Diễn biến thị trường tuần trước: Giá cà phê phái sinh lên đỉnh mới, cà phê nội địa lên cao nhất trong niên vụ.
Thị trường tài chính thế giới trong đó có hai sàn cà phê tuần qua bị lôi kéo bởi nhiều thông tin thật giả lẫn lộn với nhiều ước đoán và tin đồn nhiều chiều. Khi thị trường đang chịu tác động phần lớn vào dòng tiền, vốn đang được các nước phát triển cung ứng không tiếc tay để cứu nền kinh tế của họ, thì yếu tố cung cầu trở thành thứ yếu. Thị trường tài chính có một tuần biến động mạnh không riêng gì trên các sàn chứng khoán mà cả các sàn hàng hóa phái sinh, giá trị đồng Usd (DXY) cũng dao động mạnh và thất thường không thua gì các sàn giao dịch khác.
Tin đồn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cuốn chiếu chương trình mua lại trái phiếu do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh. Nhưng điều đó đã được giới lãnh đạo Fed khẳng định sẽ không xảy ra một sớm một chiều vì “tuy nền kinh tế đã được cải thiện và đang đi trên quỹ đạo tích cực, nhưng còn rất xa với chỉ tiêu đặt ra”. Báo cáo thất nghiệp chính thức đưa ra con số không như tin đồn, đã làm giới kinh doanh tài chính phải ào quay lại mua đồng Usd sau khi nghe theo các bình luận ngược chiều trước đó.
Chỉ số giá trị đồng Usd có ngày (03/06) nhảy từ 89,88 điểm lên đến 90,50 điểm nhưng ngày ngày hôm sau từ đỉnh lại rớt về 90,01 điểm để đóng cửa tại 90,12 điểm. Giá cà phê chịu tác động mạnh bởi yếu tố tiền tệ này nên dao động trong ngày 04/06 đến gần 60 Usd (1.590-1.647).
Trong khi đó, giá cước vận tải biển vẫn chưa dịu. Ngược lại, lãnh đạo một hãng tàu lớn trên thế giới đã đưa đề xuất tăng phí lên thêm 150 Usd/tấn hàng hóa để đầu tư công nghệ cho mục tiêu bắt buộc 0% khí thải cho các phương tiện vận tải biển bắt đầu kể từ năm 2030. Không nhất thiết đặt vấn đề “ai phải trả” chi phí ấy, nhưng chắc chắn giá cước tàu vẫn cao và hướng tăng là chủ đạo.
Đối với một nước xuất khẩu nông nghiệp với trên 70% dân số sống có liên quan đến nông nghiệp, ngay cả 90-95% sản lượng cà phê Việt Nam đều để xuất khẩu, chủ yếu qua đường biển, thì chỉ nguyên khó khăn trong khâu hậu cần cũng nên được tính toán để tháo gỡ ngay lập tức bằng tất cả các biện pháp có thể.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn của 2 sàn được ghi nhận như sau: sàn arabica New York tăng lên 125.770 tấn so với tuần trước là 124.002 tấn, sàn robusta thuộc sàn London giảm xuống 156.140 tấn so với tuần trước là 159.050 tấn.
Tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng: Dự báo của ICO
Báo cáo định kỳ tháng 05/2021 của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) ước rằng lượng tiêu thụ cà phê niên vụ 2020-2021 toàn cầu sẽ đạt 167,56 triệu bao bao=60 kg) chứ không như con số cũ là 166,35 triệu bao. Do vậy, lượng cà phê thặng dư trong kỳ sẽ nhỏ lại về 2,02 triệu bao so với lần đoán trước là 3,3 triệu bao.
Lo các nhà cung ứng cà phê Brazil “xù hàng”
Sau 13 năm giá cà phê trong nước lao đao, nông dân cà phê Brazil đã phấn khởi chốt bán trước các hợp đồng giao sau qua những đợt tăng trong tháng Tư và Năm. Nay giá phái sinh bung mạnh hơn, có lúc arabica lên đỉnh cao nhất tính từ 4 năm rưỡi. Gặp phải lúc mất mùa, đồng nội tệ Brazil tăng trong cặp tỷ giá UsdBrl, các nhà xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn do thu hàng không đủ. Một số nhà thu mua nội địa đang tính chuyện thanh lý đền hợp đồng bằng tiền (wash-out).
Giá hai sàn phái sinh cà phê tuần qua tăng cũng có yếu tố này. Do lo ngại không có hàng giao, một số hãng kinh doanh buộc phải mua lại trên sàn, giúp giá càng tăng cao. Mới đây, có nguồn tin rằng các quỹ đầu tư sẽ mua mạnh trên hai sàn phái sinh, thì có thể đây chính là nguyên nhân.
Giá cả
Tuần đầu tiên của tháng 06/2021, giá cà phê nội địa tiếp tục tăng tốt lên mức 35,3 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất tính từ đầu niên vụ 2020-2021.
Được vậy là nhờ giá cà phê phái sinh lên mức cao. Tính tuần với tuần đến hết ngày 04/06/2021, kết quả như sau:
-Giá sàn robusta lên đỉnh cao nhất tính từ 2 năm rưỡi nay tại 1.647 và đáy trong tuần cũng được nâng lên 1.585, gần 100 Usd cao hơn so với tuần trước đó để chốt tại 1.638 Usd/tấn, cả tuần tăng 33 Usd/tấn.
-Giá đóng cửa sàn arabica giảm nhẹ, mất 0.65 cts/lb hay chỉ 14 Usd/tấn nhưng đỉnh lên mức cao nhất 4 năm rưỡi tại 168.65 sau khi chỉnh về đáy 157.20 cts/lb.
-Dù giá phái sinh tăng, giá cà phê xuất khẩu loại 2 tối đa 5% đen vỡ vẫn được giữ nguyên. Khách chào mua tại mức -20 đến -50 Usd/tấn Fob thấp hơn giá niêm yết sàn phái sinh nhưng người chào bán muốn bằng giá London. Như vậy, hai bên mua và bán chưa gặp nhau về giá.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 07-11/06/2021: Hướng tích cực sẽ bị hóa giải nếu…
Đóng cửa phiên gần nhất ở 1.638, tức tại khu vực kháng cự rất cứng là 1.638-1.642 sau khi chạm thử 1.647 ngay ngày cuối tuần, đồ thị cơ sở giao dịch kỳ hạn tháng 09/2021 được nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp cho thấy rằng:
Nằm ngay tại 1.638 chính là một câu đố đang để ngỏ cho hai đường lên và xuống vì 1.638 đang nằm ngay “tâm bão”.
-Nhìn theo hướng tăng: Cú bật lên 1.647 vừa được xem như một cú trượt lên khỏi vùng kháng cự thành công để tăng tiếp, nhưng cũng chỉ dùng tại đó mà chưa màng đến vùng 1.656, là tỷ lệ 108,00% so với 0,00% tại 1.260 tính theo Fibo. London cần phải thử lại 1.647 để tiến lên “đánh” vùng 1.656 sau đó là 1.689 ở tỷ lệ 117,00% (1). Nhưng bao lâu London còn nằm trên 1.620 cơ sở tháng 09/2021 là vẫn còn tích cực. Như vậy để trở nên yếu, London còn chặng đường khá dài 18 Usd.
-Nhìn theo hướng xuống: Bất kỳ lúc nào, nhất là khi đóng cửa dưới 1.619, khả năng về nhanh vùng 1.600. Nếu như không trụ nổi trên mức 1.600, sàn này nhanh chóng xuống tìm 1.560.
Hiện nay, lượng hợp đồng của các quỹ đầu tư tài chính trên sàn này ở mức gần 35 nghìn lô nằm bên phía dư mua. Đây là khối lượng dư mua lớn nhất của các quỹ đầu tư tài chính trên sàn này tính từ 4 năm trở lại.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá nội địa tăng nhưng chỉ bán quanh trong nước.
Cơ hội bán để thu phục thị phần xuất khẩu đang mở ra khi có tin xuất khẩu cà phê Brazil khó khăn chủ yếu do giá phái sinh và thị trường nội địa tại đó lên nhanh, trước bán rẻ nay tăng quá cao, hàng không thu đủ.
Thông tin của Bộ Công thương ước xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt 720 nghìn tấn trị giá 1,3 tỷ Usd, giảm 11,4% về lượng và 5% về giá trị.
Tuy vậy, một số khách mua cho biết chưa thể mở kho nhận thêm hàng nếu như chưa đưa một lượng hàng đáng kể ra khỏi nước.
Giá cà phê nội địa vẫn tăng theo giá phái sinh, một phần là do cà phê bán tay trao tay, đã nâng dần giá nội địa lên nhờ tác động tích cực của thị trường phái sinh.
Giá cà phê trong nước theo trung hạn có thể còn tăng lên đến 36 triệu đồng/tấn. Nhưng muốn tăng cao hơn, cà phê trữ tại các kho ngoại quan của người mua cần giảm mạnh, ít ra vài trăm nghìn tấn.
Còn trước mắt trong tuần này, giá cà phê tiêu chuẩn xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ dự kiến dao động trong vùng 35,6 ở mức cao và 34,6 triệu ở phía thấp.
Nguyễn Quang Bình
Trích nguồn: NCIF
Hits: 23