Nhận định giá cà phê thế giới từ 22-27/06/2020: Liệu có “vượt tuyến” trong kỳ bị áp lực bán?

Photo: NQ DISON - Iphone

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 15-20/06/2020: Biến động mạnh nhưng chung cuộc chỉ giảm nhẹ

Hình 1   

Bối cảnh thị trường

Nhiều nước đã quyết định giải tỏa một hay toàn phần lệnh giãn cách xã hội giữa cơn đại dịch Covid-19, khả năng phục hồi kinh tế như trước vẫn còn là một kỳ vọng khá xa vời. Dự báo tăng trưởng GDP tại châu Âu cho năm 2020 chưa tìm ra mảng màu tốt đẹp hơn cho kỳ hồi phục “hậu Covid-19”.

Một số chuyên gia kinh tế tin rằng sẽ có một làn sóng phá sản tại các doanh nghiệp lớn nhỏ ở EU trong nửa cuối 2020 và năm 2021, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, giao thông vận tải, thương mại, may mặc, xây dựng. Nhiều nước tại đó đã đưa ra nhiều biện pháp như nới lỏng thuế, cung ứng vốn, tạo thanh khoản… Tuy nhiên, các con số dự báo tăng trưởng GDP vẫn cho thấy một mặt các biện pháp kích thích vẫn chưa đủ, mặt khác tâm lý người tiêu dùng còn rất dè dặt. Theo giới chuyên môn này, năm 2020 GDP của Đức có thể giảm 5,1% và nếu 2021 có phục hồi, chỉ tăng 3,2%. Còn Tây Ban Nha, năm nay nền kinh tế sẽ sụt giảm đến 11,6%, Bồ Đào Nha -9,5%…

Những dự báo như thế ít nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước sản xuất và xuất khẩu nông sản, đặc biệt các mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, ca cao v.v…

Trong tuần, thị trường tập trung chú ý theo dõi với đầy kỳ vọng cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tại Hawaii (Mỹ). Tuy nhiên, kết quả cuộc gặp giữa hai ông Mike Pompeo và Dương Khiết Trì vẫn lộ ra nhiều điểm bất đồng lớn. Trong khi phía Mỹ đòi Trung Quốc thực hiện cân bằng và công bằng trong lợi ích về thương mại, an ninh và ngoại giao thì phía Trung Quốc một mực kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, an ninh và lợi ích phát triển nhưng “không muốn đối đầu”.

Chỉ số rỗ hàng hóa tích điểm từ 19 mặt hàng giao dịch bằng đồng Usd cho thấy những ngày qua phục hồi ở mức 146,52 điểm nhưng vẫn ở vùng thấp. So với thời điểm đầu năm 2020, CRB giảm 25,50% hay 50,12 điểm (xem hình 1 – bên trái). Tuần trước, hầu hết các mặt hàng nông sản giảm. Chỉ số này phục hồi là nhờ các sàn kim loại vàng và dầu thô.

Giá trị đồng Usd (DX) tăng giá sau cuộc gặp gỡ của 2 nhà ngoại giao Mỹ-Trung Quốc do giới đầu tư chọn Usd làm nơi trú ẩn vốn. Nhưng đó là một yếu tố tạo thêm tiêu cực cho thị trường nông sản, trong đó có cà phê.

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

-Việt Nam: Xuất khẩu cà phê tháng 05/2020 ước đạt 2.171.400 bao (bao=60 kg), giảm 10,90% so với cùng kỳ 2019. Tuy vậy, tổng lượng xuất khẩu 5 tháng đầu 2020 vẫn 4,80% cao hơn năm ngoái, ước đạt 13,58 triệu bao với giá trị xuất khẩu 1,37 tỷ Usd tăng 3,3% so với cùng kỳ (Tổng cục Hải Quan).

-Brazil: Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) ước tháng 05/2020 nước này xuất bán 2,68 triệu bao, giảm 27% so với cùng kỳ 2019, trong đó arabica giảm 28% đạt 2,17 triệu bao nhưng robusta tăng 5% đạt 484.064 bao. Xuất khẩu arabica giảm là điều dễ hiểu vì chủng loại này đang thời thu hoạch, còn robusta đã hái gần xong. Nếu tính theo niên vụ thế giới, từ 01/10/2020 đến 31/05/2020, Brazil đã xuất khẩu 22,59 triệu bao.

-Công ty cung ứng dịch vụ cà phê Safras & Mercado (Brazil) ước niên vụ 2020-2021, sản lượng cà phê nước số 1 thế giới đạt chừng 68 triệu bao. Họ cũng báo khoảng 27% diện tích cà phê đã thu trái vào kho, so với năm 2019 là 40%. Sở dĩ thu hoạch chậm là do năm nay Brazil vào chu kỳ được mùa, cây cà phê trái nhiều, thu hoạch chậm hơn. Ngoài ra lệnh “giãn cách xã hội” do đại dịch Covid-19 cũng có phần nào cản trở tiến độ thu hái. So với dự báo sản lượng của Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây là 67,9 triệu bao, con số 2 đơn vị rất gần nhau.

-Tình hình tiêu thụ cà phê toàn cầu từ 3 đến 4 tháng nay được xem là có vấn đề do đại dịch Covid-19 ngăn trở công việc đồng áng và chuỗi cung ứng. Không chỉ nhiều nước cấm các quán phục vụ tại chỗ mà các dịch vụ tiêu thụ cà phê quan trọng khác như du lịch, nhà hàng…cũng đều bị tắc nghẽn. Trong kinh doanh hàng hóa, công tác giao nhận hàng khó khăn ảnh hưởng thực sự đến năng lực sản xuất và tiêu dùng cà phê. Điều này phản ánh rõ lên giá cà phê trên các sàn phái sinh: tiêu cực.

Giá cả (xem hình 1)

Dù giá trên sàn robusta biến động mạnh, kết quả giá đóng cửa London chỉ giảm nhẹ sau một tuần tính đến 19/06/2020.

Tuần qua, có lúc giá arabica New York chạm 94.55 cts/lb, là mức thấp nhất tính từ hơn 8 tháng; robusta London đụng 1.153 Usd/tấn là đáy sâu nhất tính từ 7 tuần trở lại đây.

Về cuối tuần, giá 2 sàn có phục hồi nhưng không đáng kể. Đóng cửa London chốt 1.175, mất 6 Usd/tấn và New York giảm 1,10 cts/lb chốt 95.90 cts/lb. Nhìn trên đồ thị, cả hai đang giao dịch trong vùng thấp nhất của niên vụ này.

Thị trường cà phê trong nước cũng theo chiều giảm, từ 31,5 triệu đồng/tấn đầu tuần xuống 30,8 triệu cuối tuần. Mua bán hàng trao tay không nhiều, chủ yếu chốt giá cho hàng gởi kho giao dịch cơ sở sàn robusta 07/2020 vì tháng này sắp vào ngày thông báo giao hàng 25/06/2020.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 20-27/06/2020: Tìm cơ sở để nói giá theo chiều tích cực.

Hình 2: (nguồn: Phan Trọng Anh)

Giá sàn phái sinh robusta cơ sở giao dịch tháng 09/2020 có một tuần chao đảo mạnh với biên độ giữa 1.245 và 1.153. Nhưng kết thúc phiên ngày 19/06/2020, London có kết quả giảm nhẹ so với tuần kết thúc 12/06/2020.

Đóng cửa cơ sở tháng 09/2020 tại 1.175 sau khi tạo đáy đôi trong 2 ngày giao dịch gần nhất ở 1.153, tức đã phá đáy và tiếp quản vùng thấp của tháng 07/2020 mới đây là 1.155 (1). Nhưng đỉnh chỉ 1.245, không tới được 1.258 của tháng 07/2020 lập tuần trước.

Điều này cho thấy áp lực bán trong tuần trước ngày thông báo giao hàng tháng 07/2020 (25/07) khá rõ.

London phạm đáy 1.155. Nhưng thật ra, phải nhìn thấy rằng tại vùng từ 1.146 đến 1.156 là một hàng rào hỗ trợ dày đặc lập từ cuối tháng 04/2020. Cho nên, chỉ khi mất 1.144 (đáy lập trước 1.155 của tháng 07/2020), London sẽ rộng đường đi xuống hơn.

Từ 1.153, mức thấp nhất từ 7 tuần nay, London dừng tại 1.155 và đi lên. Hãy xem đấy là một dấu hiệu tích cực dù cận ngày thông báo giao hàng.

Nhìn đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, ta có thể thấy rằng:

Các kịch bản cho giá robusta London trong tuần này:

-Hướng tích cực: Đóng cửa ở 1.175, nằm giáp mí với 1.172, là điểm gặp -38,2% của 0,00% được tính tại 1.267 theo Finabocci, London có cơ hội tìm lại mức tâm lý quan trọng 1.200 để lên 1.222 và 1.247 (tương đương với đỉnh 1.245 của tuần trước).

-Hướng tiêu cực: London có giá đóng cửa nằm dưới các mức MA5/50/20 (1.178/1.207/1.212) là thiếu lực hấp dẫn cho người mua. Một khi chạm 1.144 (đáy cũ như đã nói) và nhất là mất 1.143 (50,00% tính theo Fibonacci từ 1.267), London sẽ tìm về vùng thấp hơn ở 1.114 và 1.078.

Điều đáng lo nhất cho giá robusta đầu tuần này là ngày thông báo giao hàng tháng 07/2020 gần kề. Tuy nhiên, áp lực bán trên tháng 07/2020 sẽ không còn mạnh vì lượng hợp đồng mở (OI) còn khá khiêm tốn. Vả lại, đợt giá tăng ngày giao dịch cuối tuần trước với +11 Usd/tấn chứng tỏ các quỹ đầu tư tài chính đang giảm lượng hợp đồng dư bán vốn đã cao trên sàn này. Tính đến ngày khóa sổ vị thế kinh doanh (16/06), họ đã đưa lượng hợp đồng dư bán lên thêm gần 4.000 lô để đạt 34.752 lô.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Sẽ không giảm sâu.  

Giá cà phê tại vùng cà phê trọng điểm vùng Tây Nguyên của Việt Nam đến đầu tuần này quanh 30,8-31 triệu đồng/tấn.

25/6/20 Hướng mua báncà phê trong ngàydo các quỹ đầu tư tài chính có thể mua thanh lý các hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn đã bán.

Chính vì vậy, có thể dự kiến biên độ giá cà phê trong tuần này quanh 30,5-31,5 triệu đồng/tấn với thế tăng đầu tuần, giảm giữa tuần và tăng lại cuối tuần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 15-20/06/2020: Giá London chìm lại sau khi đạt đỉnh cao nhất tính từ cuối tháng 03/2020”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22080

Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang:

“ncif.gov.vn”, “barchart.com”, “theice.com”, “thitruongcaphe.net” và ”tradingeconomics.com”

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 76