NHẬN ĐỊNH GIÁ CÀ PHÊ THẾ GIỚI TỪ 03-08/06/2019: GIÁ CÀ PHÊ CÒN NÓNG?

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 27-31/05/19: Tăng mạnh với biên độ dao động lớn. 

Hình 1

Lịch sử diễn biến giá trên 2 sàn kỳ hạn tuần kết thúc ngày 31/05/19 đã không lặp lại. Nếu như 4 tuần trước đó giá luân phiên tuần tăng tuần giảm, thì tuần qua 2 sàn cà phê chứng kiến tuần thứ hai liên tiếp có giá tăng rất mạnh.

Vượt tất cả các mức kháng cự ở vùng dưới, giá robusta London ngày cuối tuần trước chạm đỉnh ở 1.482 usd/tấn để đóng cửa chốt tại 1.478 usd/tấn với chung cuộc tăng 90 Usd/tấn, tương ứng với arabica New York 105.30 và 104.60 cts/lb, cả tuần sàn này 10.30 cts/lb hay +227 Usd/tấn.

Biên độ dao động giữa mức thấp/cao nhất rất rộng: London 172 Usd/tấn (1.482-1.355) và New York 12.70 cts/lb (105.30-92.60) hay 280 Usd/tấn.

Các thông tin lo ngại rét đậm rét hại ở các vùng trồng cà phê Brazil hầu như không có tác động trực tiếp lên đợt tăng giá mạnh trong 2 tuần vừa qua. Nền nhiệt độ đo được trong ngày 01/06/19 tại tất cả các vùng cà phê Brazil đều có mức từ 17-27 C, rất xa với mức quanh 0C để có thể tạo sương giá gây thiệt hại đến sản lượng cà phê cho nước này năm sau.

Hình 2: Diễn biến cặp tỷ giá UsdBr

Loại yếu tố thời tiết Brazil ra khỏi các ‘’chất xúc tác’’, giá 2 sàn cà phê tăng nóng có thể do:

1) Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu 2019 giảm 13,1%;

2)  Đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) sau khi vượt lên trên mức thấp 4 Brl ăn 1 Usd nay là 3,92 Brl.

3) Hai sàn cà phê được chọn làm nơi trú ẩn vốn khi các sàn chứng khoán Âu-Mỹ giảm mạnh ngày cuối tuần. Khuya thứ Năm (30/05/19 giờ Hoa Kỳ), chính quyền Mỹ đã cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu tất cả hàng hoá từ Mexico với 5% kể từ 10/06 và lên đến 25% từ 01/10/19 nếu Mexico không ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp từ các nước Nam và Trung Mỹ qua biên giới Mexico-Hoa Kỳ (Bloomberg).

4) Đây là tuần thứ ba liên tiếp tính từ 06/05/19, các quỹ đầu cơ tài chính trên 2 sàn cà phê hạ lượng dư bán (net shorts) với arabica New York từ -85.251 xuống còn -65.825 và London từ -41.366 còn -34.887 hợp đồng (kết sổ ngày 31/05/19).

Nhờ sàn robusta tăng cao, giá cà phê trong nước tuần qua dao động từ 31,5-34 triệu đồng.

Dự báo tuần từ 03-08/06/2019: Giá ‘’bạo phát’’, liệu sẽ ‘’bạo tàn’’?

Hình 3 – Đồ thị diễn biến giá cà phê robusta (nguồn: Barchart.com)

Chỉ trong 4 ngày giao dịch (do thứ hai 27/05 sàn robusta nghỉ), giá London dao động từ mức mức thấp lên mức cao nhất 172 Usd/tấn. Ngày 31/05 chứng kiến biên độ dao động lớn nhất, từ 1.418 lên 1.482 (74 Usd) để chốt 1.478.

Đợt bùng phát tăng đã giúp cho sàn robusta lấy đà vượt hết các điểm gặp bình quân động (BQĐ) 5/20/50 ngày tại 1.417/1.363/1.413. Kỳ vọng vượt BQĐ 100 ngày là 1.485 xem ra không khó trong tuần này.

Đặc biệt trước khi mở cửa ngày 31/05, RSI 9 ngày của cả 2 sàn cà phê báo đã vượt khỏi điểm tham chiếu 70% tức vào vùng mua quá mức với London 72,85% và New York 81,19%. Thật vậy, phiên cuối tuần trước đã có cú chỉnh giảm đầu phiên khi sàn robusta âm 33 Usd/tấn và arabica giảm 3,30 cts/lb. Tuy nhiên cả 2 sàn đã quay lại tăng mạnh cuối phiên, làm thành cú đảo chiều ngoạn mục ngay trong ngày giao dịch. Như vậy, đóng cửa giá cả 2 sàn cà phê được củng cố thêm về kỹ thuật tạo điều kiện cho 2 sàn tăng tiếp trong những ngày tới.

Kênh tăng vẫn còn mở lên 1.529 (BQĐ 70 ngày) đồng thời nâng đáy xa khỏi các mức nguy trước đây là 1.292-1.267. Vùng đáy hiện nay nằm tại khu vực giữa 1410-1420.

Như vậy, đà tăng trên sàn robusta London vẫn còn sau cú đảo chiều cuối tuần trước. Tuy thế, hiện nay chỉ báo RSI 9 ngày lại bước qua mức tham chiếu 70% lên 74,09%. Nhưng nếu các quỹ đầu cơ tài chính muốn giảm tiếp lượng hợp đồng dư bán, thì dù có vào vùng mua quá mức, giá London vẫn có thể lên nữa.

Dù sao cũng cần chuẩn bị một cú chỉnh giá xuống bất kỳ lúc nào khi giá tăng quá nóng, đẩy RSI lên cao hơn mức hiện nay.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Dù tăng nóng, hướng lên vẫn còn

Giá cà phê trong nước tuần trước tăng nhanh từ 31,5 lên 34 triệu đồng mỗi tấn chỉ trong vòng 4 ngày giao dịch. Nếu dựa trên nhận định kỹ thuật, có lý do để kỳ vọng tuần này giá robusta nội địa có mức cao hơn, như 34,5-35 triệu đồng mỗi tấn.

Đầu tuần đã xuất hiện giá mua đón trên 34 triệu tại 34-34,2 triệu đồng mỗi tấn.

Như đã nói trong phần đầu, thời gian 5 tháng đầu 2019, ước xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt chừng 767.000 tấn (12,78 triệu bao [60 kg x bao]) với tổng kim ngạch 1,31 tỉ Usd, giảm 13,1% về lượng nhưng giảm 23% về giá trị trong đó tháng 05/19 ước đạt 135.000 tấn đạt 220 triệu Usd, Tổng Cục Thống Kê cho biết.

Giá cà phê robusta xuất khẩu VN loại 2, tối đa 5% đen vỡ có lúc được chào mua ở mức 120 Usd/tấn Fob trên giá niêm yết sàn London. Nhưng qua đợt tăng mạnh tuần qua, các nhà nhập khẩu đã hạ giá mua xuống còn quanh +80/+100 Usd/tấn do lực bán ra nhiều hơn khi giá cà phê trên thị trường nội địa vượt khỏi mức 33 triệu đồng mỗi tấn.

Nhưng cần lưu ý một khi vai trò kỹ thuật đã hoàn thành, giá cà phê có lúc sẽ đi vào thực chất. Tin đáng tham khảo cho hướng giá sắp tới về mặt cung-cầu tập trung vào vụ mùa mới ở Brazil và giá trị đồng nội tệ Brl.

Chỉ trừ mưa tại bang Parana, một trong những vùng trồng robusta với diện tích khá lớn của Brazil, tại các bang khác, nông dân nước này đang vào cao điểm thu hoạch robusta, trong khi arabica chỉ mới bắt đầu. Các nhà phân tích của Safras & Mercado Brazil ước năm nay sản lượng cà phê Brazil đạt chừng 58,9 triệu bao và đã có 22% diện tích thu hoạch xong, trong đó theo tính toán của họ, Brazil đã thu hái 6,5 triệu bao robusta và 6,5 triệu bao arabica.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 307