Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 13/11/2017 tới 18/11/2017

Diễn biến thị trường từ 06-11/11/2017:  Giá cà phê robusta tiếp tục suy yếu

Hình 1

Diễn biến trên hai sàn kỳ hạn tuần trước nghịch chiều nhau thấy rõ. Trong khi giá kỳ hạn arabica New York, nơi các nước xuất khẩu như Brazil, Colombia và vùng Trung Mỹ thường dùng làm tham chiếu, có hướng tăng.

Chốt phiên ngày cuối tuần trước 10/11/17, giá arabica New York cơ sở giao dịch tháng 03/18 đạt 130.90 cts/lb, tăng 3.40 cts/lb hay 75 Usd/tấn so với tuần kết thúc tại ngày 03/11.

Trong khi đó, giá kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường lấy làm cơ sở tham khảo giảm 40 Usd/tấn so với một tuần giao dịch trước để chốt mức 1816 Usd/tấn.

Điều đáng lưu ý là giá kỳ hạn London trong tuần đã có lúc rớt xuống mức 1799  Usd/tấn, mức thấp nhất tính từ 14 tháng nay.

Cấu trúc “vắt giá” trên sàn robusta cũng bớt nóng. Nếu như tuần trước, giá tháng 11/17 cao hơn tháng 03/18 đến 110 Usd/tấn thì đến cuối tuần trước chỉ còn 67 Usd/tấn (xem hình 1). Phải chăng khi giá niêm yết các tháng liên quan càng tăng, thì độ giãn hay chênh lệch càng rộng, khi cấu trúc này co lại, giá niêm yết trên sàn có khuynh hướng thấp hơn?

Đúng là một khi hiện tượng “vắt giá” xảy ra, thường được thị trường hiểu do tình trạng thiếu hàng cục bộ. Đến kỳ giao hàng, người cần hàng giao phải mua bằng mọi giá để thực hiện hợp đồng. Yếu tố này giúp giá niêm yết trên sàn tăng nhờ người có hàng bán “siết” được người mua với giá cao.

Giá cà phê trong nước tuần qua đi cùng nhịp với giá kỳ hạn, xuống mức sâu tính từ đầu niên vụ đến nay. Giá giao về các kho quanh TPHCM  chỉ còn từ 38,5-39 triệu đồng/tấn, giảm so với tuần trước đó từ 0,5-1 triệu đồng/tấn.

Dự báo tuần này (13 tới 18/11/17): Các quỹ đầu tư khống chế giá trên sàn

Hình 2

Tuy không còn áp lực chốt giá bán các hợp đồng giao hàng thực (forward contracts) của tháng 11/17, giá kỳ hạn trên sàn robusta chưa ngừng giảm. Thêm một tuần nữa, sàn London từ chối sự hỗ trợ của sàn New York dù rất nhiều khi trong những diễn biến bình thường, London vẫn nương theo sàn arabica.

Thật vậy, đồ thị tại Hình 2 cho thấy rõ rằng trong 12 ngày giao dịch gần nhất, sàn London chỉ có 2 ngày có giá tăng. Đợt giảm bắt đầu từ ngày 26-30/10 được cho là do áp lực chốt bán hàng thực cơ sở tháng 11/17. Những tưởng sức ép ấy chóng qua. Nhưng không! Sau ngày 02/11, là phiên giao dịch có giá hồi phục mạnh, sàn London tiếp tục giảm sâu với 5 trong 6 ngày có giá giảm.

Khi chạm mức thấp 1800 rồi 1799, giá hai ngày cuối tuần trước vươn lên lại. Thị trường đang lo rằng nếu như một lúc nào đó sàn London quay về đóng cửa dưới các mức này, đó là dấu hiệu cho một đợt xuống sâu hơn 1770/1750 hay thậm chí 1720.

Cơ hội phục hồi cho sàn này chỉ khi giá tăng mạnh vượt và đóng cửa trên mức 1871 Usd/tấn là đỉnh giao dịch gần nhất (xem hình 2).

So sánh giữa tăng và giảm, đường tăng xem ra khó nhọc hơn vì sàn đã lìa xa các đường bình quân động quan trọng. Cuối tuần trước, giá robusta London chốt tại 1816 Usd/tấn được cho là tiêu cực.

Thị trường cà phê trong nước: Tìm một làn sóng mua, giá cà phê nội địa mới tăng.

Siêu bão số 12 qua đi, nắng đã quay lại trên các vùng cà phê Tây nguyên. Tuy nhiên, khi sân phơi chưa kịp ráo, đã có tin cơn bão 13 mang tên Haikui đang tiến vào các tỉnh ven biển Miền Trung Việt Nam và rất có khả năng chuyển thành áp thấp nhiệt đới gây mưa kéo dài. Lại thêm một nỗi lo nữa vì cà phê nhiều vùng đã quá già, cần nhanh chóng thu hoạch để tránh bị ảnh hưởng xấu về chất lượng do khí hậu ẩm ướt.

Cà phê lưu chuyển trên thị trường chưa mạnh do yếu tố thời tiết. Đồng thời gặp phải lúc giá kỳ hạn xuống, nên tâm lý “đợi chờ” khá phổ biến trong người sản xuất.

Đến ngày 12/11/18, giá cà phê nhiều nơi tại Tây nguyên quanh mức 38,5-39 triệu đồng/tấn.

Giữa nhu cầu giao hàng chưa nhiều cộng với áp lực bán khống của các quỹ đầu cơ tài chính, giá cà phê trên thị trường trong nước khó trụ lại ở mức hiện nay.

Trừ phi có một đợt mua vào hoặc từ nhu cầu “ăn hàng” của các nhà nhập khẩu lớn hoặc từ các bộ phận dân cư mua cà phê trữ như là một kênh đầu tư, giá nội địa mới có điều kiện ngừng rớt hay tăng lại.

Từ góc nhìn ấy, giá cà phê nội địa tuần này có thể quanh mức từ 38-40 triệu đồng/tấn, nhưng chắc nghiêng về phía thấp.

NGUYỄN QUANG BÌNH TRÊN NCIF

Hits: 51