Dự báo kiểu “lùa cá con vào rọ”?

Khủng hoảng kinh tế đã làm không ít lãnh đạo các nước phương Tây vò đầu bứt tai, đặc biệt tại Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Khi chính phủ của hai thế lực kinh tế càng lúng túng trong vũng bùn suy thoái bao nhiêu, thì các nhóm đầu cơ tài chính càng tìm cách “đục nước béo cò” bấy nhiêu.

Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, không biết có bao nhiêu dự báo về giá hàng hóa, hướng hối đoái…vừa dự báo giảm hôm qua, thì hôm nay dự báo tăng. Rõ ràng, gốc và động cơ của các dự báo cũng phải cần xem xét, có khi người đưa ra dự báo dùng phương tiện này để chèo kéo người cả tin, nhẹ dạ.

Như mới ngày 6-9 vừa qua, khi giá vàng tăng mạnh lên mức 1.923 đô la/ounce, một số quỹ đầu cơ và hãng thông tấn đã đẩy ra một dự báo “nảy lửa” rằng giá vàng trên thị trường kỳ hạn sẽ tăng lên 2.000 – 2.200 đô la/ounce. Thiệt hư chưa biết thế nào, bao nhiêu người đã trút tiền vào mua lấy mua để vàng với mức cao, hí hửng hy vọng giá lên theo dự báo. Nhưng lập tức sau đó, giá vàng bị đánh rớt một vố cực đậm tới mức “ôi xương tan”, có lúc xuống chỉ còn 1.535 đô la/ounce đúng 20 ngày sau đó (xin xem biểu đồ phía dưới).

Chưa nói chuyện đàng sau của các ông trùm đầu cơ tài chính sắp xếp như thế nào để lùa “cá con vào rọ” bằng các dự báo hết sức hấp dẫn và đầy kỹ thuật, hiện tượng giá vàng trong một thời gian cực ngắn đã rơi tự do không kìm được thì cũng chẳng thể nào dùng cán cân cung-cầu để giải thích. Thế mới biết cái chiêu “kêu dụ” của các quỹ đầu cơ tài chính “độc” chừng nào.

Nhưng, cái bất ngờ lớn nhất cho một nhà đầu tư nhỏ lẻ là làm sao mà trở tay để chuyển kịp vốn liếng của họ với hết niềm tin và hy vọng sang đồng tiền Franc Thụy Sĩ! Ngay cả chính phủ Thụy Sĩ cũng phải cầu xin “tha mạng” cho đồng tiền của họ bằng cách đặt mức trần cho tỷ giá hối đoái của mình. Bấy giờ, các tay anh chị đầu cơ mới chịu buông.Mỗi quỹ đầu cơ chí ít nắm trong tay hàng trăm tỉ đô la, cho nên việc “hô phong hoán vũ” để bơm giá tăng, hoặc xả xì giá giảm là chuyện quá dễ dàng với họ. Cách đây không lâu, để hãm giá vàng và bắt “cá con”, các quỹ đầu cơ đã quyết định chọn đồng Franc Thụy Sĩ làm nơi “hạ cánh” đã làm cho đồng tiền này một phen “thất điên bát đảo”.

Cuối tuần qua, trước bối cảnh suy thoái kinh tế “nhãn tiền”, một số dự báo giá vàng lại xuất hiện từ các đơn vị kinh doanh tài chính. Sau khi thấy giá vàng trên các thị trường tăng lại, thì các ông trùm dự báo quyết định “ừ, mày muốn tăng, tớ cho mày tăng!”. Morgan Stanley đoán rằng năm 2012, giá vàng sẽ tăng tốt, thậm chí còn tăng lên các mức kỷ lục mới vì lý do tăng trưởng kinh tế thế giới èo uột. Họ ước rằng giá vàng có thể lên mức 2.200 đô la/ounce và léng phéng có lúc lên tới 2.464 đô la/ounce. Trong khi đó, hãng này cũng đoán giá kim loại bạc sẽ ăn theo giá vàng nhưng giá dầu thô và đồng bị hạ mức dự báo!

Thực tế, các con số của các mức dự báo chỉ dựa trên vài biểu đồ kỹ thuật chỉ mang tính toán học thuần túy. Thế nhưng, đôi khi “rùa” mà đúng. (Còn nếu sai, ai “chết” ráng chịu!). Và, có người hỏi vặn: tại sao nó lại đúng thế? Đời này, về học thuật, có gì chính xác bằng toán học. Đầu cơ đang dùng các bài toán ấy để kêu dụ “con mồi”.

Có thể nói thêm cho dễ hiểu: qua bài toán, người này nói giá vàng sẽ lên 2.000 đô la/ounce, tôi có thể không tin; nhưng rồi một trăm ngàn người kia nói giá vàng ắt lên…và chỉ cần mươi ngàn người nhảy vào mua thì giá không lên trời sao được. Ngược lại, chỉ cần ba hoa cái biểu đồ, nói giá xuống 1.500 đô la/ounce, thì chỉ cần trong tích tắc, do tâm lý đám đông bị kích hoạt, ngàn người đưa vàng ra bán tháo, ắt giá sẽ rơi tự do như nhảy “dù không bung” thôi.

Cũng hát bài ca chung với Morgan Stanley, ngân hàng Credit Suisse và Goldman Sachs cũng đều chỉnh dự báo giá vàng của mình tăng lên lại trong năm 2012.

Đầu tháng 10 này, dự đoán mới cho giá vàng của Goldman là 1.860 đô la/ounce trong khi đó Credit Suisse với mức 1.850 đô la/ounce cho 12 tháng tới.

Tôi không mấy tin vào các dự báo này dù có thể sau này chúng đúng. Song, đối với người mình, trong mấy năm qua, sức mạnh của vàng với tư cách hàng hóa, là của “ăn của để” thì không ai chối cãi.

Chỉ có một điều, khi nghe dự báo, mình nên ngóng các tin chung quanh…như hoạt động của thị trường hối đoái, đồng tiền nào đáng tin…vì đầu cơ có thể sẽ tìm đường “chuyển khoản” về đó tạm trú khi muốn điều tiết lại thị trường vốn của họ.

Và tin quan trọng này có thể có bạn chưa biết…: gần 3.500 tấn vàng đang tồn kho tại Đức, đang rất sẵn sàng được bán ra một khi khủng hoảng nợ tại châu Âu không gỡ được.

Khủng hoảng làm giá vàng tăng, đồng ý. Giá vàng tăng, các nước giàu tranh thủ giá cao, bán tháo vàng ra để cứu nền kinh tế khu vực. Và…rất có thể, họ sẽ đi trước ta một bước. Chỉ còn ta bị mắc lại trong cái “lưới” giá cao không tìm đường thoát được.

NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên TBKTSG online tháng 10-2011

Hits: 77