Nhận định giá cà phê thế giới từ 13-18/04/2020: Hoạt động tích lũy là hướng chủ đạo

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 06-11/04/2020: Giá 2 sàn cà phê đi ngược hướng, London giảm

Hình 1

Bối cảnh thị trường

Nhiều lãnh đạo và chuyên gia kinh tế đang cố gắng nhận diện các ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế do dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 gây ra, nhân thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) – nơi bùng phát dịch – được gỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 76 ngày trong tuần qua.

Tại một số nước tiêu thụ cà phê lớn của Việt Nam, như tại Nhật Bản, nhiều chuyên gia ước tăng trưởng kinh tế giảm 25%, xuất khẩu có thể giảm 60% trong quý 2-2020. Các ngân hàng trung ương Pháp và Đức cũng cho rằng kinh tế hai nước chính thức đi vào thời kỳ suy thoái. Italia và Tây Ban Nha, hai nước đang chịu ảnh hưởng nặng với Covid-19, nền kinh tế ở đây đã khó khăn trước đại dịch, thì nay càng trầm trọng hơn. Chính phủ nhiều nước khối EU đã tung ra hàng trăm triệu euro để chi phí cho y tế và ngăn chặn sự suy sụp thương mại. Tờ Financial Times cho rằng trong quý 2-2020 nền kinh tế Đức có thể giảm 10% trong khi đó Pháp đã giảm 6% trong quý 1-2020.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng dự báo trong quý 2-2020 tăng trưởng kinh tế sẽ giảm nên đã hạ lãi suất cơ bản đồng Usd xuống 0%-0,25% và tung gói nới lỏng định lượng  lên đến 700 tỷ như một biện pháp khẩn cấp. Báo cáo lượng thất nghiệp tuần trước của Mỹ lên đến 6,6 triệu người, mức cao nhất lịch sử. Lập tức, Fed thông báo kế hoạch cung ứng thêm một gói tài chính tới 2,3 nghìn tỷ Usd vào ngày 09/04/2020 để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc khủng hoảng kinh tế mà Chủ tịch Fed Jerome Powell cho là “cực hiếm” này.

Tại nhiều nước xuất khẩu cà phê, các đồng nội tệ liên tục mất giá. Đơn cử, đồng Rupee Ấn Độ rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử với 1 Usd ăn 76,6 Inr. Sau một tuần so với Usd, giá trị đồng Peso Colombia mất 4,59%. Đồng Việt Nam (Vnd) cũng giảm, 1 Usd ăn 23.300-23.510 (Vietcombank) và giá tự do niêm yết ở mức 23.620-23.720 Vnd (mua-bán)

Điểm tình hình cung cầu cà phê trong tuần

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) báo rằng xuất khẩu cà phê tháng 3 ước đạt 154 nghìn tấn trị giá 261 triệu Usd, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2020 đạt 474 nghìn tấn và 801 triệu Usd, giảm 3% về khối lượng và giảm 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo trên, đến hết 15/3, Đức, Mỹ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,1% (121,29 triệu Usd), 10% (80,62 triệu Usd) và 9,5% (76,91 triệu Usd). Giá trị xuất khẩu cà phê giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (đạt 13,55 triệu Usd, giảm 50,8%).

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 1.692 Usd/tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngân hàng Nông nghiệp (Rabobank) của Hà Lan dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2020-2021 có thể đạt đến 67,5 triệu bao (bao=60kg), gồm 49 triệu bao arabica và 18,5 triệu bao robusta. Đấy sẽ là năm được mùa lớn của nước này. Như vậy, Brazil thừa sức cung ứng 21,5 triệu bao cho tiêu thụ nội địa và 36 triệu bao xuất khẩu.

Giá cả (xem hình 1)

Báo cáo vị thế kinh doanh tổng hợp của các quỹ đầu tư tài chính trên 2 sàn cà phê tính đến hết quý 1-2020 cho thấy nhóm quỹ quản lý tiền tệ (managed money) trên sàn arabica New York đang giữ 20.621 hợp đồng (351.382 tấn) dư mua và sàn robusta London giữ 30.119 hợp đồng dư bán (301.190 tấn).

Sau một tuần giao dịch, chốt phiên cuối vào ngày 09/04 (do ngày 10/04 hai sàn đều nghỉ), giá robusta giảm 2 Usd so với tuần trước đó đạt 1.189 Usd/tấn, giá arabica tăng 3.70 cts/lb hay 82 Usd/tấn lên tại 118.60 cts/lb. Biên độ dao động trên sàn New York khá mạnh với gần 10 cts/lb hay 212 Usd/tấn trong khi London chỉ 28 Usd giữa mức cao và thấp nhất.

Biến động của chỉ số giá trị đồng Usd (DX) và đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) rất mạnh tạo nên các sóng lớn bên sàn arabica.

Giá cà phê nhiều nơi tại Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam, dao động trong vùng 29,5-30,3 triệu đồng/tấn, có mất đôi chút so với tuần trước đó ở phía đỉnh nhưng không giảm khi chạm đáy.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 13-17/04/2020: Yếu tố kỹ thuật còn tiêu cực.

Hình 2

Tuần qua chỉ có 4 ngày giao dịch do 2 sàn nghỉ lễ. Chốt phiên cuối cùng ngày 09/04/2020, giá sàn phái sinh robusta chốt tại 1.189 với biên độ cao/thấp nhất là 1.208/1.180.

Xét trên cơ sở tuần, đáy tuần trước thấp hơn tuần sau từ 1.115 lên 1.162 rồi 1.180 trong khi giá đóng cửa chỉ giảm nhẹ. Ngược lại, đỉnh thì giảm dần từ 1.267 xuống 1.234 và tuần trước 1.208. Như vậy, vừa qua thấy rõ thị trường hoạt động tích lũy.

Vùng hoạt động tích lũy ở tuần này được tính giữa 1.234 (cao) và 1.180 (thấp).

Mất mốc 1.191 để đóng cửa 1.189 là dấu hiệu tiêu cực dù không phá đáy 1.162.

Các kịch bản trong tuần:

Hướng tăng: Mức đóng cửa 1.189 của sàn robusta hiện nay đang nằm dưới tất cả các điểm gặp đường bình quân động chính (MA). Tuần này, bao lâu qua được 1.196 (MA 5 ngày) và nhất là 1.216 (MA 20) thì khả năng kích thích được người tham gia sàn mua lại. Nếu qua được 2 mức ấy, London có thể tìm cách phục hồi về lại mức cao đâu đó ở vùng 1.260+.

Hướng giảm: Như đã nói, London đóng cửa mất 1.191 để chốt phiên cuối 1.189 sau khi chạm 1.180 là dấu hiệu không tốt. Bất kỳ lúc nào trong tuần này, nếu giá London xuống dưới 1.180, đó có thể là sàn đang tìm đường về 1.162. Nếu như đóng cửa mất mức thấp này, London sẵn sàng xuống thêm 40-50 Usd nữa để chào lại 1.115 (1).

Những yếu tố cần tiên liệu:

-Cản trở cho hướng tăng: (1) Ngày thông báo giao hàng tháng 05/2020 trên 2 sàn cận kề: New York 22/04 và London 27/04. Đồng thời, thị trường quyền chọn 05/2020 London sẽ hết hạn vào 15/04. Áp lực thanh lý hợp đồng dư mua (kể cả hàng treo bán chưa chốt giá) sẽ bắt đầu xuất hiện khi thị trường quay lại giao dịch bình thường vào ngày 14/04/2020. Khó nói được rằng giá robusta có thể vượt lên 1.216-1.234 trong những ngày đầu tuần. (2) Nhất là khi các yếu tố kỹ thuật vẫn chưa thấy các quỹ đầu tư tài chính có hứng thú mua vào. (3) Brazil đang muốn giải phóng lệnh “giãn cách giao tiếp xã hội”, có nghĩa rằng nông dân và các nhà xuất khẩu Brazil có thể bán mạnh tay hơn khi hàng robusta đã sẵn sàng trên thị trường lúc chính thức có lệnh trên.

-Thuận lợi cho hướng tăng: (1) Thông tin một số nước tiêu thụ muốn ngừng lệnh “giãn cách xã hội” ngay cả ở Mỹ và một số nước Châu Âu để giúp hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. (2) Thời gian 9-10 tuần qua tính từ ngày lượng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, tồn kho cà phê có thể đã giảm khá nhiều, tạo động lực mua cho các nhà nhập khẩu khi quay lại làm việc.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Dù giá phái sinh có rớt sâu, thị trường trong nước sẽ vững.  

Giá cà phê trong nước tuần qua đứng ở mức thấp nhất 29,5 triệu đồng/tấn mà không rớt sâu hơn. Đấy nên được xem là mức hỗ trợ quan trọng nếu một khi giá London mất nhiều. Cũng chính vì thế, nếu như London có xuống thật sâu (như 1.115 Usd/tấn 09/03/2020), giá phái sinh robusta sẽ nhanh chóng phục hồi để nằm trên mức hỗ trợ ấy.

Nếu như giá tăng, cơ hội này chỉ xuất hiện khi thị trường quyền chọn hết hạn. Chính vì vậy, mức độ tăng có thể khá khiêm nhường và ảnh hưởng đến giá cà phê trong nước không mấy. Dự kiến giá cà phê nội địa chỉ quanh mức 29,5-30,5 triệu đồng/tấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1.  “Nhận định giá cà phê thế giới từ 06-11/04/2020: Giá phái sinh dao động mạnh dù thị trường hàng thực tê liệt.” tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21983

Ngoài ra, các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang “barchat.com”, “theice.com”, “ncif.gov.vn”, “thitruongcaphe.net”, “feedin.me” và “worldometers.info”

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 44