Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Hai sàn cà phê lại giảm, giá arabica rớt đậm.
Thị trường cổ phiếu Âu Mỹ đóng cửa có giá rớt thêm một tuần nữa, hai sàn cà phê lớn ghi nhận tuần thứ ba liên tiếp có kết quả cuối tuần rớt đậm dù phiên ngày thứ Sáu 04/03/2022 phục hồi đôi chút. Giới đầu tư tài chính thế giới chưa bớt lo âu với những rủi ro do cuộc chiến Nga-Ukaine mang lại. Cũng có thể họ sợ quá hóa cuồng chăng? Vì thế, giá một số sàn hàng hóa thương phẩm tăng cực mạnh như dầu thô qua mức 115 Usd/thùng khi nghe chính quyền Mỹ dọa ngưng nhập khẩu dầu của Nga như một biện pháp trừng phạt. Đấy là mức cao nhất của mặt hàng quan trọng này tính từ năm 2008. Giá vàng cũng chạm mức 1.976,5 Usd/ounce, thách thức mức cao nhất của mọi thời đại. Chỉ số đồng Usd DXY cũng vụt tăng lên mức cao nhất từ 2020 nay mới thấy. Có lẽ Usd được chọn thêm để trở thành nơi trú ẩn vốn khi giá vàng tăng quá nhanh chăng?
DXY tăng đã đưa giá chỉ số chứng khoán Mỹ mất điểm như Dow Jones và S&P500 giảm cho cả hai 1,3% và Nasdaq giảm 2,8%.
Các lệnh trừng phạt của nhiều nước phương Tây đối với Nga đã khiến cho đồng Rúp Nga giảm mức sâu chưa từng thấy là 30% và ngân hàng trung ương Nga phải tăng lãi suất điều hành đồng Rúp lên 20%! Giá cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Mát-xcơ-va giảm mạnh do giới đầu tư bán tháo mạnh theo tình hình chiến sự.
Chỉ số rổ gồm 19 loại hàng hóa Thomson Reuters/CoreCommodity CRB đến hết tuần kết thúc ngày 04/03 tăng 60,54 điểm hay tăng 24,51% tính từ đầu năm 2022 nhờ giá các nhóm hàng năng lượng, kim loại quý và một số sàn ngũ cốc tăng rất tốt. Hai nước tham chiến cũng là những nước cung cấp một số loại ngũ cốc quan trọng trên thị trường thế giới.
Hai sàn cà phê vốn là những nơi nhạy cảm với những biến động địa chính trị và giá trị đồng Usd, đã có một tuần biến động rất thất thường ngoài tầm kiểm soát của yếu tố cung-cầu. Chính vì vậy, hai sàn robusta và arabica đã bị bán tháo mạnh. Hệ quả dẫn đến là hiệu suất đầu tư tính từ đầu năm 2022 đến 04/03 đã chuyển sang vùng âm với sàn robusta giảm 272 Usd/tấn hay âm 11,77% còn sàn arabica New York mất 1.75 cts/lb hay giảm 0,77%.
Bối cảnh chiến tranh làm giới đầu tư trên các sàn cà phê không đủ can đảm để mua vào mà chỉ có “tháo cược”, lượng hợp đồng mua khống của hai sàn này tuần qua giảm rõ rệt. Dự kiến giao dịch trên hai sàn này còn biến động rất mạnh trong những ngày tới một khi phía trước ngân hàng trung ương nhiều nước tiêu thụ trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang tính chuyện tăng lãi suất điều hành để khống chế lạm phát, vốn là mối quan tâm khác ngoài cuộc chiến đang xảy ra.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tồn kho cà phê đạt chuẩn thay đổi thất thường
Tồn kho đạt chuẩn robusta giảm nhẹ so với lần báo cáo trước, nay đạt 90.870 tấn so với số cũ là 91.080 tấn. Bên sàn arabica, lượng tồn kho lại tăng trong những ngày gần đây, từ 58.834 tấn tuần trước nay lên 60.200 tấn.
Xuất khẩu cà phê tại một số nước
-Việt Nam
Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam trong hai tháng đầu 2022 ước đạt 293.000 tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 35,6% về trị giá, Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công thương cho biết. Các nước nhập khẩu cà phê Việt Nam nhiều nhất trong kỳ là Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Nga, Mỹ và Philippines.
-Colombia
Hiệp hội Cà phê Colombia cho biết xuất khẩu cà phê nước này trong tháng 02/22 đạt 0,98 triệu bao, giảm 5% so với tháng 01/22 nhưng giảm 23,1% so với cùng kỳ 2021.
ICO giúp chuẩn hóa chi phí sản xuất
ICO kết hợp với Hội đồng Đánh giá Sản xuất bền vững định tiến hành hai dự án tại hai quốc gia Mexico và Rwanda để giúp nông dân chuẩn hóa chi phí sản xuất cà phê bằng cách huấn luyện nông dân thu thập thông tin và dữ liệu trong sản xuất. Mục tiêu của hai dự án là để tạo lập các chỉ báo chung trong sản xuất cà phê nhằm sử dụng tại bất kỳ nước sản xuất cà phê nào muốn cung cấp dữ liệu ổn định và đáng tin cậy.
Giá cả
Giá cả thị trường
Như đã nói, giá cà phê không trụ được dù chỉ số CRB nhìn chung vẫn tăng (hình 1-bên trái). Chỉ tính riêng tuần qua, giá cà phê hai sàn phái sinh như sau:
-Giá robusta giảm 140 Usd/tấn hay 6,43% chốt tại 2.038 Usd với biên độ dao động 2.178/2.038.
-Hiệu suất đầu tư trên sàn arabica chia tay với số dương. Sàn arabica giảm 14.40 cts/lb hay 317,50 Usd/tấn trong biên độ 242.60/220.45 cts/lb.
-Các quỹ đầu tư bán xối xả trong tuần khiến chỉ báo RSI9 của cả 2 sàn xuống dưới mức tham chiếu 30% (vào vùng bán quá mức) gồm London còn 23,87% và New York 28,36%
-Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn trên 2 sàn cà phê giảm các hợp đồng mua khống vào ngày khóa sổ hàng tuần 01/03/22 gồm như sau: London giảm 13.458 còn 25.468 hợp đồng và New York giảm 6.923 hợp đồng còn 50.826.
-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ đứng vững giữa trận “bão” giá trên sàn tuần qua quanh mức 40 triệu đồng/tấn trở lên, cuối tuần có người trả 40,3 triệu đồng. Giá cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2 tốt hơn, quanh mức trừ 300 Usd/tấn FOB so với tuần trước -320 Usd/tấn.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 07-12/03/2022: Phiên cuối tuần trước tăng có phải là một khởi đầu của một đợt phục hồi?
Mất vùng hỗ trợ cực kỳ quan trọng 2.159-2.163 như đã trình bày trong bài nhận định trước (*), giá cà phê trượt dài đến 2.010 để đóng cửa phiên gần nhất tại 2.038 Usd/tấn. Đứng tại đây, theo đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có thể thấy rằng:
Xét trong phạm vi phương pháp Fibonacci tính từ điểm xuất phát 1.407 (0,00%), sau khi vượt qua các mức cao, London quay về và trượt khỏi 2.046 (117,00%) theo hướng từ trên xuống và dừng tại 2.010. Phiên thứ sáu 04/03, giá không phá được đáy này mà cũng chỉ dừng tại 2.012 rồi đi lên.
Giả sử vùng 2.010-2.012 nay mai bị phá, khả năng về 1.950 là có thể vì 1.952 chạm tại 100,00% của dãy đang được xem xét.
Hướng ngược lại, nếu muốn tăng, mức 2.046 cần được băng qua để tìm lại vùng 2.100. Nhưng tại khu vực này, rất cần một lần đóng cửa trên khu vực 2.050/2.052 thị trường mới lôi kéo được người mua trở lại.
London đang vào vùng bán quá mức, lượng hợp đồng dư mua tuần trước giảm mạnh. Không những thế, vào ngày thứ tư và năm tuần trước các quỹ đầu tư còn bán tiếp và đến phiên cuối tuần giá phục hồi.
Đường lên 2.100 còn nhiều trở lực. đặc biệt khi lượng tồn kho đạt chuẩn có khuynh hướng tăng và chỉ số DXY tăng mạnh. Tuy nhiên, với vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư giảm quá mạnh, ta có quyền hy vọng các quỹ đầu cơ cần cân bằng vốn trước khi bán đợt khác, nhất là khi hai thị trường cà phê đã làm vật hy sinh cho các sàn năng lượng, kim loại quý và nông sản khác tăng giá tuần trước.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Tác động trực tiếp và lâu lài từ cuộc chiến Nga-Ukraine đối với kinh doanh cà phê.
“…Kết cục của cuộc chiến sẽ đi về đâu, ai sẽ thắng? Cá nhân tôi (Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh) cho rằng cả Nga và Ukraine đều không có bên nào thắng.” (**). Bài này không dám nói về bàn cờ chính trị và quân sự. Nhìn vào riêng thị trường cà phê, người thua thiệt đầu tiên và nặng nề chính là người trồng và các nước xuất khẩu mặt hàng này.
Kể từ ngày tiếng súng nổ tại Ukraine, giá hai sàn cà phê rớt dài. Dĩ nhiên không nên nói đó là nguyên nhân duy nhất nhưng giặc giã tại đó làm tình hình thị trường cà phê đã xấu lại có cớ xấu thêm. Nguyên nhân tức thời là thế nhưng thua thiệt của nhà nông và các nước xuất khẩu dự đoán còn kéo dài kể cả khi tiếng súng chấm dứt. Thử kể một số hệ lụy đối với thị trường cà phê do cuộc chiến này tác động trực tiếp như sau:
1/ Ít ra trong tuần trước, đã có 6 hãng tàu lớn chia sẻ 62% thị phần cước container thế giới ngưng bán cước. Hàng cà phê dự kiến đi Nga và tuyến đường thông qua vùng này đều có lệnh tạm ngưng.
2/ Chi phí bảo hiểm hàng hóa đi vào các vùng biển này đều tăng mạnh do rủi ro chiến tranh khiến khả năng bán hàng giảm mạnh.
3/ Chi phí đầu vào thiết yếu cho sản xuất cà phê tăng cực mạnh. Giá xăng dầu phục vụ tưới tắm và vận chuyển cà phê vượt khỏi khả năng đầu tư, cũng cần kể thêm rằng chi phí phân bón đã tăng gấp bốn đến năm lần thì nay dự báo còn tăng tiếp, như Brazil hàng năm phải nhập khẩu 80% lượng phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón từ Nga và Ukraine. Cuối tuần trước (04/03/22), Bộ Công thương Nga khuyến nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến khi các dịch vụ vận chuyển trong và ngoài nước Nga hoạt động lại bình thường. Đây quả là một quả bom đối với ngành nông nghiệp toàn cầu, đặc biệt với các nước sản xuất nông nghiệp như Việt Nam khi còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn phân bón nhập khẩu, trong đó từ 90-95% diện tích cà phê đang cần phân bón từ các nguồn cung cấp.
Thị trường cà phê vẫn nằm trong tay người mua. Các hãng rang xay có quyền nâng giá bán lẻ nhưng nông dân thì phải gồng mình. Đương nhiên khi quá sức chịu đựng, nông dân cà phê trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không còn sức tái đầu tư, hệ quả đi theo là sản lượng giảm, do nhà vườn bỏ bê chăm sóc.
Trong tuần qua, nhiều nhà xuất khẩu cho biết không thể mua hàng khi giá London về gần 2.000 Usd/tấn dù trả 40 triệu đồng/tấn thậm chí cao hơn nữa. Phản ứng ấy là bình thường, không nên cho đấy là một hình thức “kháng giá”, trữ để chờ bán mức cao hơn.
Đấy là yêu cầu chính đáng của không chỉ với nông dân cà phê Việt Nam mà nhiều nước cung cấp cà phê khác nữa. Một khi giá thành sản xuất dâng cao, giá nhiều mặt hàng nông sản khác đã được nâng lên như lúa mì cao nhất tính từ 2008, ngô (bắp), đậu tương đều được nâng giá. Riêng cà phê tại sao lại chưa?
Nói vậy để thấy rằng dù đã quay lại mức không mong đợi 2.010 Usd/tấn cơ sở tháng 05/2020, giá cà phê London lẫn New York sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp một ngày không xa.
———————————————————–
(*) “Nhận định giá cà phê thế giới từ 28/02-05/03/2022: Giá rớt dài, người trồng cà phê còn lao đao”, Nguyễn Quang Bình, trên “ncif.gov.vn”
(**) “Xung đột Nga-Ukraine: Không bên nào thắng” tại https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 142