Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 14/08/2017 tới 19/08/2017

Diễn biến thị trường từ 07/08/17 đến 12/08/17: Giá về lại mức ban đầu sau nhiều đợt chao đảo giữa tuần.

Thị trường xuất khẩu hàng thực khá sôi động tại Brazil, nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới, nhưng khá yên ắng tại Việt Nam, nước xuất khẩu robusta hàng đầu. Trong khi đó, giá trên hai sàn kỳ hạn trong tuần tăng/giảm hết sức thất thường nhưng giá đóng cửa phiên cuối tuần lại trở về thế cân bằng so với tuần trước đó.

Hình 1: Diễn biến giá kỳ hạn cà phê robusta

Thật vậy, trên sàn kỳ hạn arabica New York, giá ngày 10-8 rớt thảm hại, cơ sở tháng giao dịch chính hiện nay 12/17 đóng cửa ở mức thấp nhất tính từ 02/08. Tuy nhiên ngày cuối tuần giá arabica phục hồi lại đôi chút và đóng cửa tại 143.85 cts/lb, dư sức so kè với mức đóng cửa cách đấy bảy ngày là 143.70 cts/lb.

Sàn kỳ hạn robusta London tạo nên những tình huống “thót tim” hơn. Có lúc giá dâng cao lên 2173 Usd/tấn như trong ngày 08/08 để đóng cửa mức 2157 Usd/tấn, nhưng chỉ vài ngày tiếp sau đó thị trường chứng kiến một cú “sập sàn”, có lúc chạm 2075 Usd/tấn cơ sở tháng 11/2017. Đó cũng là mức thấp nhất tính từ 25-7. Nhưng cũng từ đấy giá robusta trỗi dậy và tăng mức cao trong ngày là 2137 Usd/tấn để cuối tuần chốt 2133 Usd/tấn, ngang bằng với giá đóng cửa một tuần trước đó (xem hình 1).

Dự báo tuần này (14/08/17 tới 19/08/07/17): Dù tăng mạnh hay nhẹ, giá robusta vẫn bị “nhốt” trong khung dao động 100 Usd.

Hình 2: Đồ thị kỹ thuật sàn kỳ hạn arabica New York

Trong khi chưa có tin gì mới lạ từ phía cung-cầu, giới kinh doanh cà phê tin rằng thị trường đang chịu xúc tác từ yếu tố tiền tệ và dòng vốn trên thị trường tài chính nhiều hơn.

Chỉ số đồng Usd Mỹ vẫn giao dịch ở trong khu vực thấp. Đóng cửa ngày 11/08 chỉ số Usd chốt tại mức 92,95 điểm, mức thấp của 14 tháng trước. Trên sàn kỳ hạn arabica, các quỹ đầu tư tiếp tục giảm lượng dư bán bằng cách mua bù, hiện tượng này giúp giá arabica còn hy vọng theo chiều hướng tăng. Thậtt vậy, tính đến ngày 08/08/17, lượng dư bán của giới đầu tư trên sàn New York chỉ còn 4.560 lô tức 77.702 tấn, giảm 10.175 lô so với báo cáo trước đó và giảm gần 10 lần so với mức kỷ lục là 42.454 lô hay 723.416 tấn!

Đợt giảm mạnh trong tuần xuống chốt đóng cửa mức 142 cts/lb liệu là một đợt chỉnh tạm thời sau một đợt tăng nóng? Phiên cuối tuần giá lên lại 143.85 cts/lb, xét trước mắt đà giảm chưa mất vì mức bình quân động (BQĐ) 5 ngày của sàn arabica ờ 144.75 và 200 ngày là 148.55 cts/lb (hình 2). Sàn New York đang chờ thái độ tăng tiếp hay giảm nữa trong phiên ngày thứ Hai 14/08/17.

Hình 3: Đồ thị kỹ thuật sàn kỳ hạn robusta London

Bên sàn robusta, thị trường hàng thực tại Việt Nam càng lặng gió bao nhiêu, trên sàn kỳ hạn London càng nổi sóng bấy nhiêu. Thật vậy, thời gian gần đây, các đợt sóng tăng giảm mạnh với mật độ dày đặc với vài ba ngày giá rớt sâu, vài ba ngày sau đảo chiều tăng mạnh (xem hình 3 với sóng tăng các đường kẽ màu xanh và sóng giảm kẽ màu hồng).

Về kỹ thuật, khi không vượt nổi 2177 Usd/tấn ngày 08/08, giá kỳ hạn robusta trào xuống 2075 Usd/tấn ngày 11/08. Nhưng nhờ sức mua trên sàn, giá ngay trong phiên này đã bật ngược trở lại. Đấy là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên cũng cần thận trọng vì giá đóng cửa cuối tuần nằm ngay mức bình quân động 5 ngày là 2133 Usd/tấn dù mức ấy nằm cao trên đường BQĐ 100 ngày (2084) và 200 ngày 2123.

Đối với sàn London, mức kháng cự mạnh trong tuần này ở khu vực 2170-2175. Diễn biến chung trong tuần trước vẫn chưa tạo hướng tăng giảm mạnh, giá London vẫn bị “vây” trong khu vực 2077-2177 (hình 2).

Thị trường cà phê trong nước

Giá kỳ hạn lên xuống thất thường, thị trường nội địa dao động khá dữ dội: có ngày giảm 1 triệu nhưng ngày hôm sau tăng lại 1 triệu đồng/tấn, để cuối tuần giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ gần chạm mức 46 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê nội địa muốn tìm cơ hội vượt cao hơn mức ấy như 47 triệu đồng/tấn chẳng hạn, nhưng xem ra khó lòng. Vì sao? Giá kỳ hạn tăng giảm thất thường giữa một thị trường ít người mua bán hàng thực do sợ rủi ro, mặt khác thông tin trên thị trường báo rằng nhiều đại lý thu mua tại một số nơi đã bán khống mức trừ 145 Usd/tấn giao hàng tháng 12/17 cơ sở giá tháng 01/18, thậm chí người bán chịu tiền quỵ 10% trước để được quyền chốt giá sớm!

Bán ở mức thấp ấy phần nào làm tiêu tan hy vọng cho những ai mong giá lên 47 triệu đồng/tấn. Nếu có chăng, giá kỳ hạn phải vượt khỏi 2250 Usd/tấn mới chạm được giá kỳ vọng 47 triệu đồng/tấn. Mà mức 2250 Usd/tấn đang còn nằm xa ở phía chân trời!

NGUYỄN QUANG BÌNH, với NCIF

Hits: 95