Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 09-13/12/19: Giá arabica tăng gấp 27 lần robusta.
Bối cảnh thị trường
Giá cổ phiếu thế giới nhìn chung tăng khi nghe tin thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1 có bước tiến triển tốt. Tuy nhiên, tin mới nhất cho biết thỏa thuận sẽ được ký trong tháng 01/20, trễ hẹn so với kỳ vọng đạt trước 15/12/19. Cộng hưởng với kết quả bầu cử quốc hội VQ Anh cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson thắng áp đảo. Brexit có điều kiện thành hiện thực trước ngày 31/01/20. Hai sàn cà phê chào đón tin này với mở cửa giá tăng mạnh phiên cuối tuần.
Đấy là các yếu tố tích cực nhất trong 7 ngày qua cho các sàn hàng hóa nông sản phái sinh. Giá các mặt hàng nông sản Mỹ như đậu tương, bông vải, ngô…đều tăng. Giá cà phê arabica tăng mạnh. Mặt bằng giá nông sản nói chung đã nâng lên dần một cách rõ ràng.
Tuy vậy, ngày cuối tuần giá arabica sụp mạnh do trước đó đã vào sâu vùng mua quá mức (RSI 86%)
Trong phiên họp cuối năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chủ tịch Fed báo rằng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng Usd đến hết năm 2019. Đồng thời, 13 trong 17 thành viên Fed đoán rằng sẽ không có đợt thay đổi lãi suất cho đến 2021. Số người còn lại nói có lẽ sẽ có 1 đợt hạ lãi suất năm 2020.
Cung cầu và giá cả
Tác động của Fed làm chỉ số đồng Usd giảm (xem hình 1 – phía trái). Giá cà phê được hỗ trợ khi đồng Usd rẻ. Lợi suất đầu tư trên sàn arabica đã dương 12.75 cts/lb hay +10,79% tính từ đầu năm đến 13/12/19 (118.15-130.90 cts/lb). Trong khi đó, cùng thời kỳ, lợi suất đầu tư trên sàn robusta London vẫn âm 220 Usd/tấn hay -12,44% (1637-1417). (1)
Sàn cà phê London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, còn chịu nhiều áp lực. Sức bán từ vụ mùa Việt Nam đang ra và từ Brazil được mùa robusta. Các con số ước báo sản lượng robusta Brazil từ 17 – 20 triệu bao, trong đó Bộ Nông nghiệp Mỹ ước 18,1 triệu bao (60 kg = bao). (2)
Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2019-2020 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán tăng 6% đạt 32,22 triệu bao (60 kg = bao) so với năm trước. USDA cũng ước xuất khẩu cà phê Việt Nam năm kinh doanh hiện nay sẽ đạt 28,25 triệu bao so với 27,4 triệu bao so với 2018-2019. So với nhiều dự báo, thông tin của USDA thường có ảnh hưởng mạnh nhất trên thị trường.
Hiệp hội Cà phê hạt Brazil (Cecafe) chỉnh tăng tổng lượng xuất khẩu cà phê niên vụ 2018-2019 lên 41,42 triệu bao. Con số ước lượng trước đây là 39,72 triệu. Đấy là niên vụ Brazil xuất khẩu đạt kỷ lục mọi thời đại. Xuất khẩu tăng không chỉ do năm trước Brazil được mùa. Đồng Reais Brazil (Brl) giảm kích nông dân nước này bán mạnh. Cụ thể là đầu niên vụ đồng Brl trong cặp tỷ giá BrlUsd vào tháng 10/18 là 1 Usd ăn 3,7 Brl, đến cuối tháng 9/19 xuống 4,18 Brl.
Trong tổng khối lượng xuất khẩu, tỷ lệ arabica/robusta là 65/35 so với trước thường là 75/25. Chừng 8% là hàng chế biến ướt arabica, số còn lại là arabica chế biến khô và robusta.
Dù phiên 13/12/19 giảm mạnh do sàn arabica đã vào sâu vùng mua quá mức, kết quả chung cuộc sau một tuần 2 sàn cà phê vẫn có giá tăng. Cả tuần, sàn robusta +5 Usd chốt tại 1.417 Usd/tấn (cơ sở tháng 03/20), sàn arabica +6.10 cent hay 134 Usd/tấn chốt ở 130.90 cts/lb. Như vậy, mức tăng giá arabica tăng gấp gần 27 lần mức tăng của robusta sau một tuần.
Giá cả
Biên độ dao động trong tuần rất lớn. Sàn robusta +/-83 Usd/tấn (1.479-1.396) và sàn arabica 17.10 cts/lb (140.30-123.20) tương đương 377 Usd/tấn. Như vậy, giá New York thụt lùi sau khi chạm đỉnh cao nhất tính từ 28 tháng còn London mất đỉnh cao nhất tính từ hơn 4 tháng nay.
Chênh lệch giữa giá arabica và robusta (qui về cent.pound) trên hai sàn tăng lên nhiều. Chốt phiên cuối tuần trước, chỉ báo này còn 66,63 cts/lb hay 1.469 Usd/tấn, nhưng giao dịch có lúc 74 cts/lb hay 1.631 Usd/tấn.
Giá cà phê nội địa tại vùng Tây Nguyên dao động trong khung 33-34 triệu đồng/tấn. Lấy bình quân 33,5 triệu đồng/tấn, tương đương với 1.444 Usd/tấn (VndUsd = 23.200).
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ tính theo chênh lệch giữa giá niêm yết đóng cửa sàn Lon Don so với giá FOB (điều kiện giao hàng lên tàu) từ + 60-70 Usd/tấn tuần trước nay co lại từ ngang bằng đến +20 Usd/tấn .
Dự báo tuần từ 16-20/12/2019: Giá robusta muốn tăng, cần vượt đỉnh cũ.
Từ nay, phân tích kỹ thuật dựa trên cơ sở tháng giao dịch 03/2020 của sàn phái sinh robusta London.
Tuần trước, giá London xuất hiện 3 cơ hội bán khi chạm đỉnh 1.479 / 1.474 và 1.462 tương ứng với các ngày 10-11 và 13/12/19). Lần này, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Phiên cuối tuần, giá sàn này chốt tại 1.417 so với đỉnh và đáy cả tuần là 1.479 và 1.396.
Nếu nhìn diễn biến theo phương pháp Fibonacci, trong 4 ngày cuối cùng của tuần trước, đồ thị -do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp – cho thấy rằng có 3 ngày giá London đẩy qua tỷ lệ Fibonacci mở rộng 161,8% (1.457) và 1 lần thử thách vượt 176,4% (1.477), nhưng giá đóng cửa đều quay đầu giảm nằm dưới tất cả các nút ấy.
Quay về quá khứ, đỉnh 1.458 (14/11/19) trùng với tỷ lệ Fibonacci 161,8%, từ đó giá chạy xuống đáy 1.357 (19/11). Còn nhìn xa hơn, sau khi chạm đỉnh ngày 01/07/19 ở 1.564, giá London chạy xuống đáy sâu 1.234 (16/10). Xét đường gần, hình như giá đã tạo đỉnh 2 tại 1.479. Vậy thì hướng hiện nay theo chiều đổ xuống.
Các kịch bản giá trong tuần
Tuần này, nói theo hướng tăng, giá sàn robusta dứt khoát phải vượt trên các mức 1.457 / 1.462 và nhất là 1.477 mới thực sự có đà tăng.
Nếu chọn hướng xuống, London sẽ để mất 1.409 (MA 20), hay nói đúng hơn nếu London mất khu vực đáy từ 1.396-1.409. Vì một lý do gì đó thoát xuống khỏi vùng này, giá robusta có thể mất thêm 50 Usd.
Chỉ còn 6 ngày giao dịch nữa là London vào ngày thông báo giao hàng đầu tiên tháng 01/20. Dù sức ép bán hàng xuất khẩu trên tháng này đã giảm mạnh, các hợp đồng mua hàng giấy phải thoát vì ít nhiều vẫn còn treo. Khối lượng giao dịch hai ngày cuối tuần trước giảm hơn một nửa so với những ngày trước đó. Đấy cũng là dấu hiệu không tốt.
Tóm lại, nhìn trên đồ thị, khả năng giá London tuần này đi theo hướng tích lũy hay giảm nếu như không có các yếu tố bên ngoài bổ trợ như chỉ số Usd, đồng Brl hay các yếu tố tích cực khác của nền kinh tế vĩ mô. Một sàn arabica tăng tốt cũng có thể kéo giá London theo nhưng không mạnh do bị chi phối bởi giá cách biệt với độ rướn từ 66,63 hiện nay lên 74 cts/lb (xảy ra trong phiên 13/12/19).
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá xuất khẩu hết chênh lệch cộng, giá nội địa chịu thiệt.
-Ít nhất trong tuần có 3 cơ hội bán các hợp đồng chốt giá sau (price-to-be-fixed) khi chạm các đỉnh 1.479 / 1.474 và 1.462. Tuy nhiên đóng cửa quay đầu về mức thấp đã dìm giá cà phê nội địa ngày hôm sau.
-Giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch giữa giá niêm yết sàn robusta London với giá FOB giảm rất nhanh. Điều này đã làm giá cà phê nội địa không tăng được, thậm chí còn giảm. Giá xuất khẩu lại 2, tối đa 5% đen vỡ đang được chào mua từ bằng giá niêm yết đến +20 Usd/tấn. Như vậy, dù giá London có tăng 40 Usd/tấn, giá nội địa vẫn đứng tại chỗ hay giảm.
-Giá cà phê nội địa đầu tuần đã mất mốc 33 triệu đồng để xoay quanh mức 32,5-33 triệu đồng/tấn. Trong chiều giá xuống với áp lực bán hàng vụ mới, giá tuần này có thể viếng lại 32 triệu đồng. Nếu London có điều kiện tăng, mức cao có thể quanh và dưới 34 triệu đồng/tấn.
Tài liệu tham khảo:
- Bartchart.com tại https://www.barchart.com/futures/quotes/KC*0/performance
- “Nhận định giá cà phê thế giới từ 25-30/11/2019: Thị phần robusta đang có cơ hội”, Nguyễn Quang Bình, http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21756
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 85