Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 04-09/11/19: Giá tăng tốt.
Giá cà phê trên 2 sàn phái sinh tuần qua tăng mạnh. Thị trường cà phê trong nước đã vượt khỏi khu vực thấp 32 triệu đồng để lên 33 triệu đồng/tấn trong ngày đầu tuần này. Xu hướng giá cà phê xem ra vẫn còn tốt, nhưng chắc không xuất phát từ yếu tố cung-cầu.
Bối cảnh thị trường
Khả năng Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại hạ nhiệt đưa ngọn gió tích cực vào thị trường tài chính thế giới. Tác động tích cực ấy đã giúp các nhà đầu tư chuyển luồng vốn từ sàn giao dịch vàng, nơi trú ẩn các rủi ro kinh doanh tài chính, sang thị trường hàng hóa năng lượng và nông sản.
Nhưng một bất ngờ đã xảy ra ngay ngày 08/11/19. Chính quyền Mỹ không đồng ý dỡ bỏ hàng rào thuế nhập khẩu áp đặt lên hàng từ Trung Quốc. Căng thẳng thương mại Mỹ-TQ quay trở lại. Giới đầu tư lo lắng thị trường phải đối mặt với những thất thường trước khi đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ-TQ. Giá thị trường chứng khoán Âu Mỹ phiên cuối tuần chững lại. Giá hai sàn cà phê phái sinh có phần mất hứng và chỉ tăng nhẹ ngày 08/11/19.
Đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) giảm giá so với Usd khi nghe tin Tòa Án Tối cao Brazil thả tự do cho cựu Tổng thống Brazil vào chiều 08/11/19 sau hơn 1 năm rưỡi ngồi tù vì bị cáo buộc tham nhũng. Ông Lula Da Silva hứa hoạt động chính trị trở lại. Đồng Brl mất giá giữa lo ngại thế lực đối lập từ phía ông Lula sẽ gây khó khăn cho các chính sách kinh tế của chính quyền Brazil hiện thời.
Giá kỳ hạn
-Phiên giao dịch cuối tuần 08/11/19, giá robusta London chốt 1.384+6 Usd/tấn; giá arabica đạt 109.45 cts/lb+0,35. Một kết thúc khá khiêm tốn sau chuỗi ngày tăng mạnh trong tuần.
-Sàn New York hết hạn giao dịch thị trường quyền chọn vào đúng ngày cuối tuần. Có thể các mức quyền chọn mua và chọn bán đã đạt mục tiêu. Vì thế, sàn này hoạt động khá trầm lặng vào phiên cuối tuần trước.
-Giá London trong tuần lên mức cao nhất (1.387) tính từ 13 tuần nay. Chuỗi tăng giá mạnh và với thời gian khá dài (từ 25/10/19) từ 1.211 đến 1.387 USD/tấn. Chuỗi giá tăng này còn tiếp tục hay tạm dừng sẽ được bàn luận tại phần 2 của bài này.
Giá trong nước
-Giá cà phê trong nước tăng nhờ sức mạnh của giá kỳ hạn. Giá cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ tăng lên mức 33,5 triệu đồng/tấn, từ mức thấp tuần trước 32,5 triệu đồng/tấn.
-Cà phê xuất khẩu loại 2 như trên giao về các cảng quanh TP. HCM được trả quanh mức 34-34,2 triệu đồng/tấn. Nếu phiên ra Usd, mức này tương đương với 1.470 Usd/tấn. Như vậy, giá tại cảng lên hàng cao hơn mức giá niêm yết sàn London +86 Usd/tấn cơ sở giao dịch tháng 01/20.
Dự báo tuần từ 11-15/11/2019: Liệu đã hoàn thành một đợt tăng?
Xét về mặt kỹ thuật dựa trên mức đóng cửa 08/11/19 tại 1.384 (biên độ dao động cả tuần 1.387-1.322), xuất hiện nhiều điểm thú vị.
-Phiên cuối tuần trước, giá sàn robusta đứng ngay tại vị trí “cửa ngõ” của hướng lên và xuống. Các điểm 1.384/1.387 đã từng xuất hiện nhiều lần trong tháng 08/19. Ngày 08/11/19, giá đỉnh và đóng cửa nằm ngay tại các điểm này (1387 đỉnh và 1.384 đóng cửa).
-Điều cần nghi ngờ nhất là lượng hợp đồng giao dịch (volume) trong phiên ở mức trung bình yếu (10.679 hợp đồng). Liệu đó có phải là một báo hiệu cho thấy sức mua bắt đầu giảm? Các chỉ báo RSI 9 và 14 ngày đã vượt tỷ lệ tham chiếu 70% tức vào vùng mua quá mức. Nên cần thận trọng với tâm lý giá lên trong những ngày đầu tuần này là một điều không thừa.
-Nếu như London vượt và đóng cửa khỏi 1.387 theo hướng tăng với lượng giao dịch lớn, đó là dấu hiệu tìm về lại mức 1.400-1.405. Qua khỏi mức ấy, London tỏ rõ ý định muốn lên 1.427 lập ngày 29/07. Mức 1.427 cũng là điểm xuất phát cho đợt thoái trào để xuống 1.211.
-Còn nếu không vượt được vùng kháng cự 1.384-1.387 một cách dứt khoát, giá robusta sẽ quay đầu. Điểm dừng đầu tiên theo hướng xuống nằm tại vùng 1.350. Đó là vùng chỉnh theo phương pháp Fibonacci 38,2% tính giữa đỉnh và đáy 1.510 và 1.212.
-Nhìn cho trung và dài hạn, hướng tăng chỉ bền khi vượt khỏi 1.441 (MA 200 ngày). Hướng giảm nếu để mất 1.230, điểm xuất phát của kênh tăng xuất hiện ngày 25/10/19. Nhưng mức 1.230 đang ở quá xa so với mức đóng cửa hiện tại (1.384). Rủi ro chỉ xuất hiện khi London để mất 1.300.
-Hướng tăng/giảm trên sàn kỳ hạn London nằm trong tỷ lệ 50/50 đầu tuần nhưng phần giảm sẽ nặng hơn phía cuối tuần.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước
-Giá cà phê phái sinh robusta tăng khá thoải mái do chưa bị lực bán từ các thị trường xuất khẩu, nhất là từ Việt Nam.
-Cơn bão Nakri được dự báo sẽ gây mưa gió lớn và chuyển thành áp thấp nhiệt đới đem mưa về trên vùng cà phê trọng điểm Tây Nguyên sẽ không tạo áp lực bán lên sàn London. Ngược lại, có thể giúp cho giá cà phê trong nước vững thêm.
-Giá kỳ hạn cà phê vẫn chưa bị ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định của Mỹ khi chưa muốn dỡ bỏ hàng rào thuế nhập khẩu đối với hàng TQ. Ảnh hưởng này có thể sẽ làm chững lại hướng tăng của giá kỳ hạn cà phê trong những ngày tới, theo chân các sàn giao dịch tài chính quốc tế.
-Đồng Brl dễ bị thương tổn khi thỏa thuận thương mại Mỹ-TQ chưa đi đến đâu. Một đồng Brl yếu sẽ làm giá cà phê không tăng, thậm chí ngược lại.
-Trong bối cảnh kỹ thuật và thông tin cơ bản trên thị trường kỳ hạn và hàng thực, giá cà phê trong nước có thể quanh mức 33 triệu đồng trở lên, tương đương với giá tuần trước. Nếu như giá London giảm, giá cà phê trong nước vẫn khó giảm do giam cung ứng vì mưa bão.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 69
2 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.