Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Giao dịch tích lũy
Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London và New York tháng 07/2022)
Không như kỳ vọng của một số chuyên gia mong thấy phục hồi kinh tế thế giới mạnh mẽ trong năm 2022, cuộc xung đột bất ngờ giữa Nga và Ukraine đã đưa nhiều nước vào vòng xoáy khủng hoảng lương thực giữa lúc đang tìm cách khống chế lạm phát phi mã.
Kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng lạm phát-đình trệ đặt các ngân hàng trung ương vào tình thế khó khăn vừa kiểm soát lạm phát vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.
Một cuộc thăm dò của Reuters trong giới chuyên gia kinh tế tuần qua cho biết nhiều người dự đoán đến cuối năm 2022, lãi suất điều hành của Mỹ sẽ đạt đến 2,50% đến 2,75% trong khi mức trung dung được định quanh 2%-2,40%.
Thị trường tài chính có một tuần dao động rất mạnh trong từng phiên. Tuy nhiên, kết quả cho thấy hầu hết đều mất giá. Dow Jones có tuần thứ 8 liên tiếp giảm giá, trong khi 2 chỉ số S&P500 và Nasdaq giảm giá liên tiếp đến tuần thứ 7.
Người ta ngại xăng dầu, bất động sản tăng giá, nhưng tại các nước đang phát triển, điều đáng lo nhất là “cái ăn” của người dân. Sri Lanca chìm trong khủng hoảng do mất mùa và đói kém. Một dự đoán mới đây cho biết giá lương thực thực phẩm toàn cầu đã tăng đến 37%. Nạn đói rình rập các nước nghèo, trong đó không ít quốc gia bị đe dọa chính là nơi xuất phát nguồn cung ứng nông sản và nguyên liệu.
Sự xáo động trên các sàn tài chính thể hiện tâm lý hoang mang của giới đầu tư tài chính, nhưng hình như cũng là cách khuấy đảo các thị trường nguyên liệu bằng lượng vốn lớn nhằm tìm cách mua hàng hóa với mức giá mua thấp nhất.
Tuần qua, hai sàn cà phê giao dịch với biên độ dao động trong từng ngày rất lớn như sàn robusta có bốn trên năm phiên dao động từ 50-70 Usd và sàn arabica hết ba trong năm phiên dao động từ 10-15 cts/lb giữa mức thấp và cao nhất trong ngày. Rủi ro về giá như vậy là rất lớn đối với nhà xuất khẩu cỡ trung và nhỏ do không đủ vốn để sử dụng các công cụ kinh doanh tài chính nhằm bảo vệ hoạt động mua bán của doanh nghiệp.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tính đến ngày 19/05, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 101.040 tấn tăng từ 94.770 tấn, arabica New York đạt 66.498 so với 66,788 tấn.
Tồn kho cà phê khả dụng Bắc Mỹ
Tính đến hết tháng 04/22, tồn kho cà phê vùng tiêu thụ lớn nhất thế giới Bắc Mỹ do Hiệp hội Cà phê hạt (GCA) Mỹ quản lý đạt 5,91 triệu bao (bao=60 kg), tăng 1,5% từ 5,82 triệu bao của tháng 03/22 nhưng tăng đến 2,5% so với cùng kỳ 2021.
Sản lượng cà phê Peru tăng
Niên vụ 2022-2023, sản lượng cà phê Peru ước trên 4 triệu bao, tăng 2,2% so với năm trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ/USDA cho biết.
Sản lượng cà phê Brazil năm 2022
Cục định mức (Conab) thuộc bộ nông nghiệp Brazil cho biết năm nay sản lượng cà phê Brazil tăng 12% so với năm trước đạt 53,4 triệu bao, ước báo trước đây của Conab là 47,7 triệu bao. Conab thường phát hành những ước báo sản lượng cà phê Brazil rất nhỏ nhưng nay đã chịu khó nói to hơn đôi chút. Nếu như họ nói 53,4 triệu bao thì thị trường thường cộng thêm từ 12-15 triệu bao.
Rabobank ước niên vụ 22/23 sản lượng cà phê thế giới đảo chiều từ thiếu sang thừa, năm ngoái thiếu 5,1 triệu bao năm nay thừa 1,7 triệu bao. Rabobank ước Brazil năm nay thu hoạch tăng 14% sản lượng lên đến 64,5 triệu bao so với năm trước.
Nga thiếu cà phê
Xung đột giữa Nga với Ukraine và cấm vận của các nước phương Tây đã khiến các nhà kinh doanh cà phê với Nga chuyển hàng đi nơi khác, ước chừng 1,8 triệu bao.
Việt Nam dự kiến tái canh 107.000 ha cà phê
Đó là kế hoạch đến năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự kiến sau tái canh, năng suất bình quân lên 3,5 tấn/ha và thu nhập của nông dân tăng từ 1,5 đến 2 lần.
Giá cả
Các dữ liệu ảnh hưởng giá cà phê tuần qua
Chỉ số giá trị đồng USD là DXY có một tuần biến động dữ dội, từ đỉnh 105,06 điểm (13/05) xuống chạm đáy 102,69 (19/05) để đóng cửa cuối tuần quanh 103 điểm.
Giá trị đồng nội tệ Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá UsdBrl trong những ngày qua biến động khá mạnh nhưng cuối tuần tăng lên mức cao nhất tính từ 4 tuần để 1 Usd ăn 4,87 Brl nhờ giá trị đồng Usd DXY giảm.
Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn đến ngày khóa sổ tuần trước là: sàn New York đạt 495.080 tấn so với 328.855 tấn dư mua, tăng 166.225 tấn hay tương đương với 9.755 hợp đồng; sàn London đạt 175.810 tấn dư mua, tăng 4.630 tấn.
Giá cà phê
Sau ngày biến động giá mạnh trên 2 sàn cà phê (11/05), tuần trước vẫn còn nhiều dư chấn lớn với biên độ dao động trong ngày còn rất cao. Tuy nhiên kết quả cuối cùng được ghi nhận như sau:
-Sàn robusta London chốt tại 2.056 tăng 16 Usd với biên độ dao động 2.118-2.120.
-Giá arabica New York tăng 1.95 cts/lb chốt tại 215.85 cts/lb trong biên độ 229.35-209.65 cts/lb.
-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao dịch trong khung 40.8-42,3 triệu đồng/tấn, cuối tuần còn 41,9 triệu giao về các kho quanh TP.HCM.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 23-27/05/2022: Các nút chính làm thay đổi giá trên sàn là nút nào?
Hình 2 – Diễn biến giá cà phê robusta London cơ sở tháng 07/2022
Đóng cửa tại 2.056 với biên độ đỉnh/đáy trong tuần là 2.118-2.020, sàn London một lần nữa cho thấy đỉnh lập sau thấp hơn đỉnh trước nếu như tính từ đỉnh cao nhất là 2.306 lập ngày 23/12/21.
Một cú trượt dài từ đỉnh ấy đến 1.990 (03/03/22) làm nên đáy và tạo nên cái khung mà từ bấy đến nay giá London chưa cách nào tìm đường thoát khỏi hai đầu. Trong khi đó đường kéo từ đỉnh cao mỗi lúc một hẹp dần.
Từ cuối tháng 04/22 đến nay, biên độ dao động trong từng phiên rất lớn và hầu hết các tính toán về kỹ thuật đều không chính xác do thị trường cấy yếu tố tăng lãi suất và lạm phát, mua bán trong từng phiên hầu hết được do vốn tạo sóng nên nhu cầu hàng hóa (hàng thực) tỏ ra giả tạo trên sàn.
Điều đáng lưu ý là cứ mỗi lần tràn về vùng 2.000+, giá London lại được kéo lên nhưng cú kích lên ấy không đi quá đỉnh lập phía trước.
Chính vì thế, một cách đơn giản trong giai đoạn này để nói về kỹ thuật là nếu như phá được 1.990, khả năng London sẽ mất hết các lực đỡ và còn có thể mất thêm 100 Usd nữa. Nếu bật dậy theo hướng tăng, cứ qua được khỏi đỉnh (các vòng tròn màu xanh) nào, thì khả năng có thể tìm đỉnh cũ cao hơn.
Giá đóng cửa phiên cuối tuần trước tại 2.056, tuy cả tuần có kết quả tăng, nhưng còn tiêu cực, khả năng giá vẫn còn lay lắt trong khung đã xuất hiện tuần trước.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Hiểu cho đúng về sản lượng cà phê Brazil.
Sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2022-2023 tăng 12% đạt 53,4 triệu bao, Cục định mức (Conab) Bộ Nông nghiệp Brazil nói vậy. Đồng lúc đó ngân hàng thương mại Rabobank (Hà Lan) ước cũng trong niên vụ 2022-2023 Brazil đạt chừng 64,5 triệu bao.
Với con số của Rabobank, niên vụ 2021-2022 toàn cầu đang thiếu 5,1 triệu bao cà phê bỗng nhiên nhảy sang 2022-2023 lại dư ngay 1,7 triệu bao.
Nên hiểu như thế nào về các con số trên? Conab rất hiếm khi đưa ra con số lớn mà chủ ý muốn giấu con số to, để thị trường làm giá theo con số công bố nhưng bản thân họ sẽ làm giá theo con số thực họ khảo sát được. Thường con số công bố của Conab nhỏ hơn con số chung của các ước báo trên thị trường chừng 10-15 triệu bao. Thế cho nên mới thấy rằng hầu như hai đơn vị Conab và Rabobank đưa ra ước báo cùng một lúc, nhưng cách nhau trên 11 triệu bao. Nhưng đợt này Conab chịu khó báo sản lượng tăng 12% thì đương nhiên họ xác định được mùa, năm ngoái sương giá chẳng ảnh hưởng gì. Chính vì vậy, ý nghĩa lớn nhất của công bố từ Conab là Brazil được mùa.
Mặt khác, số liệu công bố của Brazil ở trên là cà phê đang ra mùa, thu hái và sử dụng cho năm nay. Nó khác với sản lượng của Việt Nam, cà phê vụ mới ra cuối năm ngoái và sử dụng từ cuối năm 2021 đến 09/22.
Hiện nay, một số bản tin do không nắm chắc nông lịch, nên cho rằng hiện thế giới đang mất mùa cà phê lớn. Thử đặt câu hỏi rằng nếu như mất mùa thì tại sao giá kỳ hạn không tăng mà chỉ lập đỉnh cuối năm 2021 rồi giảm dần từ đầu đến nay.
Cho nên, cần khẳng định là năm 2022, thị trường cà phê thế giới không thiếu cà phê mà thậm chí dư, đặc biệt cuộc xung đột Nga-Ukraine làm tình hình tiêu thụ cà phê thêm khó khăn.
Trích nguồn:NCIF
Hits: 27