Nhận định giá cà phê thế giới từ 21-26/11/2022: Ai đang làm giá thị trường cà phê?

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Giới đầu tư hoang mang nhất về chuyện gì?

Các phát biểu của những nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ và EU chưa thể giúp ổn định thị trường khi tất cả đều lo “dập” lạm phát với cường độ không thua gì các chính phủ tập trung dập Covid-19.

Đối với EU. Thống đốc ngân hàng trung ương EU (ECB), bà Christine Lagarde cho rằng đường hướng lãi suất điều hành đồng euro còn lên bao nhiêu và nhanh như thế nào phải còn tính đến lạm phát ra sao nữa. Phát biều tại Frankfurt (Đức) tuần trước, bà khẳng định ECB còn phải tăng lãi suất “thêm”, và bóng gió rằng có thể tăng lãi suất trong kỳ họp tới vào tháng 12/2022 để làm sao cho giá cả hàng hóa và dịch vụ xuống 2%. “Giờ chỉ còn biết dùng lãi suất điều hành như là công cụ chính để chỉnh chính sách kinh tế hiện nay mà thôi”, bà nói vậy. Nhưng ai cũng hiểu rằng kéo giá cả về 2% quả là một điều không tưởng trong bối cảnh hiện nay. Cho nên, việc thắt chặt tín dụng và tăng lãi suất sẽ vì thế mà rất gắt.

Trong khi đó, nước Anh chính thức xác nhận nền kinh tế rơi vào suy thoái. Cuộc xung đột Nga-Ukraine làm xấu thêm tình hình khi nền tài chính công xấu dần từ tháng 3/22, chi phí đi vay cao hơn và chi tiêu công tăng. Ngày 17/11, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết nền kinh tế Anh đang trong tình trạng suy thoái.

Tại Mỹ, giới đầu tư tài chính đang khó nhọc tính đường làm giá, thể hiện trên chỉ số giá trị đồng USD (DXY) tăng giảm hết sức thất thường và cực đoan. Một số thành viên trong Ủy ban kinh tế-tài chính (FOMC) của ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) phát biểu không đồng nhất ý kiến, đầu tuần có lãnh đạo nói bây giờ nhẹ tay với lãi suất là vừa, lần tới tăng 50 điểm phần trăm là hợp lý, thì cuối tuần có vị nói chưa được đâu. Như ông James Bullard, Thống đốc Fed vùng St. Louis nói lãi suất phải đến 7% mới vừa chứ 4,75-5% đã là gì đâu! Chính mỗi người một phách làm thị trường tài chính lúng túng chẳng biết xoay quanh trục nào để điều động và vận hành đồng vốn. Giá chứng khoán và hàng hóa vần vũ rồi đi xuống cũng xuất phát từ đó.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 16/11/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 87.430 tấn so với 10/11 là 90.170 tấn; sàn arabica New York đạt 485.369 bao hay 29.122 tấn so với 448.704 bao tức 26.922 tấn trước đó.

Thời điểm cuối vụ cũ, lớp tồn kho này của robusta đếm được 93.700 tấn và arabica 25.571 tấn.

Hiện còn 577.099 bao tức hàng đợi kiểm định đạt chuẩn còn lớn hơn khối lượng đã được chấp nhận.

ICO phát hành Báo cáo tình hình phát triển ngành cà phê 2021

Báo cáo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) đưa ra các mối đe dọa chính của ngành cà phê nay mai đồng thời nêu một số giải pháp để bảo vệ năng suất và chất lượng. Báo cáo cũng khuyến khích các chính phủ cần hỗ trợ cho lớp trẻ đang sản xuất và chế biến cà phê và nên có chính sách cụ thể cho các nông hộ.

Giá cả

Tuần qua, hai sàn cà phê phái sinh đã về chạm mức thấp nhất tính từ 16 tháng nay. Cụ thể giá arabica về chạm đáy 1.757 USD/tấn và arabica 154.05 cts/lb.

Ở mức đóng cửa ngày 18/11, London tại 1.787 USD/tấn, cả tuần giá giảm 38 USD hay 2,08% làm từ đầu năm đến nay sàn này giảm 480 USD/tấn hay 21,17%; sàn New York chốt tại 155.10 cts/lb giảm 13 cts/lb (-287 USD/tấn) hay giảm 7,73%, tính từ đầu năm New York đã mất 67,50 cts/lb (-1.488 USD/tấn) tương đương với -30,32%.

Giá cà phê nguyên liệu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ tại vùng sản xuất trọng điểm Tây Nguyên có nơi đã mất mốc 40 triệu đồng/tấn để chạm quanh 39,5-39,8 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, để nông dân chấp nhận, giá phải trên 40 triệu như 40,3-40,5 triệu đồng/tấn.

Một số hợp đồng nhỏ đã được ký với khách ngoại do họ cần hàng giao với giá quanh mức trừ 140-150 USD/tấn FOB cơ sở giá tháng 3/23.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 21-25/11/2022: Tưởng là đáy mà chưa phải đáy!

Lại mất mốc đáy đôi 1.781, tuần qua, giá robusta chạy giảm tiếp 24 USD về chạm đáy 1757 rồi bật lên đóng cửa tại 1787.

London vẫn chưa thoát khỏi vùng bán quá mức. Trước giờ mở cửa ngày đầu tuần này, chỉ báo RSI 14 ngày nằm tại 28,62% so với mức tham chiếu 30% trong hoàn cảnh sàn arabica New York cũng vào vùng bán quá mức nhưng hàng arabica chờ xét để được chứng nhận đấu giá còn rất nhiều.

Nếu như không giữ được mức 1787 để đi lên, với điều kiện vượt khỏi 1795, giá robusta lại bị kéo xuống cho đến 1740 trong tuần này.

Hướng lên, dứt khoát phải đóng cửa có giá 1795 để qua 1806, bấy giờ mới tính được chuyện lên 1832. Chưa dám tính chuyện lên vùng 1874.

Hai yếu tố có thể giúp giá robusta tuần này tăng là RSI 14 đang ở vùng bán quá mức và các quỹ quản lý vốn tăng lượng hợp đồng dư bán khá mạnh tuần trước. Tính đến ngày khóa sổ 15/11, khối lượng hợp đồng dư bán của họ tăng 5.370 lô  đạt 28.541 lô.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá chịu áp lực từ nhiều phía.

Rõ ràng các sàn chứng khoán và hàng hóa thương phẩm đang theo dõi sát sao các động thái mà cụ thể là các phát biểu của những người nắm lá phiếu quyết định tăng lãi suất.

Do mỗi người nói một ý khác nhau, có khi rất nghịch nhau. Nên có lẽ đúng để nói rằng chính các ngân hàng trung ương đang làm giá cho bất kỳ hàng hóa thương phẩm nào, trong đó có cà phê, vốn cực kỳ nhạy cảm với chính sách tiền tệ.

Ngoài ông Bullard như đã nói phần đầu của bài này, bà Susan Collind, thống đốc Fed vùng Boston cũng đệm thêm rằng bà chưa loại trừ khả năng bỏ phiếu cho việc tăng lãi suất lần tới là 75 điểm phần trăm.

Vậy là giới kinh doanh tài chính và hàng hóa thương phẩm phải xem lại kỳ vọng đầy “màu hồng” của họ, phải bán ra lại những gì đã mua vào.

Mặt khác, thị trường hàng thực (cà phê xuất và nhập khẩu) đang rất lo bên cánh tiêu thụ. Một bên, các nhà xuất nhập khẩu đang kẹt vấn đề thanh khoản, hợp đồng mua bán đều (có thể) bị trả tiền chậm, một bên người tiêu thụ phải đắn đo vì lương tiền chạy đua không kịp với lạm phát làm giảm sức mua.

Thị trường cà phê thường trông chờ mùa lễ tết cuối năm để “chạy kế hoạch”. Nhưng thực tế các nền kinh tế không cho phép. Giá cà phê nội địa đã xuống dưới 40 triệu đồng/tấn. Lấy cái gì để giữ giá? Câu trả lời không dễ khi cà phê càng lúc ra càng nhiều và Tết nguyên đán chỉ còn chừng hai tháng nữa.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 70