Dữ kiện quan trọng của thị trường cà phê 2017.
Giá cà phê cả hai sàn kỳ hạn năm 2017 đều giảm. Đóng cửa phiên cuối năm vào ngày 29/12/17 sàn kỳ hạn robusta London chốt 1718 Usd/tấn và arabica New York đứng tại 126.20 cts/lb, so với đầu năm giá robusta mất 20% và arabica 26%.
Giá cà phê nội địa tại Tây nguyên, vùng cung ứng trọng điểm của cả nước, có mức cao nhất là 47 triệu đồng và thấp nhất 35 triệu đồng, mất giữa đỉnh và đáy 12 triệu đồng/tấn. Giá cà phê nội địa dịp nghỉ đầu năm dương lịch 2018 ở mức 36-37 triệu đồng/tấn, ở vùng thấp so với trong năm 2017.
Vào những ngày cuối năm 2017 giá hai sàn kỳ hạn có phục hồi, nhưng vẫn ở mức thấp: chốt cuối năm robusta ở 1718 so với đỉnh-đáy là 2269-1676 Usd/tấn và arabica 126.20 gồm đỉnh-đáy 157.00-118.30 cts/lb (xem hình 1).
Tồn kho cà phê tại các cảng của 3 khối nước tiêu thụ tính theo thống kê mới nhất cho năm 2017 là 1,252 triệu tấn. Nếu tính luôn cà phê đang trên đường trung chuyển đến các cơ sở chế biến là 0,25 triệu tấn, các nước tiêu thụ đang có trong tay chừng 1,5 triệu tấn cà phê tương đương với 4 tháng hàng cần cho sản xuất và chế biến (xem hình 1)
Giá cách biệt giữa hai sàn arabica với robusta đo được ngày cuối năm là 48.26 cts/lb hay 1063 Usd/tấn. Chỉ số này mới đây tăng có lợi cho robusta phần nào, nhưng vẫn chưa đủ vì mức chênh lệch để các hãng công nghiệp thực phẩm chế biến xem xét quay lại mua robusta phải ở mức 1400 Usd/tấn. Chỉ số giá cách biệt được hiểu là biểu thị tính cạnh tranh cho giá của hai loại cà phê. Giá robusta được cho là mắc nếu giá cách biệt dưới 1400 Usd và rẻ nếu trên mức ấy.
Các quỹ đầu tư trên hai sàn kỳ hạn cà phê đều ở vị thế dư bán. Thời điểm cuối năm 2017, các nhà đầu tư còn giữ lượng dư bán trên sàn arabica lượng cao kỷ lục với trên 58.000 lô hay gần 1 triệu tấn và robusta quanh mức 250.000 tấn.
Chính vì vậy, giá kỳ hạn cà phê cuối năm 2017 yếu do chịu sức ép bán từ hai phía: các nước sản xuất và các quỹ đầu tư trên sàn.
Dự báo tuần đầu năm 2018 (01/01 tới 06/01/18): Kỹ thuật sàn robusta còn yếu nhưng vẫn có cơ hội.
Sau khi sụp xuống mức thấp nhất 1676 Usd/tấn vào giữa tháng 12/17, giá kỳ hạn robusta đi vào thế tích lũy. Đã có lúc giá sàn này cố vượt lên 1750 nhưng hai lần phải dừng ở 1.744 Usd/tấn. Hoạt động tích lũy nằm ở khu vực trên 1700 Usd là chủ yếu. Nên, có thể thấy rất rõ rằng khung dao động cho thời gian tới: khu vực hẹp 1700-1745 và khu vực rộng 1676-1745.
Một khi vượt khỏi 1745, giá kỳ hạn London sẽ tìm cách lên 1770, đỉnh của ngày 30/11/17. Nếu như xuống khỏi 1700, giá sàn này tìm cách về 1676 và nếu tệ hơn chạm và xuống khỏi 1676 thì có thể tạo đà đi “vùng sâu vùng xa” 1600 Usd/tấn là rất có thể.
Xét từ một phía khác, chỉ cần sàn London qua khỏi 1722 là mức bình quân động 20 ngày, giá tìm cách lên 1786 của bình quân động 50 ngày. Nếu cơ hội xảy ra trong tuần này, có thể 1786 là điểm kỳ vọng cao nhất trong tuần đầu năm 2018.
Thị trường cà phê trong nước: Cơ hội tăng thì có nhưng không mạnh
Tổng cục Thống kê cho biết xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 1,42 triệu tấn, giảm 20% so với năm 2016.
Xuất khẩu giảm gặp giá trong chu kỳ giảm, điều này cho thấy rằng ảnh hưởng của yếu tố cung-cầu lên giá kỳ hạn là không đáng kể so với các tác động khác như chính sách tiền tệ các nước nhất là đồng Usd, luồng vốn phân cho các sàn hàng hóa khác có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Hướng giá trong những tháng đầu năm 2018 có tăng lại hay không còn phụ thuộc các yếu tố giá trị đồng Usd có tiếp tục yếu hay không, giá dầu thô và kim loại có hấp dẫn để hút bớt vốn từ các sàn cà phê hay không.
Một điều hy vọng cho giá cà phê ở tuần đầu năm 2018 là các quỹ đầu tư tài chính trên sàn arabica New York đang có lượng dư bán cao kỷ lục. Theo lẽ thường, họ phải giải phóng bớt vị thế bán bằng cách mua bù. Nhờ vậy, giá sàn này sẽ tăng. Hy vọng khi giá sàn arabica lên, sàn robusta được nhờ.
Lấy cơ sở giá cuối năm 2017 ở mức 36-37 triệu đồng/tấn, nếu như sàn robusta chịu đi chung đường tăng với sàn arabica, hy vọng sẽ có cơ hội lên 37,5 triệu đồng/tấn. Sở dĩ không thể dự đoán lên cao hơn vì sức ép bán cà phê vụ mới 2017/18 đang còn lớn trong khi lực mua của các nhà nhập khẩu đang hết sức cầm chừng.
Nếu vì lý do gì đấy mà để vuột cơ hội, giá cà phê nội địa vẫn phải lẩn quẩn tại khu vực 35-36 triệu đồng mỗi tấn.
Tóm lại, khả năng giá nội địa tăng mạnh trong giai đoạn này là rất khiêm nhường.
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF
Hits: 43