Nhận định giá cà phê thế giới từ 13-18/09/2021: Chấp nhận sống chung với đại dịch

Diễn biến thị trường tuần trước: Xuất hiện đợt chỉnh giá chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi.

Biện pháp phong tỏa để chặn dịch tỏ ra lợi bất cập hại. Không chỉ tại Đông Nam Á mà nhiều nước trên thế giới đều đã nhận ra rằng phong tỏa chặn dịch thì cũng chính là lấy “đá ghè chân mình” nhất là đối với nền kinh tế. Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào…đang chuẩn bị mũi tiêm vắc-xin tăng cường (mũi thứ ba) khi ngộ ra rằng không còn cách nào khác là “sống chung” với Covid-19. Phong tỏa, “ở đâu phải ở đó”, được áp dụng tại nhiều nơi ở Việt Nam cũng đã làm 18% doanh nghiệp châu Âu báo chuyển đơn hàng khỏi nước (1). Thay vào đó, trào lưu dùng các quy định y tế phòng chống dịch nghiêm ngặt và tiêm chủng để kiểm soát, sống chung với Covid-19 và là cách tốt nhất để khôi phục các chuỗi cung ứng đã đứt gãy do phong tỏa để phục hồi kinh tế.

Chính quyền Mỹ đã bắt đầu lên tiếng bắt buộc lao động tại các hãng xưởng phải tiêm vắc-xin 100% hay phải được kiểm tra xét nghiệm Covid-19 hàng tuần, mỗi sai phạm phát hiện có thể bị phạt lên đến gần 14.000 Usd/trường hợp.

Áp lực mở cửa lại nền kinh tế là một thực tế khi các nhà hoạch định chính sách thấy được con đường hợp lý hơn là bắt buộc người dân áp dụng quy định y tế phòng chống dịch và nhất là tăng cường tiêm chủng vắc-xin và tốt nhất là tìm cách chủ động nguồn vắc-xin.

Dòng vốn trên các thị trường tài chính hình như đi trước một bước. Một vài chỉ số chứng khoán Mỹ rớt năm ngày liên tục như S&P có tuần tệ nhất tính từ tháng 06/2021. Chỉ số DJ và Nasdaq đóng cửa phiên 10/09 nằm gần đáy của tuần trước. Vốn chuyển dần qua các sàn hàng hóa thương phẩm: nhóm năng lượng tăng như hợp đồng dầu thô WTI lên mức 70 Usd/thùng, nhóm kim loại cơ bản cũng tăng, chỉ số chứng khoán Mỹ US30 giảm trong khi chỉ số rỗ 19 loại hàng hóa lại tăng (xem hình 1-bên trái).

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn chưa hết lo ngại sẽ có những đợt bùng phát dịch với biến chủng virus mới có thể làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong vòng ít nhất hai năm nữa, đến cuối năm 2023 theo đánh giá của họ. Trong khi đó, hãng tàu biển container lớn thứ ba thế giới CMA CGM (Pháp) mới đây cam kết sẽ không nâng thêm tiền cước ít ra đến 01/02/2022 khi thấy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu không xiết với tiền cước. Giá thuê 1 container 40 feet hải trình Thượng Hải (TQ) đi Los Angeles (Mỹ) tăng gấp 8 lần so với mức trước đại dịch!

Giá cà phê robusta cầm cự tốt dù đầu tuần trước đã vào sâu vùng mua quá mức (RSI14=80% so với tham chiếu 70%), đã được chỉnh lý nhanh gọn trong các phiên cuối tuần trước nhờ tồn kho đạt chuẩn ở sàn này giảm liên tục không giống như giá arabica giảm khá mạnh do nguồn cung ứng từ Brazil qua Mỹ dồi dào.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn tuần này như sau: sàn arabica New York đạt 129.727 tấn, giảm nhẹ so với 129.768 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm xuống còn 136.660 tấn so với tuần trước là 137.510 tấn.

Tồn kho cà phê tại Nhật Bản

Hiệp hội Cà phê Nhật Bản cho biết tính đến cuối tháng 07/2021 tồn kho cà phê tại các cảng biển đạt 2,743 triệu bao (bao=60 kg), giảm nhẹ so với tháng 06/2021 nhưng giảm đến 250.000 bao so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất hiện thời tiết cực đoan La Nina

Trung tâm Dự báo thời tiết thuộc chính phủ Mỹ dự báo rằng hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina quay lại quanh vành đai Thái Bình Dương vào 3 tháng cuối năm 2021. La Nina thường gây mưa lũ tại bên này, và khô hạn phía bên kia. Thị trường cà phê lại có điều kiện để theo dõi kỹ giá cà phê arabica do khô hạn có thể xảy ra ở các vùng cà phê Brazil. Xác suất của đự báo này đạt chừng 70%-80%.

Giá cả

Cả 2 sàn đều có một tuần chỉnh giảm giá, đặc biệt trên sàn robusta, do đã vào sâu vùng mua quá mức mấy ngày đầu tuần. Thật vậy, các quỹ đầu tư trên sàn đã giảm mạnh vị thế dư mua sau ngày khóa sổ vị thế kinh doanh bằng cách thanh lý bớt lượng hợp đồng mua ròng. Dao động trong từng phiên khá mạnh nhưng rốt cuộc giá London lại ổn định hơn. Kết quả tính trên đóng cửa phiên cuối tuần như sau:

-London chỉ giảm 3 Usd/tấn chốt tại 2.048 với biên độ khá rộng là 2.130/2.025 (+/-105 Usd).

-New York mất nhiều hơn với âm 5,10 cts/lb hay 112 Usd/tấn với biên độ 197,45/183,75 cts/lb.

-Giá cà phê nội địa tuần qua giao dịch trong vùng từ 40,8-41,8 triệu đồng/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 13-17/09/2021: Đợt chỉnh giảm đã hoàn thành chưa?

Từ ngày 09/08 cho tới hết ngày 07/09, thị trường chứng kiến sàn London có một chuỗi tăng dài. Ngay đến thứ ba 07/09, là ngày khóa sổ hàng tuần, sàn này vẫn chưa chịu thanh lý giảm mua dù vào vùng mua quá mức (overbought) mà chỉ đợi đến hôm sau, tức thứ tư 08/09 mới đảo hướng giảm, nhưng chỉ trong vòng 2 ngày ngắn ngủi.

Khi chỉnh cân đối vốn và vị thế, London đã chọn 2.025 làm đáy để dừng lại. Giả sử như trong tuần này, nếu London rắp tâm rớt tiếp, thì điều kiện tiên quyết là phải có giá đóng cửa dưới 2.025, bằng không sàn này đi vào giai đoạn củng cố và tích lũy trước khi chọn hướng mới lên hoặc xuống.

Theo đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh, phiên cuối tuần trước London không chạm được đáy 2.025 mà lại chọn hướng củng cố để đi lên, nên tuần này cũng rất dễ theo xu hướng đó. Chỉ cần giá tháng 11/2021 của sàn này nằm cứng trên 2.059 là có thể bảo đảm cho hướng tăng trong tuần. Muốn phóng cao nữa, thì khu vực 2.090 là một thử thách khác để tìm các đỉnh lập trong tuần trước lên đến 2.130.

Nhìn theo hướng xuống, như đã nói, phải có giá đóng cửa dưới 2.025. Nhưng nếu như chuyện này xảy ra thì sao? Có lẽ vùng đáy không thể xuống dưới 1.980 trong giai đoạn này.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước:

Hy vọng rằng cam kết không tăng cước của hãng tàu CMA CGM sẽ có tác động dây chuyền đến các hãng tàu khác. Dĩ nhiên, cước tàu biển đang ở mức cao và rất cao, nhưng giới kinh doanh cà phê Việt Nam đang cần một thời gian ổn định để lường lại giá mua và bán, tạo điều kiện cho hàng ra khỏi nước để đến tay người tiêu thụ cuối cùng trong chuỗi cung ứng cà phê, đó là các nhà rang xay trên thế giới.

Thật ra, đã nhiều năm, hàng cà phê robusta đạt chuẩn từ Việt Nam rất ít đến với sàn (mà chủ yếu từ Brazil). Vậy thì cà phê robusta Việt Nam đi đâu? Không đến sàn thì chỉ một đường là trực tiếp đến tay người tiêu thụ. Đấy lại là dấu hiệu tốt nếu nhìn theo chuỗi cung ứng.

Cũng như bất kỳ chuỗi cung ứng nào của hàng hóa thương mại, người tiêu thụ cần một khối lượng lớn, chất lượng đồng đều, bảo đảm nguồn cung ổn định theo định kỳ. Miễn là giá cước tàu, cao thấp không cần biết, chỉ cần ổn định một thời gian, giới kinh doanh nhất trí các mức giá, thì tạo cơ hội cho hàng cà phê đi trôi chảy.

Thị trường cà phê trong nước mấy tháng nay thiếu định hướng về giá và sách lược tiếp thị mới. Hy vọng giá cước tàu ổn định sẽ giúp hình thành lại thị trường cà phê, lấy lại nhịp xuất khẩu vốn lao đao nhiều do lệnh phong tỏa từ trong nội bộ Việt Nam lẫn tại các nước nhập khẩu.

————————

  1. “Doanh nghiệp châu Âu rục rịch chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam”, V. Dũng, KinhtếSaigon Online, ngày 10/09/2021.
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 221