Nhận định giá cà phê thế giới từ 14-19/11/2022: Mức nào người mua cà phê xuất khẩu có thể chấp nhận?

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Giá cà phê đi ngược xu hướng các sàn tài chính khác

Trừ nhóm năng lượng, hiệu quả kinh doanh trên các sàn hàng hóa thương phẩm và chứng khoán chỉ số nhiều nước, đặc biệt tại Mỹ, tăng rất tốt. Sau một tuần, giá kim loại vàng tăng 5,82%, lúa gạo tăng 3,84%, đường ăn tăng 4,81% nhưng giá cà phê lại giảm.

Chứng khoán chỉ số Mỹ chứng kiến một tuần tăng mạnh nhất tính từ tháng 6/22 trở lại đây như S&P500 tăng 5,9%, Nasdaq tăng 8,1%. Các thị trường được kích hoạt khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/22 của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt với tốc độ nhanh hơn dự kiến. CPI lõi – không tính giá thực phẩm và năng lượng – tăng 0,3% so với tháng 9. Nếu như so với cùng kỳ năm 2021, chỉ số này đã dịu nhanh khỏi mức cao nhất tính từ 40 năm còn 6,3%.

Thấy vậy, giới đầu tư và kinh doanh tài chính tính ngay để khả năng ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) bớt thắt chặt chính sách tiền tệ, nhẹ tay với lãi suất điều hành sau 4 lần liên tiếp đã tăng mỗi lần 75 điểm phần trăm. Nhiều người trước đây đã từng tính tới chuyện Fed tăng thêm 1% nếu như CPI tăng mạnh. Chính điều đấy đã giúp tâm lý các nhà kinh doanh nhẹ nhõm, bán đồng USD để đưa ra làm ăn, hệ quả là chỉ số giá trị USD là DXY giảm rất mạnh trong mấy ngày vừa qua. Tuy thế, một số vẫn còn nghi ngờ và đã chọn kim loại vàng làm nơi trú ẩn vốn, giúp giá vàng từ dưới 1.700 lên 1.774 USD/ounce.

Thị trường cũng tỏ ra chộn rộn với cuộc bầu cử giữa kỳ tranh giành đa số ghế trong lưỡng viện quốc hội Mỹ. Dù đến sáng chủ nhật 13/11 vẫn chưa có kết quả cuối cùng, nhưng hai đảng chính tại Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa tỏ ra ngang tài ngang sức chứ không như những thăm dò trước bầu cử cho rằng người thuộc phe Cộng hòa sẽ chiếm đa số tại cả hai viện. Nếu quốc hội Mỹ tại lưỡng viện thay ngôi chủ, thì chính sách tài chính và tiền tệ có thể khác đi. Nhưng trong khi chờ kết quả chung cuộc, thị trường tài chính thấy không giống như các thăm dò.

Thị trường cà phê đã phục hồi trở lại trong hai ngày cuối tuần nhờ các thông tin trên dù hiệu quả đầu tư của tuần giảm với robusta London giảm 1,35% và arabica New York giảm 2,07% tính trên cơ sở giao dịch tháng 3/2023.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 10/11/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 90.170 tấn so với 03/11 là 91.520 tấn; sàn arabica New York đạt 448.704 bao tức 26.922 tấn so với 382.695 bao hay 22.962 tấn.

Thời điểm cuối vụ cũ, lớp tồn kho này của robusta đếm được 93.700 tấn và arabica 25.571 tấn.

Hiện còn gần 22 nghìn tấn arabica chờ kiểm định đạt chuẩn. Có thể thấy trước rằng tồn kho đạt chuẩn arabica sẽ tăng nhanh lại trong những ngày tới.

Rabobank: Sản lượng Brazil 2023/24 được mùa lớn

Ngân hàng nông nghiệp Rabobank (Hà Lan) dự đoán sản lượng cà phê niên vụ 2022/23 đã thu hái xong đạt 63,20 triệu bao (bao=60 kgs) giảm 2,01% so với dự báo cũ, trong đó 40,10 triệu bao arabica và 23,10 triệu bao robusta. Họ còn đoán niên vụ cà phê 2023/24 của Brazil có thể tăng 8,39% đạt đến 68,50 triệu bao. Theo đó, cà phê thế giới sẽ chứng kiến thặng dư trong năm 2023.

Giá cả

Đánh giá của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) theo chỉ báo giá hỗn hợp (CIP) do tổ chức này dựng nên cho rằng giá cà phê các chủng loại giảm 10,6% trong thời kỳ giữa tháng 9 và 10/22 với mức bình quân là 177,22 cts/lb hay 3.907 USD/tấn. Dù vậy, mức này vẫn cao hơn 18,1% so với cùng kỳ 2021.

Tuần qua, giá cà phê hai sàn thương phẩm tiếp tục giảm với:

-Robusta London chốt tại 1.825 USD/tấn, giảm 25 USD trong biên độ dao động 1.874/1.781.

-Arabica New York mất 3,55 cts/lb hay 78 USD/tấn chốt tại 168,10 cts/lb trong biên độ 178,20-160,45 cts/lb.

Giá cà phê nguyên liệu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ tại vùng sản xuất trọng điểm Tây Nguyên được chào bán mức 40,2-41,5 triệu đồng/tấn, giảm 300.000 đồng/tấn so với mức tuần trước.

Giá chào cà phê xuất khẩu loại 2 từ trừ 120 đến trừ 150 USD/tấn FOB bên phía bán, người mua chưa mặn mà với các mức ấy.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 14-18/11/2022: Để ý đỉnh dôi và đáy đôi trong tuần này

Tuần trước, mất mốc hỗ trợ 1.802, giá robusta chạy một mạch về 1.781 đến hai lần, dừng tại đó và quay lên lại để chạm 1.839 và đóng cửa ở 1.825.

Dù vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn đã mua lại 3.489 hợp đồng để còn lượng dư bán 23.717 lô, giá vẫn giảm. Điều này có thể đoán rằng đó là do quá trình mua bán giá cách biệt giữa hai sàn nên có hiện tượng tăng mua mà giá vẫn giảm.

Tại vị trí đóng cửa 1.825 trong biên độ dao động 1.874/1.781, ta có thể thấy ngoài các tác động từ bên ngoài như chỉ số DXY giảm mạnh do tâm lý kỳ vọng Fed bớt siết lãi suất điều hành đồng USD, sàn robusta London rất tuân thủ kỹ thuật: khi mất 1.802 (1), giá mất thêm trên 20 USD rồi phục hồi.

Đáng lưu ý là London đã về 1.781 hai lần (double bottom) trong 2 ngày giao dịch liên tiếp, nhưng rồi dừng tại đó và đi lên để tránh khỏi vùng bán quá mức (khi chỉ báo RSI 14 ngày dưới 30%). Trước khi mở cửa ngày giao dịch đầu tiên của tuần mới, RSI 14=31,13%.

Như vậy, 1.781 là đáy đôi và trở thành vùng hỗ trợ cực kỳ quan trọng cho những ngày tới. Nếu nay mai mất 1.781 do các quỹ đầu tư muốn tăng lượng hợp đồng bán khống trước khi Việt Nam ra hàng rộ mùa 2022/23, thì khả năng mất 1.781 để rớt sâu hơn vẫn còn.

Đường ngược lại, khu vực 1.872/1.874 cũng được xem là đỉnh đôi (double peak). Hướng tăng sẽ mạnh mẽ thêm khi vượt qua khỏi vùng này. Tuy nhiên, khả năng này còn quá sớm để đặt niềm tin vào đó. Nên có thể chọn khu kháng cự này là vùng chốt giá bán và/hay vùng thoát chống lỗ (stoploss). Tuy nhiên, khi vượt được 1.874, London sẽ tìm cách lên 1.903 trước khi tính hướng tiếp.

Trước mắt, nếu như London tỏ ý muốn tăng, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải qua mức 1.833 để tìm vùng 1.850 sau đó. Còn nếu mất 1.781, London nhanh chóng tìm về 1.750.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Người mua có thể chấp nhận mức giá nào?

Nói thuần theo thị trường cà phê và các tác động ảnh hưởng đến giá cả, thì tuần qua chỉ số DXY giảm đến 4,16%. Đáng ra đó là một lợi thế cho giá cà phê bung lên. Nhưng không phải nhìn vào một yếu tố DXY là đủ. Giá trị đồng nội tệ Brazil và Việt Nam giảm tạo thuận lợi cho bán xuất khẩu. Nhưng nếu các nước sản xuất không bán, thì chính các nhà kinh doanh cũng bán khống như một cách đón giá hạ khi yếu tố tiền tệ và tỷ giá tạo áp lực phải bán sau này.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2 hiện nay được chào quanh trừ 120/150 USD/tấn FOB nhưng rất hiếm người mua. Họ đợi giá tăng để kéo giãn thêm để giảm giá mua? Giãn tới mức nào? Đấy là những câu hỏi chờ trả lời.

Rõ ràng giá trừ 400/450 USD/tấn FOB của năm ngoái đã trở thành quá khứ không thể quay về. Nay, giá cước vận tải đường biển giảm từng ngày, thì không cớ gì để người mua giảm rộng đến mức khủng ấy. Thế mà, giá chừng trừ 150 USD/tấn là đủ bù chi phí cho hàng qua đăng ký kiểm định đạt chuẩn sàn robusta London. Hay họ cần thêm vài chục USD tiền lãi? Nếu vậy thì mức người mua có thể chấp nhận nằm đâu đó khoảng trừ 170/180 USD/tấn chăng?

————————————————————-

  1. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 07-12/11/2022: Hướng tăng đang thiếu độ bền”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=23010

 

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 68