Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 20/03/2017 tới 25/03/2017

thitruongcaphe.net

 

Diễn biến thị trường từ 13/03/17 tới 18/03/17:  Thị trường cà phê trong tuần không chịu tác động mạnh từ  quyết định tăng lãi suất đồng USD của Fed.  

Cục dự trữ liên bang Hoa kỳ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất tiền vay đồng Usd thêm 0,25%, nhưng giá cà phê trên cả hai sàn London và New York vẫn tăng nhẹ, không như lần chờ đợi năm ngoái khi giá kỳ hạn cà phê robusta có lúc xuống dưới 1.400 Usd/tấn và arabica quanh 115 cts/lb.

Giao dịch trên hai sàn kỳ hạn cà phê vẫn ở mức giá cao dù khối lượng mua bán khá cầm chừng. Mức tăng nhẹ trên hai sàn cà phê sau một tuần với robusta tăng 14 Usd chốt 2184 Usd/tấn và arabica tăng 0.70 cts/lb đóng cửa tại 142.05 cts/lb ngay trong những ngày thị trường biết tin Fed tăng lãi suất đồng Usd là một “hiện tượng lạ”. Thường khi đồng Usd tăng giá, chi phí tài chính cao hơn, người còn tồn kho lớn phải bán bớt để hạ phí tổn, nên giá hàng hóa xuống. Nhưng nay sàn cà phê thể hiện ngược lại. Phải chăng các nhà kinh doanh cà phê đã “cấy” yếu tố này trong giá? Nay giá cà phê tạm thời không còn lo lắng với yếu tố tiền tệ. Giá kỳ hạn hiện nay được cho là đang phản ánh khá trung thực của các yếu tố cung cầu, khi nguồn cung từ Brazil bị thắt chặt hơn bất chấp giá đồng Real của họ giảm nhẹ so với đồng USD. Cái đáng lo nhất của thị trường tuần qua là khối lượng giao dịch cả hàng thực lẫn hàng giấy rất hạn chế.

Dự báo tuần này (20/03/17 tới 25/03/17): Mua bán hàng thực sẽ chậm

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết mua bán hàng thực rất yếu, hàng hóa ít di chuyển tay sang tay. Tồn kho cà phê khả dụng tại các nước tiêu thụ truyền thống vẫn còn lớn. Theo con số mới nhất có được, lượng cà phê được kiểm đếm trong các kho cảng tại châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật bản đang còn chừng 1,3 triệu tấn nếu cộng thêm 0,2 triệu đang trên đường trung chuyển, tồn kho khả dụng lên đến 1,5 triệu bao, chưa có dấu hiệu thiếu hụt.

Phải chăng vì thế mà tuần qua giao dịch hàng thực thông qua các hợp đồng xuất khẩu tại các nước lớn như Brazil, Colombia và cả Việt Nam khá trầm vắng?

Trong khi đó các quỹ đầu tư trên sàn kỳ hạn vẫn chưa xông xáo mua để làm lực đẩy thanh khoản hàng thực. Về kỹ thuật, giá kỳ hạn arabica vẫn vòng vo quanh mức 140-144 cts/lb mà không chịu vượt 148.80 cts/lb, mức bình quân động 200 ngày. Tại sàn kỳ hạn robusta, sau khi đạt mức cao trong tuần là 2202 Usd/tấn vào ngày 16/03, giá quay về mức thấp bỏ lỡ cơ hội lên 2218 Usd/tấn để vượt mức cao hơn là 2279 Usd/tấn. Sàn robusta sẽ tỏ rõ phương hướng tăng hay giảm khi có giá đóng cửa vượt khỏi khung 2218 và 2093, là các mức đóng cửa cao nhất và thấp nhất trước đây.

Nên chăng cần nhận định rằng khi Fed tăng lãi suất đồng Usd, các quỹ đầu tư và kinh doanh không bán ra mạnh (nên giá không giảm), nhưng cũng chưa dám mua vào nhiều nên thị trường vắng lặng.

Thị trường cà phê trong nước: Giá nội địa cao do mua bán lòng vòng

Trong tuần có lúc giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào mua ở mức 48 triệu đồng/tấn và giá cà phê nguyên liệu chạm mức 47,4 triệu đồng/tấn khi giá kỳ hạn robusta London chạm đỉnh 2202 Usd/tấn.

Dù có lúc các sàn kỳ hạn chịu áp lực tâm lý với quyết định tăng lãi suất đồng Usd, giá cà phê nội địa không suy giảm mà quanh mức cao 47,3-48 triệu đồng/tấn giao hàng tại các kho quanh thành phố Hồ Chí Minh, cao hơn tuần trước 0,5 triệu đồng.

Giá trong nước tăng trong khi lượng hợp đồng xuất khẩu ít. Phải chăng do mua bán vòng vo trong nước, đẩy giá cà phê nội địa tăng, cản trở hai bên nhà xuất khẩu và nhập khẩu gặp nhau?

Tình trạng này đã từng gặp ở các năm trước khi các nhà đầu cơ hàng thực trong nước mua bán với nhau đẩy giá nội địa cao, hàng xuất khẩu ký rồi không có đủ hàng mua giao, các doanh nghiệp xuất khẩu phải mua hàng trong thua lỗ. Đó là thời cơ để cho những nhà đầu cơ hàng thực nước ngoài đang “nhốt” một lượng hàng cực lớn tại các kho trong nước, tung cà phê ngược lại vào thị trường nội địa để kiếm lời nhờ chênh lệch giá “nội với ngoại”.

Đấy chính là cái bẫy ngụy tạo của cung-cầu và giá hàng thực hiện nay đối với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng giá lại có lợi cho người còn giữ hàng thực.

Tình hình tuần này vẫn chưa thể thay đổi nên giá nội địa vẫn chênh vênh ở mức cao như tuần trước ở khu vực 47-48 triệu đồng/tấn.

Trích nguồn:NCIF, http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=19498
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 573