Nhận định giá cà phê thế giới từ 03-09/07/2022: Giá cà phê cuốn theo cơn bão tài chính

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Giá robusta nửa đầu năm 2022 giảm 11%.

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London và New York tháng 09/2022)

Lạm phát và lãi suất điều hành tại nhiều nước tăng mạnh và nhanh khiến giới đầu tư tài chính tháo chạy khỏi các sàn giao dịch tài chính. Nhiều ngân hàng hạn chế cung cấp tín dụng, các nhà kinh doanh sốt ruột và cẩn thận cũng làm giá hàng hóa liêu xiêu.

Giá trên khắp các sàn tài chính đều lao dốc. Chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm 21% từ đầu năm đến hết quý 2. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đầy sóng gió khi VN-Index giảm 20% tương ứng vốn hóa HoSE giảm gần 50 tỷ Usd hay 1,2 triệu tỷ đồng VN.

Nhiều người tin rằng nhờ lạm phát chắc làm giá kim loại vàng vượt đỉnh lập năm 2011. Nào ngờ thời hoàng kim ấy không trở lại trong nửa đầu năm vừa qua dù hàng kim loại vàng thường được tin dùng làm nơi trú ẩn an toàn. Chỉ bốn tháng gần đây, giá vàng mất 15% để còn 1.813 Usd/ounce cuối tuần trước. Giá dầu thô cũng dịu lại còn quanh 110 Usd/thùng dù cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn còn căng thẳng và nhiều nước phương Tây còn lăm le trừng phạt Nga.

Dịch Covid-19 với biến thể BA.5 ngắt chuỗi giảm số người lây nhiễm trên toàn cầu tính từ tháng 03/22 nay đang tăng trở lại. Chỉ trong tuần trước, toàn cầu có 4,1 triệu ca lây nhiễm, tăng 18% so với tuần trước đó với hơn 8.500 ca tử vong. Dịch Covid-19 vẫn chưa hết đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới và tiêu thụ cà phê.

Vậy là nửa đầu năm, sàn London mất 253 Usd hay âm 11,07%, riêng quý 2 mất 93 Usd tức -4,37%  và New York tăng 5,60 cts/lb hay +2,49% nhờ quý 2 tăng 8.90 cts/lb hay +4,02%. Tuy nhiên, phiên đầu tháng 07/22, giá arabica mất 5.45 cts/lb và robusta mất thêm 27 Usd/tấn.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 30/06, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 108.300 so với 104.610 tấn, arabica New York tiếp tục giảm mạnh xuống 887.431 bao hay 53.245 tấn so với 969.421 bao hay 59.918 tấn, là mức thấp nhất tính từ hơn hai mươi hai năm.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam

Tổng cục Thống kê Việt Nam ước xuất khẩu cà phê trong tháng 6 đạt 2,41 triệu bao, tăng 13,30% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy xuất khẩu cà phê trong chín tháng đầu niên vụ cà phê 2021-22 ước đạt tổng cộng 19,87 triệu bao, tăng 7,35% so với năm trước đó.

Việt Nam vào mùa mưa bão 2022 với cơn bão số 1 đã xuất hiện. Dự kiến có chừng 10-12 cơn bão từ nay đến cuối năm.

Xuất khẩu cà phê Indonesia

Tính trong 8 tháng đầu niên vụ hiện hành đến 31/05/22, Indonesia xuất khẩu được 2.052.670 bao (bao=60 kg), giảm 19% so với cùng kỳ 2021.

Giá cả

Mùa hè thường là giai đoạn giao dịch cà phê khá trầm lắng. Năm nay, thị trường không nằm ngoài tình hình chung ấy nhưng…chỉ có cà phê thực tức thị trường xuất khẩu. Giá cả trên các sàn tài chính cà phê vẫn dao động rất mạnh do các trận “cuồng phong” do chính sách tiền tệ các nước mang lại.

Giá trị đồng nội tệ Brazil giảm mạnh xuống mức thấp nhất tính từ gần 20 tuần nay để 1 Usd ăm 5,32 Brl. Đây là yếu tố cộng hưởng làm giá cà phê tuần qua rớt mạnh thêm.

Tính cả tuần đến 01/07, giá cà phê phái sinh kỳ hạn tháng 09/22 như sau:

-Robusta London chốt tại 2.006 Usd/tấn so với 2.044 Usd trong biên độ 2.082-2.001.

-Arabica New York giảm 1,40 cts/lb 31 Usd/tấn chốt tại 224.65 cts/lb. Đặc biệt trong ngày đầu tháng 07/22, sàn arabica dao động dữ dội trong biên độ 13 cts/lb, đã chạm mức cao nhất tuần nhưng phải bỏ đỉnh do đồng Brl quá rẻ.

-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ dao động trong vùng 43,3-44,5 triệu đồng/tấn, mỗi tấn giảm 0,5 triệu đồng.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 04-08/07/2022: Tuần quyết định giá lên hay xuống

Các cứ điểm kháng cự trên sàn robusta mất dần, hết vùng 2.090 rồi đến 2.030 và thực tế tuần trước cho thấy giá đã chạm 2.001 để đóng cửa tại 2.006.

Hình 2 Đồ thị giá robusta London cơ sở tháng 09/22 (nguồn: barchart.com)

Từ mức này, để quay trở lại theo hướng tăng, London phải làm lại từ đầu, phải vượt vùng 2.030 (Fibo 117,0%) tại 2.037, rồi 127,2% tại 2.090 để có cơ hội phục hồi 2.150 (Fibo 138,2% tại 2.148).

Trên đường đi lên, giá sẽ được kích hoạt nếu vượt khỏi 2.029 (MA5) rồi 2.075/2.080 (MA20/50).

Mức đáy tuần trước 2.001 đưa yếu tố kỹ thuật đến chỗ nghi vực: hay là không dám đụng mức tăm lý quan trọng, hay là cái bẫy giá xuống? Tuần này giá London sẽ trả lời nhưng nếu như khi nào đó mất 1.989 (Fibo 108% của điểm xuất khát 1.420 (0,0%) thì giá không ngần ngại về 1.950 rồi 1.890.

Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn tuần trước giảm đến 5.097 lô để còn tổng lượng hợp đồng 16.185 hợp đồng dư mua. Với chừng ấy, họ có thể dây dưa mua lại để giúp giá phục hồi đôi chút nhằm tạo hấp dẫn trên thị trường. Nhưng nhìn theo đà chung cộng với tình hình căng thẳng về tài chính…thì rồi họ sẽ mua 1 mà rút 2.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Tại sao giá robusta phái sinh rớt?

Vẫn còn các phân tích trên thị trường báo rằng niên vụ hiện nay 2021-2022 sản lượng cà phê thế giới giảm do Brazil mất mùa theo chu kỳ, điều ấy không sai. Nhưng điều nhập nhằng là năm mất mùa ấy đã được tính xong và cà phê robusta hầu hết đã được tiêu thụ để cuối năm ngoái đẩy giá robusta (cơ sở tháng 09/22) lên đỉnh trên 2.300 Usd/tấn. Đến nay, hàng robusta Brazil mùa bội thu đã có mặt trên thị trường hơn hai tháng. Kết hợp với lượng robusta Việt Nam xuất mạnh và đồng nội tệ Brazil mất giá đã làm lung lạc thị trường mấy bữa nay như đã thấy.

Thực tế này được nhà môi giới Safras&Mercado (Brazil) khẳng định thêm khi họ đoán đến nay cà phê Brazil đã thu hái 40% (của sản lượng 61,1 triệu bao theo dự đoán của họ) tức chừng 24,5 triệu bao. Như vậy, tuyệt đại bộ phận cà phê được thu hái chính là con số này và chủ yếu là robusta. Con số này không thể là 50/50 của robusta và arabica vì arabica Brazil vào chính vụ hái bắt đầu từ tháng 7 và nghe tin hàng arabica có thể ra trễ như Safras&Mercado nhận định. So với tỷ lệ thu hái bình quân 5 năm là 44% thì ta có thể hiểu rằng do lượng cà phê nhiều, nên thu hái chậm hơn.

Như vậy, cà phê arabica Brazil hiện đang còn treo trên cây với một thị trường đang ngóng tin rét đậm rét hại. Nên giá cà phê có tăng chăng một khi có tin Brazil giá lạnh, thì phần ưu tiên đổ dồn lên sàn arabica hơn robusta.

Mặt khác, lượng tồn kho đạt chuẩn robusta càng lúc càng đến các kho thuộc sở giao dịch càng nhiều trong khi arabica thì bị rút đi. Dù hai sàn cà phê có một tuần giảm, nhưng giá robusta có phần dễ bị thương tổn hơn và giá mất đi khó được đền bù hơn là arabica.

Như vậy, dựa trên cái nhìn về cung cầu lên thị trường xuất khẩu robusta Việt Nam, những nhận định trên hầu như bất lợi. Đối với nông dân Brazil, họ theo dõi thông tin về tỷ giá rất sát sao nên thường tranh thủ bán tất tay trong khi đồng nghiệp của họ tại Việt Nam thường ơ hờ với yếu tố này, vốn cực kỳ quan trọng trong thời kỳ các ngân hàng trung ương và Fed làm giá.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 88