Nhận định giá cà phê thế giới từ 07-12/02/2022: Những tác động tiêu cực lên giá cà phê trong nước cần lường trước

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Yếu tố nào ảnh hưởng thị trường cà phê nhiều nhất trong năm Nhâm Dần?

Trong khi các nhà sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam nghỉ Tết Nhâm Dần trong yên bình thì giới kinh doanh và đầu tư trên thị trường tài chính các nước sôi động và đầy sóng gió.

Tỷ lệ lạm phát năm 2021 tăng cao tại nhiều nơi như Mỹ 7% là mức cao nhất tính từ thập niên 1980 và EU lên 5,1% là mức đỉnh từ khi thành lập liên minh này đã khiến các nhà hoạch định chính sách tính toán lại đường hướng mới trong điều hành tiền tệ, chủ yếu theo hướng cứng rắn hơn.

Thống đốc ngân hàng trung ương nhiều nơi đã “báo cờ hiệu” tăng lãi suất điều hành từ Mỹ đến Vương Quốc Anh, Canada, Brazil…Trừ vùng sử dụng đồng euro (eurozone) đang còn lấn cấn nhưng người ta tin không sớm thì muộn ngân hàng trung ương EU (ECB) cũng sẽ theo chân các nước để tăng lãi suất điều hành.

Chỉ số giá trị đồng USD Mỹ biến động mạnh bộc lộ giới đầu tư đang tìm cách tư bảo vệ mình. Giá trị đồng Reais Brazil trong cặp tỷ giá Usd/Brl vững lên từ mức 5,50 Brl lên vùng 5,30 Brl ăn 1 Usd. Giá cổ phiếu Mỹ tuần đầu tháng 02/2022 giảm dưới sức ép thay đổi chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành đã khiến các sàn hàng hóa thương phẩm có cơ hội tăng giá. Dầu thô vượt khỏi mức 90 Usd/thùng, kim loại vàng biến động dữ dội nhưng về nằm trên 1.800 Usd/ounce, giá hai sàn cà phê kỳ hạn tháng 05/2022 cũng có dịp nhận được vốn thoát ra từ các sàn chứng khoán như một kênh bảo vệ (hedging).

Thị trường hàng hóa cũng đang lo cuộc khủng hoảng logistics chưa thể kết thúc trong năm nay dù dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm lây lan. Giá cước tàu biển chở container vẫn cao và khả năng còn tăng cao. Chi phí chuyên chở tăng kích thêm lạm phát tại các nước tiêu thụ. Giới phân tích thị trường đang lo nếu giá hàng hóa thương phẩm tăng quá cao có thể ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu thụ dù nhiều nước đang tính toán cho phép quán xá, cửa hàng hoạt động lại bình thường.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê tại các vùng tiêu thụ

Điều đáng ghi nhận nhất trong tuần đầu tháng 02/2022 là tốc độ rút hàng tồn kho cà phê đạt chuẩn tại cả 2 sàn cà phê rất mạnh, có ngày mỗi sàn chứng kiến trên cả 1.000 tấn cà phê ra khỏi kho. Đây là lý do khiến giá cà phê trên 2 sàn tăng trở lại.

Tính đến 03/02/22, tồn kho đạt chuẩn arabica còn 68.034 tấn so với đầu năm là 90.389 tấn, robusta còn 92.440 tấn so với 97.120 tấn trong cùng kỳ báo cáo.

Tồn kho cà phê khả dụng tại Bắc Mỹ tính đến 03/02/22 còn 350.022 tấn, tương đương với nhu cầu chế biến của 10 tuần rưỡi, cộng với hàng đang trung chuyển đến các lò rang xay không được báo cáo thì vẫn đủ cho nhu cầu tiêu thụ của 13-14 tuần.

Brazil

Trong tháng 01/22, ước Brazil xuất khẩu chừng 178.093 tấn giảm so với cùng kỳ 2021 là 221.966 tấn. Nhưng thị trường không mấy ngạc nhiên vì sản lượng cà phê năm kinh doanh 2021 của nước này nằm trong chu kỳ mất mùa. Phải đến tháng 04 hàng robusta vụ được mùa của 2022 sẽ ra và tháng 07 có arabica. Thị trường lượng định khối lượng xuất khẩu của nước sản xuất cà phê số 1 thế giới sẽ lớn dần khi vào sâu trong năm nay.

Giá cả

Hiệu suất đầu tư:

Đến ngày 31/01/22, tính hiệu suất đầu tư cho 52 tuần trên sàn cà phê arabica tăng 77% và robusta tăng 54%. Sau một tuần tính đến 04/02, sàn arabica còn tăng thêm 2,54% và sàn robusta tăng 1,33%. Dù vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, giá trên sàn robusta vẫn mất 4,20% hay giảm 97 Usd/tấn nhưng giá arabica tăng 7,28% hay 16,45 cts/lb tương đương với 363 Usd/tấn.

Chính vì thế mà giá cách biệt giữa 2 sàn đã giãn ra từ 137 cts/lb lên trên mức 142 cts/lb. Trong thời gian mới đây, có lúc giá cách biệt giữa 2 sàn có lúc chạm 145 cts/lb rồi quay đầu. Như vậy, khả năng sàn New York còn có thể tăng mạnh hơn London nhưng chắc chỉ mức độ hạn chế.

Giá bán lẻ sản phẩm cà phê tăng

Trong năm 2021, giá các sản phẩm cà phê tại Mỹ bình quân tăng gần 5% nhưng cà phê tại các quán tăng chừng 25% (theo CNN). Tính từ đầu năm mới, nhiều sản phẩm cà phê bán lẻ đồng loạt tăng, từ 10% đến trên 50%. Tuy nhiên, cần phân biệt rằng trong lần tăng này nông dân cà phê không được hưởng lợi theo giá tăng trên sàn mà hầu hết đều được trả cho chi phí vận tải, nhất là cước tàu biển, đã có lúc tăng từ 80-100 Usd/tấn lên 400-500 Usd/tấn.

Giá cả thị trường

Sau một tuần tính từ cuối tháng 01/22, giá cà phê phái sinh kỳ hạn tháng 05/2022 có kết quả như sau:

Sàn London tăng 41 Usd chốt tại 2.213 (2.172/2.213) trong biên độ 2.160/2.230.

Sàn New York tăng 6.95 cts/lb hay 153 Usd/tấn đứng tại 242.45 cts/lb với dao động trong khung 244.90/234.45.

Thị trường trong nước cho loại 2, tối đa 5% đen vỡ quay lại tăng từ 39,2 triệu lên 40,4 triệu đồng/tấn. Một số nhà xuất khẩu mua đầu năm với giá tốt, có nơi chấp nhận giá quanh 41 triệu đồng/tấn theo kỳ vọng giá phái sinh còn lên nữa và giá xuất khẩu sẽ cải thiện sau Tết vì nhu cầu bán từ nông dân sẽ giảm.

Giá chào mua xuất khẩu loại 2 quanh -400/-420 Usd/tấn nhưng bên bán đòi cao hơn, chừng -350/-370 Usd/tấn Fob dưới giá London cơ sở kỳ hạn tháng 05/22.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 07-12/02/2022: Đứng giữa đôi dòng.

Đợt tăng tuần đầu tháng 02/22 của kỳ hạn tháng 05/22 như để tiếp quản những gì đã xảy ra trên kỳ hạn tháng 03/22. Đóng cửa tại 2.213 với biên độ cao/thấp nhất 2.230/2.160 gần đây, đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cho thấy rằng:

-Vùng 2.213 là vùng nhạy cảm. Ở tại vùng này, khả năng tăng/giảm là 50/50. Nếu như những ngày đầu tuần, giá robusta cơ sở tháng 05/22 vượt qua được 2.221/2.228 thì khả năng thu hút được người mua để giá có thể xé rào khỏi 2.230 để đi thêm 25-30 Usd nữa.

Nhưng London chỉ tăng xa hơn và bền vững hơn chỉ khi nào có giá đóng cửa trên 2.260/2.270. Bằng không, đợt tăng trong tuần trước nên hiểu chỉ là một cú củng cố để chuẩn bị đi xuống.

Nút quan trọng để London bị kích bán đang nằm tại 2.196. Khi nào có giá đóng cửa dưới 2.196, London dễ chạy xuống 2.180 và từ đây đà rớt có thể đi thêm 30-40 Usd nữa.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Cần lường trước những tác động đến giá cà phê trong nước.

Hoạt động kinh doanh đã trở lại sau đợt nghỉ Tết dài ngày. Tuy nhiên, áp lực bán ra đầu năm âm lịch tại thị trường trong nước còn rất nhỏ.

Một số tác động trực tiếp của giá trên sàn theo hướng tiêu cực khiến người mua phải tính đến, có lẽ sẽ ảnh hưởng đến giá cà phê trong nước trong thời gian tới:

-Các quỹ đầu tư tài chính trên 2 sàn cà phê đang có khuynh hướng bán thanh lý bớt khối lượng hợp đồng dư mua trên cả 2 sàn, làm giá giảm hay nếu có tăng cũng chỉ hạn chế. Tính đến ngày khóa sổ vị thế kinh doanh ngày 01/02 của sàn New York 52.097 lô so với 57.455 lô và London 31.148 lô so với 39.400 lô lập ngày 07/01/22. Nếu các quỹ đầu tư cứ theo đà rút dần lượng hợp đồng dư mua, giá khó mong tăng đột biến nếu không có một tin tức gì làm thay đổi quan niệm của giới kinh doanh trên sàn về cung cầu, có lợi cho giá.

-Chỉ số giá trị đồng Usd/DXY đang diễn biến phức tạp nhưng xu hướng có thể mạnh dần do chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ. Đặc biệt trong tuần này, tâm lý kinh doanh của giới đầu tư càng lo ngại vì ngân hàng trung ương Mỹ đang có cớ để tăng lãi suất mạnh hơn khi lượng người tìm được công ăn việc làm tăng trong tháng qua và lương bình quân của người lao động Mỹ năm 2021 cũng tăng trên 5%.

-Giá cước vận tải tàu biểu cao, người mua tìm cách khấu trừ trong giá mua.

-Trong tháng này, hai sàn cà phê phái sinh đều có ngày thông báo giao hàng đầu tiên (FND) cho kỳ hạn tháng 03/22 với sàn arabica 17/02 và London 23/02. Chỉ cần một vài lần tăng tồn kho đạt chuẩn, sức ép bán những hợp đồng bất lợi sẽ xuất hiện. Trước các ngày trên, không nhiều thì ít áp lực thanh lý những hợp đồng mua hay treo bán (short differential) cũng tạo nên một số lần giá giảm.

Nhìn theo cách trên, giá cà phê nội địa khó có cơ hội bùng phát trong giai đoạn hiện nay dù lượng tồn kho đạt chuẩn của 2 sàn thời gian gần đây giảm rất mạnh. Hơn nữa, vụ thu hoạch robusta của Brazil và Indonesia sắp vào (khoảng tháng 04 và 05/2022) và một khi giá tăng trên sàn, những đợt tranh thủ bán trước từ hai nước này là không thể tránh khỏi.

Dự kiến giá cà phê trên thị trường nội địa quanh mức 39-41 triệu đồng/tấn thiên về chiều thấp nhiều hơn.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 33