Nhận định giá cà phê thế giới từ 20-25/09/2021: Giá cà phê robusta sẵn sàng lên mức cao nhất 5 năm?

Tác giả NQB. Ảnh Lê Hoàng Nhi

Diễn biến thị trường tuần trước: Vượt đỉnh cũ, giá robusta lên mức cao nhất tính từ 4 năm.

Dù không có mấy thông tin tác động mạnh lên thị trường tài chính thế giới, giá hầu hết chỉ số chứng khoán Âu Mỹ tuần trước có kết quả giảm như CAC40 (Pháp) giảm 1,5%, S&P500 và Nasdaq đều giảm trên 0,5%, Dow Jones giảm 0,1%. Đấy là tuần thứ ba liên tiếp DJ có kết quả giảm, là đợt giảm dài nhất kể từ đợt giảm 4 tuần liên tiếp kết thúc cách nay gần một năm (25/09/2020).

Thị trường tài chính tuần qua vẫn râm ran hy vọng về một đợt tăng trưởng kinh tế mạnh tại Mỹ, và khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ tiết giảm dần chương trình cung ứng 120 tỷ Usd/tháng để mua nợ.

Fed sẽ có phiên họp thường kỳ vào các ngày thứ ba và thứ tư tuần này nên thị trường có biến động chăng sẽ rơi vào giữa tuần trở đi. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của Reuters với 49 chuyên gia tài chính thì có 36 vị đoán rằng kế hoạch “tiết giảm” ấy chắc không được công bố vào lần họp tuần này mà có khi phải đến tháng 11/2021. Họ còn đoán rằng kế hoạch “cuốn chiếu” ấy có thể bắt đầu từ tháng 12 năm nay kéo dài cho đến quý 3/2022.

Cách đoán thời điểm thực hiện như vậy cho thấy rằng tình hình kinh tế thế giới chưa hết bấp bênh, được thể hiện qua báo cáo thất nghiệp Mỹ vừa rồi và tình trạng lây nhiễm dịch bệnh do biến thể Delta chưa bớt. Đằng khác, giới đầu tư đang lo lắng cho thị trường bất động sản Trung Quốc có khả năng vỡ nợ. Trong đợt “chỉnh đốn” kinh doanh tại TQ đã khiến cho lượng vốn hóa tại thị trường TQ bay hàng nghìn tỷ Usd, nước này lại phải ra tay “bơm” cấp kỳ 14 tỷ Usd để cứu ngành bất động sản thì quả là có vấn đề. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng từ đây đến 2022 khó xảy ra một đợt “vỡ nợ” tại TQ, thậm chí là “không sao”.

Như vậy, giới kinh doanh tài chính vẫn còn sống với niềm tin rằng giá cổ phiếu vẫn chưa thể đổi hướng ngay dù có những lúc biến động rất mạnh và đầy rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dòng vốn giữa thị trường cổ phiếu và hàng hóa thương phẩm sẽ có những phiên bị hoán đổi bất ngờ, có thể tạo nên những đợt đảo hướng khi có lợi khi bất lợi cho một nhóm hay một món cổ phiếu/hàng hóa nào đó.

Trên thị trường cà phê, nếu như sàn arabica lên xuống được mất khá nhẹ nhàng thì sàn robusta có một quãng thời gian dài tăng rất đều tính từ đầu tháng 08/2021 trở lại đây. Nếu nhìn thị trường theo sự vận hành của dòng vốn, thì sàn robusta tới đây sẽ chịu nhiều rủi ro hơn, lên xuống mạnh hơn sau khi chạm mức cao nhất tính từ 4 năm trở lại đây.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn tuần này như sau: sàn arabica New York đạt 129.862 tấn, tăng nhẹ so với 129.727 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm mạnh, xuống còn 131.270 tấn so với tuần trước là 136.660 tấn.

Sản lượng cà phê Brazil 2021: IBGE

Theo cơ quan thống kê và đo đạc thuộc chính phủ Brazil (IBGE), vụ mùa 2021 của Brazil đã thu hoạch xong với sản lượng được IBGE ước chừng 48,9 triệu bao (bao=60 kg), giảm 21,2% so với năm được mùa 2020. IBGE cũng cho rằng sản lượng chung giảm do arabica mất mùa nhưng robusta được mùa, tăng 6,3 % đạt 15,3 triệu bao. IBGE là một cơ quan thuộc chính phủ nên các con số công bố rất bảo thủ. Cà phê robusta được giới kinh doanh trên thị trường ước phải trên 20 triệu bao cho năm 2021.

Giá xuất khẩu arabica Việt Nam tăng

Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho biết giá xuất khẩu bình quân cà phê arabica Việt Nam trong tháng 07/2021 đạt 3.080 Usd/tấn (139,70 cts/lb), tăng 7,2% so với tháng 06/21 nhưng tăng hơn một nửa so với cùng kỳ 2020. Đấy là mức cao nhất của giá arabica xuất khẩu tính từ 3 năm trở lại. Giá bình quân cả 7 tháng đầu năm cho chủng loại arabica là 2.758 Usd/tấn (125 cts/lb) tăng 19,2% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng cà phê arabica Việt Nam chỉ chiếm chừng 5-7% so với tổng sản lượng cà phê hàng năm.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam 11 tháng đầu niên vụ 2020-2021 ước đạt 1,3 triệu tấn, giảm so với 1,51 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

Giá cả

Giá hai sàn cà phê tuần trước có kết quả nghịch chiều, robusta London tăng rất mạnh nhưng arabica New York giảm.

Lượng tồn kho đạt chuẩn robusta trong thời gian bảy ngày qua hụt nhiều. Chính vì thế, các quỹ đầu tư tài chính tăng mua mạnh trên sàn này. Tồn kho giảm đã kích họ đặt cược thêm đến độ đã vào sâu vùng mua quá mức khi đóng cửa cuối tuần trước.

-Vị thế kinh doanh đến ngày khóa sổ 14/09/2021 của các quỹ đầu tư trên sàn robusta tăng mạnh lượng hợp đồng dư mua lên 30.222 lô so với tuần trước đó là 21.333 lô. Nếu tính theo thực tế đến cuối tuần, con số này có thể nằm ở khu vực 35.000 lô. Tại New York, các quỹ đầu tư cũng tăng lượng  hợp đồng dư mua lên 36.770 lô.

-Sau một tuần, giá đóng cửa sàn robusta tăng 103 Usd chốt mức 2.151 Usd/tấn với biên độ dao động 2.154/2.024; giá arabica giảm 1,65 cts/lb hay -36 Usd/tấn để chốt tại 186.40 cts/lb trong biên độ dao động 189,85-182,50 cts/lb.

Như vậy, giá robusta London đã về lại vùng cao nhất tính từ 4 năm trở lại đây. Mức cao nhất tính từ 5 năm là 2.282 Usd/tấn, liệu sàn robusta có tìm lại đỉnh này trong thời gian tới?

-Giá cà phê nội địa tuần qua giao dịch trong vùng từ 40,8-41,8 triệu đồng/tấn, hầu như không đổi so với tuần trước đó dù giá đỉnh có cao hơn 30 Usd. Điều này có thể được giải thích rằng giá phái sinh càng cao, giá bán xuất khẩu tính trên chênh lệch so với giá niêm yết càng giảm. Hiện nay, nhiều người đã chấp nhận bán trừ trên 200 Usd/tấn, thậm chí có người bán -250 Usd/tấn dưới giá niêm yết London tháng 01/2022.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 20-24/09/2021: Kỳ vọng lên mức cao tính từ 5 năm.

Giá robusta có một tuần giao dịch tăng liên tục không một ngày chỉnh giảm. Tồn kho cà phê đạt chuẩn được rút ra nhiều (trên 5.000 tấn) là một con số ấn tượng, đã khiến cho các quỹ đầu tư tài chính chỉ dám mua thêm hợp đồng chứ chưa muốn thanh lý. Hệ quả là giá tăng mạnh, sàn này vào vùng mua quá mức khá sâu (RSI9=80,6% so với tham chiếu 70%).

Về kỹ thuật, một khi đã qua khỏi đỉnh cũ 2.130, trong hoàn cảnh cấu trúc giá trên sàn nghịch đảo liên tục (giá tháng trước cao hơn tháng sau [backwardation]), thì có thể nói rằng kỳ vọng cho đường trung hạn lên đến khu vực 2.280, tức chạm vùng đỉnh cao nhất 5 năm trở lại. Điều này cũng trùng với kênh tăng theo đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh.

Các mức quan trọng cho hướng tăng sắp tới là 2.187 / 2.200 / 2.220. Vượt qua được hàng rào ấy thì xem ra mức 2.280 không khó mấy giữa hoàn cảnh là các nước xuất khẩu robusta chính đang có vấn đề về logistics và nhu cầu tiêu thụ trong tiết thu-đôngtại các vùng ôn đới.

Như vậy, có thể thấy rằng đóng cửa tại mức 2.151 là tích cực. London chỉ có thể hơi lung lay khi giá quay về lại 2.080 vì một khi chạm mức này, giá có thể mất thêm 40-50 Usd nữa.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Cẩn thận với sức ép bán kỳ “bình thường mới”.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ thời gian mới đây được chào bán từ vùng trừ 200 đến 250 Usd/tấn dưới giá niêm yết tháng 01/2022 London. Tiếng là bị trừ nhiều, nhưng giá ấy có lẽ chỉ đủ để trả cho cước tàu biển. Chỉ số cước tàu biển hàng khô (BDI) tuần trước tăng lên mức cao nhất tính từ tháng 11/2009 (xem hình 1). Nếu như trong điều kiện bình thường, khi giá cước mỗi container 20 feet từ cảng Sài Gòn đi các cảng chính châu Âu chừng trên dưới 2.000 Usd/thùng tương đương với cước phí 100 Usd/tấn, thì nay trừ trên 200 Usd/tấn nên được hiểu chính người sản xuất ra hạt cà phê khó nhọc chịu chi phí tàu biển để mời “nhà giàu” uống cà phê.

Cái rủi ro đằng sau bán được hàng là một khi giá trừ quá sâu, các hãng kinh doanh có điều kiện đưa hàng vào lấp đầy lại các kho cà phê đạt chuẩn đã thiếu hụt và đưa giá London về mức thấp trở lại.

Chỉ còn 9 ngày giao dịch nữa là thế giới bước sang niên vụ mới 2021-2022. Cũng không bao lâu nữa, cà phê Việt Nam vào mùa thu hoạch, sức ép bán sau gần 2 năm bị đại dịch buộc “ém hàng”. Cần thấy trước rằng lực bán ra sẽ có lúc bất thường khi các vùng cà phê trọng điểm trở về với tình trạng “bình thường mới”. Ván bài thắng hay thua trong xuất khẩu cà phê sắp tới như lật bàn tay.

Sau một thời gian dài, nông dân và nhiều nhà xuất khẩu cà phê hầu như bị tách khỏi thị trường thế giới. Giữ được giá hay không, không phải do nông dân quyết định. Đại dịch cũng không cho phép người mua quyết định giá. Vai trò của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cần có những thay đổi như phải tham mưu chính xác cho Bộ Nông nghiệp&PTNT những bước đi cụ thể, những cách thức vận hành của thị trường trong thời kỳ “bình thường mới” chứ không nên làm thị trường với một câu giải thích rất ỡm ờ trước đây “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay “giá do thị trường quốc tế” quyết định.

Trích nguồn:NCIF

Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 283