Chính sách tiền tệ mới của Mỹ và thị trường cà phê Việt Nam
Một thời kỳ mới trong chính sách tiền tệ bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà kinh doanh tài chính, trong đó có hai sàn cà phê phái sinh và ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà kinh doanh hàng thực và nông dân, vì đến nay một bộ phận rất lớn đang chịu giá các sàn phái sinh cà phê chi phối.
Không chỉ Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) mà cả đồng nghiệp của họ tại EU hay tại nhiều nước khác đều rục rịch tăng lãi suất không chóng thì chày. Khổ cho người phụ thuộc vào giá hàng hóa thương phẩm là cứ mỗi khi có tin thay đổi lãi suất đâu đó, tâm lý thị trường lại bị cuốn theo một cách thụ động, họ đều chịu các rủi ro về thị trường.
Tổng kết năm 2021, lượng tiền của các quỹ bảo vệ hàng hóa (hay còn gọi là “đầu cơ”) lên đến 4 nghìn tỷ Usd. Tiền như nước! “Nước” lớn như thế thì tạo sóng gì, lúc nào mà không được!
Mới đây, Jeff Currie, giám đốc toàn cầu của bộ phận nghiên cứu hàng hóa thương phẩm thuộc ngân hàng Goldman Sachs cho rằng ông rất tin giá hàng hóa thương phẩm còn đường lên, “tiềm năng hướng tăng còn kéo dài đến cả chục năm” (1). Vay tiền nay không còn dễ, lãi suất ngày càng tăng, nhưng cái nhìn của ông có thể xuất phát từ đánh giá rằng lượng vốn đổ vào kinh doanh hàng hóa còn quá nhỏ so với các lãnh vực đầu tư khác. Tiều rút từ chỗ này sang chỗ khác, như từ cổ phiếu sang hàng hóa thương phẩm chẳng hạn.
Nói vậy để thấy rằng cuộc chiến về thông tin trên thương trường, trong đó có cà phê, sẽ rất phức tạp. Có lẽ phần thắng hay thua không phải do ai khôn ai dại mà thuộc vào nhà kinh doanh tỉnh táo.
Những thất bại trước đây trong kinh doanh cà phê đã xảy ra là: nhà nông và giới kinh doanh hàng thực nhỏ lẻ hay đầu cơ giá lên (mua trước bán sau), người kinh doanh hàng giấy thích đầu cơ giá xuống (bán trước mua sau).
Cho nên, người tham gia thị trường cà phê hiện nay, giả sử như niềm tin của Jeff Currie là đúng đi nữa, nên hết sức tỉnh táo để xem mua cà phê trữ chờ giá lợi nhiều hay hại nhiều, lãi suất đồng Usd càng lúc càng cao thì ai đủ can đảm để ghim hàng lâu dài chờ giá tăng kể cả hàng thực lẫn hàng giấy (tức các hợp đồng chê phái sinh)?
Trên thị trường nội địa, giá cà phê xuất khẩu đang được bán ở mức chênh lệch trừ thấp nhất lịch sử (-450/-500 Usd/tấn Fob). Giả sử như đồng nội tệ của Việt Nam mất giá, liệu người mua có để yên hay là tính ngay vào giá mua bằng cách trừ nhiều hơn…Cũng chính vì thế mà giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ trong thời gian qua khó vượt khỏi 42 triệu đồng/tấn trong khi chiều xuống có vẻ rình rập nhiều hơn.
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 356