh cao như mong muốn. Đó là chưa kể Brazil và Indonesia sẽ bán trước vụ mùa năm nay vì vụ thu hoạch đã cận kề.
Dự kiến giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ tuần này dao động trong khu vực 32,7-33,7 triệu đồng/tấn.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 34