Diễn biến thị trường cà phê tuần 10-15/08/2020: Giá phái sinh robusta tăng nhờ cấu trúc vắt giá
Bối cảnh thị trường
Nước Anh, nơi đặt trụ sở và sàn giao dịch phái sinh cà phê robusta, chính thức bước vào thời kỳ suy thoái khi GDP giảm 20,4% trong quý 2-2020. Đó là mức giảm thấp nhất kể từ khủng hoảng 2008 và tồi tệ nhất ở châu Âu. Dù chính phủ ra tay can thiệp tích cực như tung tiền mua lại tài sản lớn, cắt giảm lãi suất xuống mức gần bằng 0, chi hàng chục tỷ bảng Anh cho các chương trình hỗ trợ việc làm, lượng thất nghiệp vẫn gia tăng. Suy giảm GDP của Anh còn lớn hơn cả Tây Ban Nha (-18,5%) và Pháp (-13,8%) trong cùng kỳ. Các nhà dự báo cho biết nếu nước Anh có phục hồi kinh tế, cũng phải đến nửa cuối năm 2021.
Rõ ràng ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khắp nơi vẫn còn kéo dài dù có tin Nga đã tìm ra được vắc-xin ngừa và chống Covid-19. Tính đến sáng 15/08/2020, cả thế giới có gần 21,4 triệu người lây nhiễm trong đó hơn 763 nghìn ca tử vong (hình 1 – bên trái).
Trước tin Nga và rất nhiều nước đang tăng tốc tìm và sản xuất vắc-xin chống Covid-19, những đơn đặt hàng mua vắc-xin này đã bắt đầu sôi động. Tuy thế, dù ngành công nghiệp dược phẩm có bỏ ra hàng trăng tỷ Usd để tìm và sở hữu vắc xin, nhưng các khoản chi này vẫn không đáng kể vì theo TGĐ WHO Tedros Ghebreyesus dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng đại dịch có thể gây thiệt hại lên đến 12.000 tỷ Usd cho nền kinh tế toàn cầu trong hai năm.
Trên thị trường tài chính, hầu hết giá cổ phiếu các châu lục đều vững và tăng, giá vàng mất mốc 2.000 Usd/ounce để về đóng cửa cuối tuần trước tại 1.950 Usd/ounce, giá dầu thô không mấy thay đổi (WTI 42 Usd/thùng và Brent 45 Usd/thùng), nhiều sàn nông sản tại Mỹ giảm giá trong đó có cà phê arabica nhưng giá cà phê robusta tăng vững.
Chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) tiếp tục yếu sau khi cố gắng phục hồi lên 94 điểm bất thành. Một số nhà phân tích cho rằng đồng Usd còn tiếp tục yếu do vẫn còn nhiều lo ngại cho khả năng khôi phục kinh tế sau đại dịch và bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa hết căng thẳng.
Đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) cuối tuần trước mạnh lại nhờ tin thặng dư mậu dịch của Brazil trong tháng 7 với +8,1 tỷ Usd. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đồng Brl giảm 23,4% do một phần vì bất ổn chính trị nội bộ, phần khác do dịch bệnh virus SARS-CoV-2 hoành hành. Brazil hiện là nước chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh tính trên lượng người lây nhiễm và tử vong, chỉ sau Mỹ.
Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần
-Xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm.
Tổng cục Hải Quan ước tháng 07/2020 cả nước xuất khẩu chừng 1.833.800 bao, giảm 13,8% so với tháng 06/2020. Báo cáo này cũng cho biết bảy tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 1,1% so với cùng kỳ 2019 đạt 17.518.083 bao trị giá 1,8 tỷ Usd-1,5%.
-Nhịp độ thu hoạch và bán hàng của Brazil
Safras&Mercado (Brazil) ước rằng tính đến 10/08/2020, nông dân Brazil đã thu hái được 61 trong tổng số 68 triệu bao (bao=60 kg). Diện tích cà phê robusta nước này được xem là đã thu hoạch xong. Trong khi đó, Reuters cũng ước rằng tính đến 10/08/2020, Brazil đã bán được 51% sản lượng 2020-2021, so với bình quân cùng kỳ của 5 năm là 37%. Nói vậy để thấy rằng nông dân Brazil có vẻ chấp nhận giá thị trường hiện nay. Vì sao? Nhờ Brl mất giá, thu nhập của nông dân tính theo đồng nội tệ tốt hơn năm 2019.
-Tồn kho đạt chuẩn hai sàn đều giảm
Tính đến giữa tuần trước, lượng cà phê đạt chuẩn thuộc sàn robusta London còn 109.840 tấn và sàn arabica New York là 83.393 tấn.
-Nguồn cung ứng tín dụng cho kinh doanh hàng hóa càng thắt chặt
Tiếp theo ngân hàng BNP Paribas (1), tuần qua, ngân hàng ABN Amro (Hà Lan) tuyên bố thắt chặt nguồn cung cấp tín dụng kinh doanh hàng hóa thương phẩm gồm dầu thô, kim loại và nhiều loại nông sản.
Giá cả (xem hình 1)
Thị trường phái sinh cà phê chứng kiến một tuần có biên độ dao động khá rộng nhưng đóng cửa kết quả không xê xích mấy. Biến động giữa mức cao/thấp nhất trên sàn London là +/-79 Usd/tấn (1.405/1.326) và sàn arabica New York là 8.85 cts/lb hay +/-195 Usd/tấn (121-112.15).
Giá đóng cửa sau một tuần tính đến 14/08/2020 có kết quả như sau:
-Sàn robusta chốt tại 1.384+21 Usd/tấn
-Sàn arabica đứng ở 116.45-1.50 cts/lb hay giảm 33 Usd/tấn.
Dấu hiệu suy yếu ngày cuối tuần trước trên sàn New York có thể do sức ép bán tháng 09/2020 xuất hiện trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên vào 21/08/2020, tức chỉ còn 5 ngày giao dịch.
Trên sàn robusta, lực mua vẫn mạnh do cấu trúc vắt giá còn hiện hữu và mỗi ngày một gắt hơn. Tính đến đóng cửa cuối tuần trước, giá tháng 09/2020 cao hơn tháng 11/2020 là 61 Usd/tấn (1.445-1.384).
Vị thế kinh doanh của hai sàn cà phê tính đến ngày khóa sổ gần nhất (11/08) cho thấy đã chuyển qua dư mua: London gần 3,5 nghìn hợp đồng và New York quanh 24 nghìn hợp đồng. Sàn London tăng nhờ các quỹ đầu tư tài chính vừa qua mua bù và mua mới đến 5,5 nghìn hợp đồng.
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ trong tuần dao động trong vùng 32,5-33,1 triệu đồng/tấn với bình quân cuối tuần đạt mức 32,85 triệu đồng/tấn. Giá cà phê trong nước tăng chủ yếu vào 2 ngày giao dịch cuối cùng trên sàn London tăng (hình 2).
Giá cà phê xuất khẩu không thay đổi mấy so với tuần kết thúc ngày 08/08/2020 tức +70/+90 Usd/tấn giao hàng qua lan can tàu (Fob) so với giá niêm yết sàn London tháng 11/2020. Như vậy, giá tại vùng sản xuất nằm ở +30/+50 Usd/tấn.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 17-21/08/2020: Dù xu hướng còn lên, nhưng rất dễ vỡ.
Các điểm cần lưu ý cho giai đoạn từ nay đến cuối tháng 08/2020:
-Tiếp theo sau ngày thông báo giao hàng đầu tiên của tháng 09/2020 thuộc sàn arabica New York là đến phiên sàn robusta London ngày 25/08/2020.
-Hai sàn đều chuyển mạnh sang vị thế dư mua (net long). Dù vẫn còn trong xu hướng mua (giúp giá tăng), những đợt mua mạnh hầu như đã qua. Thị trường đang đón những đợt chỉnh giá do sức ép bán trước ngày thông báo giao hàng.
-Nhờ cấu trúc vắt giá, lực mua có thể mạnh hơn trên tháng 09/2020 nhưng không chắc sẽ xảy ra trên tháng 11/2020. Càng về cuối tháng, có thể cấu trúc vắt giá co lại dần nhưng khi hết ngày thông bao giao hàng, không khéo xuất hiện lại. Chỉ báo mua quá mức đã xuất hiện trên tháng 09/2020 (RSI 14 ngày=75% so với tham chiếu 70%). Khả năng cuốn chiếu hiện tượng vắt giá trên London có thể sẽ đi cùng New York khi sàn bên kia bờ Đại Tây Dương gặp áp lực chốt giá tháng 09 để trở thành tháng giao ngay.
Như vậy, dù giá có thể dao động mạnh (cả lúc lên cũng như khi xuống) trên tháng giao ngay (tháng 09/2020), hoạt động giá trên tháng 11/2020 vẫn chạy quanh trong ‘hàng rào” khá hạn chế.
Tuy đóng cửa giá tuần qua tăng chốt tại 1.384, đồ thị vẫn cho thấy sàn robusta chưa chọn hướng rõ ràng. Suốt 20 ngày giao dịch vừa qua, biên độ tăng giảm khá mạnh, nhưng cuối phiên giá đóng cửa vẫn “bị khóa” trong khu vực hẹp giữa vùng 1.340 và 1.389.
Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy London vẫn trong xu hướng tăng. Nhưng nếu đóng cửa không nằm trên 1.391 và nhất là 1.395, thì bấy giờ hướng này dễ bị hóa giải để xuống vùng 1.340. Khi qua được vùng kháng cự này, London sẵn sàng lên vùng 1.420.
Các nút mở đường xuống là 1.333 / 1.326 và nhất là 1.307. Nếu khi nào London đóng cửa nằm dưới mức này, thì khả năng London về hoạt động lại vùng thấp dưới 1.300.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Sức mua yếu khó tạo cơ hội để giá nội địa tăng.
Nỗ lực tăng giá trên thị trường nội địa tỏ vẻ khó khăn khi lên 33 triệu đồng/tấn. Từ nhiều ngày nay, giá trong nước thường quanh quẩn vùng 32-33 triệu đồng/tấn. Sức mua rất yếu một phần do người còn trữ hàng chưa chấp nhận giá hiện nay, phần khác người mua trông chờ giá tăng để kiếm cơ hội kéo giá xuất khẩu xuống. Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên giá cà phê nội địa.
Thị trường London không tạo cho giá tháng giao dịch chính (tháng 11 trở về sau) có đột biến cộng với sức mua hàng thực, hàng xuất khẩu giảm, nên đã cản trở nhiều hướng lên.
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ có thể ổn định trong vùng 32,5-33 triệu đồng/tấn nhưng nếu có đột biến theo hướng tăng cũng khó chạm 33,5 triệu đồng/tấn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- “Nhận định giá cà phê thế giới từ 10-15/08/2020: Lộ diện lực mua lớn nhưng rất thất thường”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22155.
- Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”, “worldometers.info”, “barchart.com”, “theice.com”, “thitruongcaphe.net” và “feedin.me”.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 22