Nhận định giá cà phê thế giới từ 24-29/08/2020: Hai sàn cà phê phái sinh muốn dìu nhau lên?

Diễn biến thị trường cà phê tuần 17-22/08/2020: Giá phái sinh cà phê theo đường lên

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch tháng 11 trên sàn robusta và 12/2020 trên sàn arabica) 

Bối cảnh thị trường

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gây xáo trộn tâm lý của giới đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu. Với công bố của chính quyền Mỹ ngày 20/05/2020 “Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc đã trở thành một cuộc cạnh tranh mang tính “chiến lược” khi Mỹ cho rằng nỗ lực phát triển của Trung Quốc trong suốt 40 năm qua đang đe dọa nền kinh tế, các giá trị và an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh. Giới đầu tư cho rằng qua rồi cái thời “trăng mật” của Mỹ với Trung Quốc, mối quan hệ song phương này khó quay lại bình thường trong giai đoạn hiện nay.

TT Mỹ tuyên bố dừng mọi đàm phán thương mại với Trung Quốc khiến cho quản lý khủng hoảng cả y tế lẫn kinh tế của hai nước càng gay go, gây ảnh hưởng không tốt đến các nước khác.

Mặt khác, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ-Trung Quốc được Mỹ đánh giá chưa đạt “chỉ tiêu”. Hiện vẫn còn 200 tỷ Usd cam kết theo đó Trung Quốc mua hàng và dịch vụ từ Mỹ cần phải hoàn thành trong hai năm 2020-2021. Riêng năm nay, thống kê hai bên cho rằng Trung Quốc chưa đạt 25% chỉ tiêu mua hàng Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắn tiếng sẽ tìm cách nối lại đàm phán với Mỹ dù còn quá nhiều khác biệt “cốt lõi”.

Tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát hành báo cáo cho phiên họp cuối tháng 07/2020. Theo đó, Fed đánh giá dịch Covid-19 còn ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến nền kinh tế Mỹ, công ăn việc làm của dân chúng. Fed cam kết tiếp tục đồng hành và áp dụng chính sách tiền tệ một cách uyển chuyển theo sát những thay đổi tiêu cực ấy. Với cách nói đó, giới đầu tư tin rằng Fed còn đưa ra các gói hỗ trợ tài chính khác. Dựa dòng vốn đồi dào trên thị trường, chỉ số giá chứng khoán S&P500 đóng cửa cuối tuần trước lên mức cao kỷ lục lịch sử (hình 1-bên trái).

Trong khi đó, báo cáo tăng trưởng kinh tế nhiều nước châu Á vẽ ra các bức tranh ảm đạm. Trong quý 2/2020, Malaysia giảm 17,1%, Singapore giảm 42,9% và Nhật Bản giảm 7,8% so với quý 1/2020.

Chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) tuần trước dội xuống mức thấp 92,11 điểm nhưng rồi lại phục hồi. Thị trường tin rằng hiện tượng bán tháo đồng Usd đang dừng lại và theo hướng tăng khi các nỗ lực phá đường biên 92 điểm của DXY không thành. Giá trị đồng Brl lao đao với mức đóng cửa cuối tuần trước thấp nhất từ nhiều ngày nay.

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

-Tồn kho cà phê giảm.

Tính đến 21/08/2020, tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York là 80.250 tấn, mức thấp nhất tính từ hơn 42 tuần. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 109.450 tấn là mức thấp nhất tính từ 21 tuần nay.

Đến hết tháng 07/2020, tồn kho cà phê khả dụng thuộc quyền quản lý của Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ (GCA) đạt 423.261 tấn, giảm 0,1% so với tháng 06/2020 và giảm 0,63% so với cùng kỳ 2019.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn là cà phê được các sàn công nhận đủ điều kiện đấu giá. Tồn kho này giảm đã thực sự giúp giá tăng và gây áp lực “vắt giá” trên cà 2 sàn hiện nay.

Tồn kho cà phê khả dụng là cà phê được sử dụng để lưu chuyển đến các đầu mối tiêu thụ.

Thời tiết tại vùng cà phê các nước

Thời tiết tại các vùng trồng cà phê Việt Nam mưa nắng đan xen, thuận lợi. Tuy nhiên, dù giữa mùa mưa, mực nước ao hồ nhiều vùng giảm.

Tại Brazil, nền nhiệt độ nâng dần, không có rủi ro sương giá trên các vùng trồng cà phê. Thường mùa sương giá được xem như chấm dứt từ cuối tháng 8 trở đi.

-Sản xuất cà phê Philippines trên đà phục hồi

Một tờ báo Philippines cho biết chính phủ nước này đang tìm cách phục hồi 17 nghìn héc-ta cà phê tại vùng cao tỉnh Davao. Đồng bào dân tộc tỉnh này đã từng trồng cà phê ở đó. Nhưng do giá cả thị trường, họ đã chặt phá chuyển sang trồng cây khác.

Trong khi đó, Nestle Philippines cho biết trong niên vụ 2019-2020, họ đã mua cà phê trực tiếp từ nông dân. Lượng thu mua của Nestle Philippines năm nay tăng 27% cao hơn cùng kỳ 2019. Philippines là một trong những nước nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất trong khối ASEAN.

Giá cả (xem hình 1)

Như đã trình bày, cấu trúc giá nghịch đảo hay thường gọi là “vắt giá” (1) đã giúp cho giá cà phê London mạnh lên. Tuần qua, hiện tượng vắt giá cũng xuất hiện đồng thời trên sàn New York.

Trên sàn robusta, giá tháng 09/2020 cao hơn tháng 11/2020 đến 71 Usd/tấn. Còn trên sàn arabica tháng 09/2020 cao hơn tháng 12/2020 là 0.30 cts/lb hay 6,6 Usd/tấn. Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn đều giảm cộng với lượng vốn nhiều trên thị trường đã tạo nên cảnh thiếu hàng cục bộ cho tháng giao ngay (tháng 09/2020).

Sau một tuần giao dịch tính đến 21/08/2020, kết quả thực hiện của 2 sàn như sau:

-Sàn London cả tuần tăng 22 Usd đóng cửa tại 1.406 Usd/tấn với biên độ cao/thấp nhất là 1.417/1.364, là mức cao nhất tính từ 8 tháng nay.

-Sàn New York chốt tại 119.80 cts/lb hay 2.641 Usd/tấn cả tuần tăng 3.35 cts/lb với biên độ 123.85/114.50, là mức cao nhất tính từ 2 tuần nay.

Dù chỉ số đồng Usd (DXY) và giá trị đồng nội tệ Brazil (Brl) bất lợi trong phiên cuối tuần, hai sàn cà phê vẫn chọn hướng tăng trong khi nhiều sàn hàng hóa thương phẩm cùng ngày giảm như dầu Brent -2,59% còn 43,70 Usd/thùng và vàng -0,39% chốt 1.938 Usd/ounce.

Hình 2 (nguồn: feedin.me)

Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ trong tuần dao động trong vùng 32,5-33,8 triệu đồng/tấn với bình quân cuối tuần đạt mức 33,2 triệu đồng/tấn, tăng 0,4 triệu đồng/tấn so với tuần trước đó (hình 2).

Giá cà phê xuất khẩu được chào mua chung quanh mức +90 Usd/tấn giao hàng qua lan can tàu (Fob) từ tháng 11/2020 trở đi. Đã thấy xuất hiện một vài hợp đồng đơn lẻ.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 24-28/08/2020: Đà tăng có, nhưng cần cẩn thận.

Hình 3 (Nguồn: Phan Trọng Nghĩa)

-Sàn arabica đã qua ngày thông báo giao hàng đầu tiên. Hiện tượng “vắt giá” xuất hiện, giúp giá robusta vững chân hơn. Đối với sàn arabica, từ lâu không thấy hiện tượng này.

-Ngày 25/08/2020 là ngày thông báo giao hàng tháng 09/2020 của sàn robusta. Do sàn đang cần hàng giao, giá được kéo lên. Như vậy, áp lực bán hàng thực lên sàn dịp này sẽ không còn.

Đứng tại vị trí hiện tại của tháng 11/2020, giá London là 1.406 với biên độ cao/thất nhất trong tuần là 1.417/1.364. Có nhận định chung rằng:

-Vượt khỏi mức tâm lý quan trọng 1.400 là tích cực, lại càng tích cực hơn khi giá đóng cửa 1.406 nằm trên MA5 và MA20 là 1.390 và 1.368.

-Tuần qua, London có đỉnh 1.417, tiệm cận với đỉnh gần nhất 1.420. Hãy xem đây là đỉnh đôi.

Nhìn theo hướng tăng: London đã dễ dàng vượt qua đỉnh đôi tại 1.404/1.405 để đóng cửa mức cao hơn ngay trong ngày giao dịch cuối tuần trước là dấu hiệu cho thấy sức mua và đà tăng còn. Kỳ vọng cho tuần này là tìm lại khu vực 1.417/1.420. Đây cũng là vùng kháng cự mạnh. Nhưng vượt khỏi đỉnh đôi này, giá còn đi tiếp với kỳ vọng tại 1.467 Usd/tấn (lập ngày 27/12/2019).

Nhìn theo hướng giảm: Không dễ gì giá London chạy xuống nhưng cũng cần nhìn trước để tránh rủi ro nhỡ khi gặp những yếu tố bất ngờ như giá trị DXY tăng quá mạnh và đồng nội tệ Brazil giảm sâu hơn. Thậm chí ngay trong đồ thị theo cách nhìn của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Nghĩa, rủi ro giảm nhanh của giá trên sàn London vẫn còn đó. Nếu như vì lý do gì đó không đạt ngưỡng kỳ vọng, giá có thể giảm lại vì RSI 22 của đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, ngay cả mô hình Vai Đầu Vai trước đợt tăng hiện nay cũng được lập theo hướng giảm. Cũng cần lưu ý rằng 1.409 (đỉnh của phiên 21/08/2020) trùng với đỉnh tháng 09/2013.

Cho nên, nhằm tránh rủi ro giảm, nhìn theo Fibonacci với đỉnh là 1.420, tỷ lệ -23,6% và -38,2% nằm tại 1.369 và 1.338, trùng với MA5. Như vậy, lúc đó London mất 1.368/1.369, thì khả năng còn xuống sâu hơn nhưng tuần này khó về 1.338 tức tỷ lệ Fibonacci 38,2%.

Cần cân nhắc là thời gian qua rất nhiều lần giá vượt được 1.409 nhưng đóng cửa đều nằm dưới mức này. Trong một kịch bản xấu nhất cho thời điểm hiện nay, giả sử không có giá đóng cửa 1.409, sàn London về trung hạn không chỉ tìm về 1.338 mà có thể tìm xuống mức 1.312 (Fibonaci 50%)/1.307.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Có dấu hiệu bán hàng vụ mới.

Giá sàn phái sinh robusta tăng đã tạo điều kiện cho một số hợp đồng mới nhưng lượng nhỏ bán thử nghiệm cho cà phê mùa mới 2020-2021 giao hàng từ tháng 11/2020 trở đi.

Như vậy, dù ít, khả năng mua hàng xuất hiện. Những đợt tăng cao sắp tới (nếu xảy ra) là dịp cho các nhà xuất khẩu chốt giá và mua trước. Giá càng tăng trên London bao nhiêu sẽ kích thị trường cà phê nội địa vụ mới khỏi động sớm bấy nhiêu.

Đà tăng trên London còn hứa hẹn thêm một thời gian nữa. Giá cà phê nguyên liệu thị trường trong nước có khả năng tăng lên mức quanh 34 triệu đồng/tấn trong những ngày tới. Mức thấp nhất cho tuần này có lẽ sẽ không dưới 32,5 triệu đồng/tấn.

Cần chuẩn bị cho một đợt ép giá xuất khẩu tính trên chênh lệch (differential) xuống một khi giá London tăng mạnh. Mức +50/+70 Usd/tấn Fob cao hơn giá niêm yết có lẽ sớm trở thành hiện thực. Với nhu cầu đưa hàng qua sàn để trở thành tồn kho đạt chuẩn, chỉ cần mức +100/+120 Usd/tấn Fob là người mua có thể mạnh dạn đưa hàng đi qua sàn được rồi dù giá bán robusta loại 2 theo qui định của sàn ICE EU (London) là -30 Usd/tấn CIF.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

“Nhận định giá cà phê thế giới từ 17-22/08/2020: Giá nội địa khó tăng vì sức mua yếu.”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22161

Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”, “sggp.org.vn”, “worldometers.info”,  “thitruongcaphe.net” và “feedin.me”.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 32