(KTSG) – Những biến động gần đây về cung cầu, chuỗi cung ứng và chính sách tiền tệ đã tạo nên một bức tranh sinh động nhưng đầy rủi ro trên các thị trường cà phê.
Hiếm thấy dịp Tết Nguyên đán nào mà thị trường cà phê trong và ngoài nước chao đảo một cách lạ thường như trong kỳ Tết Giáp Thìn này. Chỉ chừng mươi ngày trước và sau Tết, giá cà phê nội địa dao động đến 5 triệu đồng mỗi tấn. Giá cà phê trên các sàn kỳ hạn cũng nhảy nhót tứ tung, khiến giới kinh doanh có khi phải theo “hụt hơi”.
Thấp thỏm chờ hàng ra
“Chưa hề có năm nào mà đến mùng 8 Tết vẫn chưa thể mua bán mở hàng”, chị Châu – một chủ vựa thu mua cà phê có tiếng ở Buôn Ma Thuột – cho hay.
“Tôi đã ‘mớm’ các mức giá mua từ 82 xuống đến 78 triệu đồng/tấn tùy theo giá niêm yết hàng ngày của sàn kỳ hạn robusta London, nhưng hầu hết các lần hỏi đều nhận được câu trả lời ‘không mấy ai chịu bán’, nếu có chăng chỉ vài tấn lèo tèo không đủ để ‘xây cây’ bán cho hợp đồng lớn vài ba trăm tấn chứ chưa dám nói năm bảy trăm tấn như các Tết trước đây”, chị Châu nói.
Dù đã đến lúc nhà máy phải khởi động làm việc, nhiều cơ sở chế biến tại tỉnh Gia Lai và nhiều nơi khác đành cho công nhân nghỉ thêm ngày sau đợt nghỉ Tết… vì không nhập đủ nguyên liệu.
Nhiều cơ sở thu mua muốn mua vào một ít cà phê để mở hàng lấy hên đầu năm, nhưng có người đến gần chục ngày sau Tết Giáp Thìn vẫn chưa nhập được hột nào. Người mua thường có tâm lý ít khi tin đến chuyện mất mùa, nhưng nay đã sinh nghi và đi đến khẳng định “mất mùa là chuyện có thật” như trường hợp chị Châu ở ngay thủ phủ cà phê trên Tây Nguyên.
Điều khó lý giải là xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 1-2024 đạt 230.000 tấn, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2023(1), và nếu tính gộp bốn tháng đầu niên vụ 2023-2024, cả nước đã xuất đi chừng 600.000 tấn trong tổng ước tính sản lượng niên vụ này chừng 1,5-1,6 triệu tấn.
Các con số xuất khẩu trên không hề nhỏ. Nhưng hàng ra bao nhiêu, thị trường “ngốn” nhanh bấy nhiêu đến nỗi trong các kho tại các vùng sản xuất hầu như trống trơn, nên cũng rất khó để gán ghép rằng nhà vườn giữ chặt hàng không bán chờ giá tăng. Sự hấp thu hàng hóa vào tay nhà kinh doanh như “gió vào nhà trống”, tan biến cực nhanh, hàng đi bao giờ, đi đâu chẳng ai kịp thấy để lý giải, nên nhà vườn đành phải bị hàm oan “ém hàng” cho đến tận sau Tết cũng là điều dễ hiểu trên thị trường.
Vì sao giá biến động mạnh?
Cuộc chiến tại Trung Đông lan rộng đến các nước quanh Biển Đỏ, nơi có tuyến vận tải biển huyết mạch từ Đông sang Tây và ngược lại, là kênh đào Suez. Thỉnh thoảng quân Houthi tấn công một vài tàu hàng qua lại đủ khiến cả chục hãng vận tải biển lớn nhất phải tránh xa vùng chiến sự này để theo đường vòng xa hơn, xuống mũi Hảo Vọng với giá cước cao hơn và hải trình dài hơn.
Do đó, cà phê từ các nước Đông Nam Á đến các cơ sở chế biến tại các nước tiêu thụ ở châu Âu phải trễ vài tuần nếu không muốn nói có thể bị bỏ lại đâu đó tại các cảng trung chuyển do tải trọng nặng (20-21 tấn/container). Các hãng chế biến không còn cách nào khác là phải sử dụng tồn kho thay thế khi chuỗi cung ứng cà phê đang gặp trục trặc lớn do rủi ro vì yếu tố địa chính trị này.
Tồn kho tại các nước tiêu thụ lớn giảm rõ. Tính đến hết tháng 12-2023, lượng tồn kho cà phê khả dụng tại châu Âu chỉ còn 7,28 triệu bao (bao = 60 ki lô gam), giảm đến 43,3% so với cùng kỳ năm trước đó, theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Cà phê châu Âu (ECF). Riêng cà phê robusta giảm đến 47,2% từ 4,56 triệu bao xuống còn 2,41 triệu bao trong cùng kỳ, theo bản báo cáo nói trên.
Chính sự trễ nải này khiến tồn kho khả dụng giảm, và nhiều cơ sở chế biến ở đó phải chạy đến kho thuộc sàn robusta London để mua hàng về rang xay. Tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc quyền quản lý của sàn London cũng giảm hơn một nửa tính từ cuối niên vụ trước, từ mức 42.780 tấn hôm 28-9-2023 xuống còn 20.090 tấn hôm 15-2-2024. Ngay cả ở Nhật Bản, nước nhập khẩu không chịu ảnh hưởng của kênh đào Suez nếu mua từ Việt Nam và Indonesia, hàng hóa trong kho đến hết tháng 11-2023 chỉ còn 2,37 triệu bao, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, thị trường không ngạc nhiên khi Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) báo xuất khẩu cà phê toàn cầu bốn tháng đầu niên vụ (tính đến hết tháng 1-2024) tăng 6,8% đạt 32,419 triệu bao nhưng do nhu cầu tiêu thụ cà phê ngay và trực tiếp của các cơ sở chế biến đã khiến cà phê vừa đến nơi là không kịp nhập kho mà đi thẳng đến nhà máy.
Nhu cầu cần kíp của các hãng chế biến đã đẩy giá kỳ hạn cà phê robusta tháng 5-2024 tăng lên các mức cao từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Giá London từ mức thấp 2.678 đô la Mỹ/tấn lập ngày 3-1-2024 nhảy lên 3.241 đô la/tấn vào ngày 12-2 vừa qua, tăng 563 đô la/tấn chỉ trong vòng năm tuần.
Giá cà phê còn biến động phức tạp
Tuy vậy, sau khi chạm đỉnh 3.241 đô la đúng ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn, giá kỳ hạn robusta đã tuột nhanh về 3.069 đô la để rồi đóng cửa ngày 16-2-2024 ở mức 3.141 đô la/tấn, giảm so với đỉnh gần nhất đến 100 đô la/tấn.
Thị trường cà phê hiện nay đang đứng trước hai lực đối kháng: một bên là nhu cầu tiêu thụ và trục trặc chuỗi cung ứng do ách tắc tại kênh đào Suez, một bên là chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước châu Âu.
Rất nhiều quỹ đầu tư tài chính đã từng kỳ vọng ngân hàng trung ương các nước sẽ hạ lãi suất sớm nên đã bung tiền ra mua, quyết một phen ăn thua nương theo tình hình bất ổn trong chuỗi cung ứng cà phê, thì nay họ không còn tin mình đoán đúng: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Liên minh châu Âu (ECB) đã cho thấy ý định giãn ngày hạ lãi suất xa hơn và vẫn neo lãi suất ở mức cao. Điều đó cũng có nghĩa rằng những người đã từng đặt cược vào sàn cà phê phải rút lui một hay toàn phần “tồn kho” hàng giấy vì chi phí tài chính làm họ “chịu không xuể”.
Cho nên, thị trường từng chứng kiến một đợt bán tháo mạnh trên sàn robusta ngay sau ngày đạt đỉnh, ngọn 3.241 đô la bị cắt xuống còn 3.069 đô la/tấn nhưng rồi lại phục hồi lên 3.141 đô la/tấn khi đóng cửa ngày 16-2-2024.
Ngoài hai yếu tố trên, thị trường cà phê sẽ còn rung lắc nhiều nữa với thời tiết đỏng đảnh tại các vùng cà phê arabica Brazil. Do hàng từ Đông Nam Á xuất đi khá hạn chế, niềm hy vọng còn lại chỉ còn từ Brazil. Một khi có tin thời tiết các vùng trồng cà phê thuận lợi hay bất lợi, giá cà phê sẽ chuyển hướng giảm hay tăng thất thường.
Tùy vào sự kết hợp thuận hay nghịch chiều, xảy ra ngẫu nhiên hay được giới đầu tư sắp xếp, giữa tin thời tiết Brazil với các yếu tố địa chính trị và chính sách tiền tệ như đã nói, thị trường ắt còn chứng kiến những ngày giao dịch với giá dao động cực đoan tăng giảm cả trăm đô la trong một ngày khiến giới phân tích khó lòng đoán được hướng giá trong những ngày tháng tới.
NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên TC KTSG bản in và online số Tân niên Giáp Thìn 22-2-2024
(1) https://thesaigontimes.vn/luong-ca-phe-xuat-khau-trong-thang-mot-tang-gap-doi-cung-ky/
Hits: 352