Nhận định giá cà phê thế giới từ 10-15/06/2019: Giá cà phê biến động mạnh từng ngày

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 03-08/06/19: Cả tuần giảm dù lập được đỉnh mới

Giá kỳ hạn cà phê London tuần qua thúc thủ dưới mức tâm lý quan trọng 1.500 Usd/tấn và chỉ lập đỉnh ở 1.491 là mức cao nhất trong vòng 2 tháng nay. Thị trường kỳ hạn chứng kiến một ngày giá sụp đổ mạnh với mức đóng cửa trong ngày giao dịch 05/06/19 giảm 71 Usd/tấn.

Sau ngày rớt thêm thảm ấy, sàn robusta đã chỉnh tăng nhưng các cố gắng vẫn không cứu vãn được tình thế để rồi so với 7 ngày trước giảm 48 chốt cuối tuần tại 1.430 Usd/tấn (hình 1).

Đồng lúc với sàn robusta, giá arabica New York lìa khỏi mức cao nhất tính từ 3 tháng rưỡi nay tại 106.15 cts/lb để rớt sâu xuống 97.90 cts/lb và chốt chung cuộc ngày 07/06/19 tại 100.95 cts/lb, cả tuần mất 3.65 cts/lb hay 80,5 Usd/tấn (hình 1).

Thị trường cà phê trong nước dao động trong vùng từ 32,5-34,5 triệu đồng mỗi tấn và cuối tuần trước giá robusta cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ còn quanh khu vực từ 32-33,2 triệu đồng mỗi tấn tuỳ theo khoảng cách từng vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên so với các cảng quanh TP. HCM.

Một điều đáng ghi nhận là tác động từ yếu tố tiền tệ không gây bất kỳ một áp lực nào trên sàn trong tuần qua. Chỉ số đồng Usd liên tục đi xuống vẫn không cứu được giá kỳ hạn cà phê. Giá trị đồng Usd giảm thường tạo thêm sức mua hàng hoá giúp thị trường tăng, nhưng đợt này lại không tạo ảnh hưởng đúng như quy luật ấy (hình 2).

Đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) cũng tăng từ 3,92 lên 3,88 Brl ăn 1 Usd. Một đồng Brl được giá thường làm giảm năng lực bán xuất khẩu, phần nào giúp giá tăng. Tuần qua lại tác động ngược.

Giá kỳ hạn 2 sàn cà phê theo mặt bằng chung khi chỉ số rỗ hàng hoá CRB vẫn trong thời kỳ xuống (hình 2 -174 so với 177 điểm vào cuối 2018).

Như vậy, biến động giá tuần qua chỉ có thể giải thích được rằng khi giá hai sàn kỳ hạn cà phê dâng cao, sức ép bán hàng thực từ các nước sản xuất gồm bán mới và chốt giá các hợp đồng đã giao vào kho quá mạnh đã cắt ngọn giá London và New York.

Dự báo tuần từ 10-14/06/2019: Giá đi theo chiều lên, đỉnh và đáy sau cao hơn trước.

Lấy đỉnh 1.630 ngày giao dịch 01/02/19 làm điểm xuất phát, giá kỳ hạn London đi theo kiểu đỉnh và đáy trước cao hơn sau để chạm 1.267 là đáy lập ngày 08/05/19. Từ điểm thấp nhất này, thị trường bung tăng ngược trở lại với đỉnh và đáy sau cao hơn đỉnh và đáy trước cho đến khi chạm 1.491 vào ngày giao dịch đầu tuần trước 03/06/19. Tại đây, giá London bị cắt ngọn và dội xuống 1.402, rồi từ đấy lại nâng dần trong 2 ngày giao dịch gần nhất.

Biên độ dao động trong phiên giao dịch kể từ 08/05/19 rất rộng, tăng cao và giảm sâu, nhưng đồ thị khẳng định rằng đỉnh và đáy mỗi lúc một cao hơn. Dù cả tuần trước mất 48 Usd để chốt tại 1.430, giá London cho thấy đang theo hướng tăng theo một con sóng ngắn.

Cuối tuần trước, đỉnh giao dịch dừng tại 1.444 nhưng vẫn còn cơ hội để vượt qua mức này để tìm 1.448 rồi tìm lên vùng 1.479, là điểm gặp của đường bình quân động 5 và 100 ngày (hình 3).

Biên độ có thể làm thay đổi hướng giá hiện nay theo hướng tăng phải vượt 1.491 và theo hướng giảm khi mất 1.402 hay cẩn thận hơn nên nói 1.393 hay là điểm gặp đường BQĐ 20 ngày. Mất điểm này, giá London có thể giảm xung lực và kích các quỹ đầu tư tài chính bán ra (hình 3). 

Chỉ báo RSI 9 và 14 ngày đang ở khu vực trung tính (hình 2) nên khả năng tăng và giảm trong tuần là 50/50. Tuy nhiên, biểu đồ kỹ thuật cho thấy xuất hiện một kênh tăng để tìm lên vùng 1.440 đến 1.480 (hình 2).

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Có lý do để giá cà phê trong nước không giảm sâu

Thị trường cà phê nội địa tuần này, nếu đứng về kỹ thuật giá robusta London mà xét, có thể nằm trong vùng 32,5 đến 34,5 triệu đồng mỗi tấn, tuỳ theo từng vùng nguyên liệu. Nhưng nhìn chung được giữ vững cho đến tăng nhẹ. Nếu như có đột biến qua vùng 1.491, giá cà phê trong nước sẽ có cơ hội lên 35 triệu đồng, nhưng khả năng này khá hạn hữu.

Thật ra, giá nội địa đến nay rất khó xuống vì các lý do:

1) Các nhà xuất khẩu đã tranh thủ chốt các hợp đồng chờ bán trước đây tại khu vực 1.470 trở lên. Như vậy, lượng hợp đồng cà phê xuất khẩu còn treo không nhiều để tạo đủ áp lực cho giá xuống sâu.

2) Tồn kho trong tay các doanh nghiệp cung ứng và nông dân không còn nhiều. Họ đã cất công chờ giá, nên từ 34 triệu đồng mỗi tấn trở lên mới xem xét bán, nhưng sẽ không có khối lượng đủ để gây áp lực bán mạnh.

3) Giá xuất khẩu cà phê cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ đã từ mức trừ sang mức cộng với giá đã giao dịch quanh mức +70/+90 Usd/tấn FOB, tương đương với 35,7 triệu đồng mỗi tấn chưa trừ chi phí làm hàng và tài chính (tỷ giá VndUsd 23.340 Vnd theo Vietcombank ngày 07/06/19).

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 336