Kỷ nguyên 4.0: vội vàng lên với chứ

(TBKTSG) – Nhiều người khuyên muốn có cuộc sống hạnh phúc thì chớ so sánh mình với ai, đúng sai, đẹp xấu, giàu nghèo… Đôi khi thấy chí lý nhưng có lúc cũng phải tự vấn: nếu không so sánh lấy chi làm chuẩn để thay đổi và tiến bộ. Tôi đi chậm, bạn đi nhanh: hãy cố lên.

Nhưng đâu phải vụ việc gì cũng sẵn để đưa ra mà cân đo nặng nhẹ! Đó là trường hợp rất đúng của câu chuyện lao động nghề nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngay tại nhiều nước phát triển đến thời điểm này, kỷ nguyên 4.0 cũng chỉ được gọi là thời đại công nghiệp của tương lai. Hình hài thế nào, chưa ai dám nói điều gì cụ thể mà chỉ ang áng rằng sẽ có một hình thái tổ chức nhà máy, các phương tiện sản xuất một cách thông minh… và hợp lý nhất, trên cơ sở kết nối thông qua đường truyền Internet, mà hiện ta vẫn hay nghe “kết nối vạn vật” (Internet of Things – IoT), nhắm đến mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu… được vận hành tự động hóa toàn phần.

Nghe đến đó đã phải rùng mình. Vị trí của người lao động, người có tay nghề cao ở đâu? Hoạt động sản xuất toàn được điều khiển từ xa, toàn tự động hóa… thì khẩu hiệu “lao động là vinh quang” thế nào đây và ai là người đánh giá cho mình khi lao động tốt?

Để tâm trí lắng đọng một chút, lại càng rùng mình lo sợ. Nhất là khi đọc xong nhiều bài báo, tài liệu đều dọa rằng không còn bao lâu nữa lắm người phải thất nghiệp.

Đúng chứ sai gì đâu! Mấy ông hành nghề “shipping” của các công ty mới thoát khỏi giai đoạn startup để trở thành doanh nghiệp dịch vụ giao nhận hàng nhanh chắc sẽ sớm bị thay thế bởi mấy phương tiện giao hàng “vật thể bay không người lái” (drones), cách nay chưa lâu chỉ là trò chơi của đám trẻ. Ngay mấy anh thanh niên lực lưỡng đang làm công tác bảo vệ đang dần dần bị loại khỏi vị trí canh gác vì mấy con mắt “camera” treo quanh cơ sở làm việc suốt ngày đêm không mệt mỏi, đáng ghét như con cú vọ!…

Các phương tiện làm việc và công cụ sản xuất tự động và thông minh đang lấn sân dần, đó là chưa có dịp thâm nhập vào các cơ sở sản xuất hàng loạt như xe hơi, điện thoại…không gian sản xuất lặng như tờ, không còn tiếng búa tiếng đục chát chúa thất thường mà chỉ nghe âm thanh xẹt xẹt nhẹ nhàng từ các máy hàn tự động…

Cả bốn phương thế giới Đông Tây Nam Bắc đều có lượng người thất nghiệp ngày càng tăng. Hình như xã hội loài người đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thời đại công nghiệp nhưng ít người thấy tỏ tường, không nói ra được, không giải thích được. Xã hội lao động nghề nghiệp hiện nay của con người như bức tranh lập thể của Pablo Picasso, người hiểu thì khen đẹp, không biết thì chê xấu, thật thật giả giả… khó nói!

Khó diễn đạt nên chẳng ai muốn nói thẳng. Nghe nói ở một số nước bên châu Âu, người ta tránh dùng từ “thất nghiệp” để nói với đối tượng hay một nhân vật ngôi thứ ba đấy! Chớ có thương xót mà nói “bạn thất nghiệp xin chia buồn”, coi chừng bị tuyệt giao tình bạn đấy. Thay vì vậy, chỉ nên nói ai đó “chưa có việc” hay “đang chờ việc”.

Nếu để ý kỹ, trong không gian xã hội hiện nay, động thái chuyển đổi giữa hai thời đại như vạn vật chuyển mùa đã có thể nhìn thấy.

Tiếng còi hụ báo giờ làm và tan sở của các công xưởng nay còn đâu, giờ cao điểm ra đường chẳng tìm được ai là lao động “cổ cồn xanh”, “cổ cồn trắng”. Để phân biệt giữa hai tốp người làm việc, người Pháp đã dùng “cổ cồn xanh” biểu thị cho người lao động chân tay, “cổ cồn trắng” lao động trí óc. Cũng hết rồi cái thời ca ngợi nhà máy cao cao phụt khói tung trời, vì đấy chính là niềm hãnh diện của một thành phố, một cộng đồng xã hội… Cơ sở như thế đã bị dời ra khỏi thành phố rồi, không chừng ở ven đô mà vẫn cứ xịt khói lung tung, chỉ tổ mời cán bộ thanh tra môi trường đến viếng…

Không khéo những bức tranh cổ động vinh danh người lao động tới đây thành kỷ niệm đẹp và ngộ nghĩnh đối với lớp trẻ. Thật vậy, lao động giữa buổi giao thời vẫn đi theo với công cụ: nhà nông vác cuốc, công nhân tay búa, trí thức mang kiếng không quên tay cầm cây viết to đùng… Công việc nào cũng đi kèm với công cụ hết sức cụ thể.

Đó cũng là một xã hội lao động lớp lang. Trừ ông chủ hãng, còn người lao động ai lương cao làm sếp, lương thấp biết chắc là nhân viên hay lính lác…

Mới đó mà thời sản xuất dây chuyền đại công nghiệp sắp sang trang. Hình ảnh anh hề Charlot suốt ngày siết bù lon đến nỗi khi về nhà vẫn còn tự kỷ ám thị… sắp bị xếp nằm dưới một lớp sách sử phát triển sản xuất của xã hội loài người. Nhiều nhà máy mới đây còn hiện đại không khéo sớm thành “đống sắt vụn” nếu như không nhanh chóng cập nhật tình hình.

Rồi sẽ có một lúc người hoài cổ với môi trường lao động cũ phải tiếc nuối, sẽ có một lớp người lao động “đời cũ” trở thành một “tuýp” người như ông đồ già lúc giao thời giữa nho học và tây học đầu thế kỷ trước.

Người không chuẩn bị tinh thần sẵn để đón thời đại mới sẽ phải ngỡ ngàng, thậm chí chơ vơ giữa “chợ nghề” mới.

Công cụ lao động của thời đại mới chẳng lo áo quần lấm lem dầu mỡ, có nhiều người làm việc thơ thới – nhìn như đang “thất nghiệp” nhưng coi chừng nhầm – sức khai thác thông tin của họ đôi khi còn mạnh hơn hàng chục chiếc xe xúc đất…

Và… muốn tìm việc mới, bạn sẽ phải bước vào thế giới dữ liệu của hai nhóm “tứ đại bang” một bên là FANG gồm Facebook Inc, Amazon.com, Netflix Inc và Google của Mỹ và bên kia là BATX gồm Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi của Trung Quốc…

Đến bây giờ, nếu chưa làm quen với hai nhóm tứ đại bang ấy, xem như bạn đã là người dễ gặp rủi ro vì thất nghiệp khi thế giới bất ngờ chuyển sang kỷ nguyên công nghiệp 4.0.

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG 16/12/2017

Hits: 243